Phóng sự - Ký sự
Nghe trong tháng Tám…
Tháng Tám gợi lên nhiều cảm xúc trong mỗi người con đất Việt. Tháng gắn liền với cuộc cách mạng vĩ đại thành công trên dải đất hình chữ S, đem lại một đất nước độc lập - tự do - hạnh phúc. Tháng Tám đâu chỉ còn là một cột mốc thời gian của năm mà trở thành cột mốc lịch sử trọng đại kể từ mùa thu tháng Tám năm 1945.
1. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công rực rỡ! Đi trong cờ hoa mừng chiến thắng của mùa thu tháng Tám, muôn dân năm ấy cho đến những người Việt Nam hôm nay, không thể không nhớ về những năm tháng gian truân, nhọc nhằn trước đó của cha ông mình. Những năm 1930 - 1940, nông dân Bạc Liêu sống dưới mức cùng cực. Đau không có thuốc để uống. Dân mặc quần bao, áo bố. Bệnh dịch lây lan, người dân nhiều xóm ấp phải bỏ làng đi nơi khác. Nhiều trẻ em đi chăn trâu, ở đợ. Một số gia đình túng quẫn buộc phải bán cả con mình. Những người nông dân tứ xứ về lập nghiệp trên đất Bạc Liêu, “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” nhưng cuối cùng vẫn chỉ là những tá điền làm công trên chính mảnh đất mình khẩn hoang, chỉ vì không biết cách làm thủ tục pháp lý. Bao nhiêu ruộng đất khai phá được đều thuộc về tay địa chủ.
Ông ngoại tôi hồi còn sống vẫn kể cho con cháu nghe cái cảnh làm thân tá điền của mình. Tá điền làm việc như trâu ngựa nhưng luôn thiếu ăn, phải vay nặng lãi. Một giạ lúa tới mùa phải trả hai giạ. Cứ như thế nợ nần chồng chất, tá điền hết đời cha đến đời con còn chưa trả hết nợ. Thanh niên ở đợ phải làm cả thân phận “vú em”, ẵm con chủ đến chai sần một bên hông, chủ sai đâu làm đó. Cuộc đời của những tá điền như ông ngoại tôi không phải là trường hợp ngoại lệ. Đó là cuộc đời cơ cực của rất đông bộ phận nông dân sống dưới ách thống trị của thực dân Pháp và chế độ phong kiến. Ngoài việc bóc lột sức lao động nặng nề về tô tức, thuế má, thực dân Pháp và bọn phong kiến còn bày ra nhiều tệ nạn xã hội đầy rẫy như cờ bạc, nghiện hút, nghiện rượu, mại dâm… nhằm đầu độc nhân dân ta.
Cách mạng tháng Tám thành công, đưa người dân Việt Nam thoát khỏi cùng cực, gông xiềng. Người dân được làm chủ trên mảnh đất của mình khai phá, nhọc nhằn cày xới bấy lâu. Cách mạng tháng Tám khai minh trí tuệ muôn dân, đoàn kết toàn dân cùng xây dựng một đất nước có chủ quyền.
Đoàn viên - thanh niên tìm hiểu về lịch sử đấu tranh cách mạng tại Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh (ấp Rạch Rắn, xã Long Điền, huyện Đông Hải). Ảnh: Tiểu Ngân
2. Ở Bạc Liêu có con đường mang tên “23 tháng Tám”. Từ năm 2005, tỉnh cũng quyết định chọn ngày 23/8 là ngày truyền thống cách mạng tỉnh Bạc Liêu. Đó là cách để ghi nhớ, để nhắc những thế hệ hôm nay và mai sau nhớ về cột mốc lịch sử trọng đại, đáng tự hào này!
Ngày 23/8/1945 là ngày của khí thế cách mạng hừng hực, hội tụ trên quê hương Bạc Liêu. 9 giờ 30 phút sáng hôm ấy, đồng chí Tào Văn Tỵ thay mặt chính quyền cách mạng thông báo trước quần chúng: “Chính quyền đã về tay nhân dân”. Tiếng reo hò mừng vui theo chân đoàn diễu hành nối dài trên khắp các đường phố. Lúc 14 giờ, Tỉnh trưởng Trương Công Thiện mặc áo dài khăn đóng đến trụ sở Mặt trận Việt Minh tỉnh, hai tay dâng bản đầu hàng và bàn giao chính quyền cho Ủy ban Dân tộc Giải phóng tỉnh Bạc Liêu.
Mười lăm năm đấu tranh cách mạng 1930 - 1945, trên quê hương Bạc Liêu không lúc nào Đảng ta vắng bóng. Tuy rằng bị địch khủng bố ác liệt rất nhiều lần, có nơi, có lúc gần như tan rã. Nhưng mỗi lần đứng dậy, lần sau dũng cảm hơn, oai hùng hơn lần trước. Mỗi lần lại có bước trưởng thành hơn để cùng nhân dân viết nên trang sử vẻ vang cho mùa thu tháng Tám trên đất Bạc Liêu và con đường đấu tranh về sau nữa.
3. Dù đã trải qua 73 năm hay nhiều hơn nữa, vẫn nghe trong tháng Tám cái khí thế hừng hực đứng lên, “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” của toàn dân tộc. Điều này thể hiện rất rõ trong những sáng tác thuộc lĩnh vực văn học - nghệ thuật. Dù chỉ là những cuộn phim tài liệu đen trắng, ngả màu thời gian nhưng giá trị lịch sử vẫn vẹn nguyên! Những bức ảnh tư liệu thời chiến còn lưu giữ được đến bây giờ thì nghiễm nhiên trở thành tài sản vô giá. Bất hủ với thời gian có lẽ là những bài ca hào hùng về mùa thu tháng Tám năm ấy. Ca khúc “19 tháng 8” của cố nhạc sĩ Xuân Oanh ra đời đúng ngày 19/8! Nhạc sĩ sáng tác bài này lúc hòa cùng dòng người đấu tranh, khi ấy, ông vừa đi vừa viết lời bài hát trên những mảnh báo cũ, vỏ bao thuốc lá. Viết được dòng nào ông hát lên cho mọi người cùng hát theo và đến chiều cùng ngày thì bài hát được in lại và phổ biến rộng rãi. Sau này, nhạc sĩ cho rằng đó là nhạc phẩm do toàn dân Việt Nam vun đắp thành những cảm xúc, khiến âm nhạc và lời ca từ đâu ào ạt xuất hiện trong đầu ông và bật ra một cách kỳ lạ như vậy! Tôi luôn tự hỏi, có ở đâu trên thế giới, một ca khúc được viết trong một hoàn cảnh đặc biệt như thế?! “Tiếng gọi thanh niên” và “Lên đàng” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cũng ra đời và vang lên trong tháng Tám mùa thu năm ấy. Đặc biệt hơn cả là “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao - bài Quốc ca của dân tộc Việt Nam đã vang trên khắp mọi ngả đường thủ đô đúng vào ngày 19/8/1945 lịch sử!
Ta nghe trong tháng Tám mùa thu, tháng Tám lịch sử của dân tộc Việt Nam những điều thiêng liêng như thế!
Cẩm Thúy