Phóng sự - Ký sự
Những đứa trẻ khát hơi ấm
Thời tiết lúc này đã vào mùa mưa. Mưa ngày, mưa đêm, những cơn mưa dai dẳng càng khơi lên bao nỗi niềm sâu thẳm của lòng người. Lạnh! Co ro giữa phòng, tôi cứ ám ảnh mãi về ánh mắt của những đứa trẻ mồ côi mà mình đã gặp… Không cha, không mẹ, trong những đêm mưa gió đầy trời, các con khát khao hơi ấm xiết bao!
Từ hơn 5 năm trước, tôi đã biết đến Vĩnh Phước An tự (phường 2, TP. Bạc Liêu) - một trong những ngôi chùa nhận nuôi trẻ mồ côi nhiều nhất Bạc Liêu - qua những chuyến từ thiện nhỏ cùng nhóm bạn. Trước mắt tôi khi ấy là một gian nhà rộng, với hàng chục chiếc võng được giăng thẳng hàng, một cái mùng lớn cho các bé ngủ chung. Những đứa trẻ chỉ từ vài tháng đến mười mấy tháng tuổi, mặc những bộ đồ cotton trắng mỏng, đang bú sữa bò (sữa đặc có đường).
Trẻ mồ côi được nuôi dưỡng ở Vĩnh Phước An tự. Ảnh: T.H
Thương quá, tôi nựng nịu một em bé nhỏ, vậy là các bé khác nhổm người dậy nhìn chăm chăm, rồi từng đứa, từng đứa bò lại gần, trèo lên người, rờ rẫm tay, mặt tôi không rời. Nhỏ bạn tôi nghèn nghẹn bảo: “Tụi nhỏ thèm hơi mẹ!” Quả là vậy. Dù nhỏ nhưng bọn trẻ rất nhạy cảm, cứ thấy ai nhìn mình với ánh mắt trìu mến, ai đến gần nựng nịu là chúng lại sà ngay vào lòng để được yêu thương. Những thân phận côi cút ấy đang cố gắng kiếm tìm một chút hơi ấm dù là thoáng qua, dù là ngắn ngủi… rồi lại vụt mất - hơi ấm mẫu tử. Quyến luyến cả buổi rồi cũng phải buông bọn trẻ ra mà tạm biệt, nhìn những đôi tay nhỏ cứ như muốn chìa ra níu kéo, hôm ấy tôi và nhỏ bạn cứ rấm rứt khóc. Cảm xúc non nớt của những cô gái chưa từng làm mẹ, nhưng nỗi vấn vương thì theo mãi đến tận bây giờ.
Chuyến trở lại gần đây nhất, những đứa trẻ ở ngôi chùa này đã lớn. Đứa nào mặt mày cũng sáng sủa, nhiều đứa vào mẫu giáo, tiểu học. Có điều, bên cạnh những bé hồn nhiên vui thích khi được quà bánh, nhiều bé vẫn “lạnh” căm, gương mặt trĩu nặng nỗi buồn, ánh mắt như chứa đựng tâm tư… Hỏi han mãi, cậu bé tên Hòa cũng không mở miệng nói tiếng nào. Ánh mắt vô cảm, gương mặt bất biến, Hòa cứ thế nhìn tôi, rồi quay đi. Mất cả buổi làm quen, đến khi tôi lấy máy chụp hình ra, cùng “seo-phì” với bọn trẻ đủ kiểu cười nhăng nhít của con nít thì Hòa mới phì cười, rồi chịu nói chuyện. Nhưng có lẽ, cái cảm giác cứ được yêu thương chốc lát rồi lại phải chia ly càng hằn sâu trong bọn trẻ niềm khát khao hạnh phúc gia đình thực thụ, cảm giác được yêu thương trọn vẹn từ đấng sinh thành.
Một chị nuôi trẻ ở đây bỏ nhỏ cùng tôi: “Thiếu tình thương cha mẹ nên tụi nhóc nhiều đứa có ánh mắt thật buồn, lúc nào cũng như mang tâm sự. Tội nghiệp, vừa sinh ra đã bị cha mẹ bỏ rơi, dù được cưu mang nhưng sao có thể lấp đầy hơi ấm tình thân. Đời cay nghiệt. Người thì mong cháy bỏng để có mụn con, người mang nặng đẻ đau lại đang tâm vứt bỏ…”.
Nằm cách TP. Bạc Liêu chỉ độ chục cây số, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh (ấp Nước Mặn, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) khá trầm buồn. Trung tâm này được biết đến như ngôi nhà lớn của những đứa trẻ từng bị vứt bỏ, ruồng rẫy, những đứa trẻ không may mồ côi cha mẹ. Từ mái ấm này, bao lứa trẻ con đã lớn dần lên. Điều đặc biệt là trung tâm rất "có duyên" với việc cưu mang cùng lúc cả hai bé trong một gia đình. Như trường hợp anh em Hữu Hòa, Hữu Bình hay Minh Nhí, Cẩm Loan. Vào trung tâm từ năm 6 tuổi, giờ Cẩm Loan đã bước sang tuổi 14. Có mái tóc dài đen mượt với gương mặt tròn đầy, đôi mắt sáng và nụ cười rất dễ thương, Loan được nhiều mạnh thường quân yêu mến muốn nhận về làm con. Vậy nhưng, Loan luôn từ chối. Trong thâm tâm cô nữ sinh THCS ấy chỉ mong mang yêu thương của mình lấp đầy phần nào khoảng trống tâm hồn của những em nhỏ cùng cảnh ngộ.
So với các điều kiện của một Trung tâm Bảo trợ xã hội thì đời sống vật chất của các đối tượng ở đây nói chung, trẻ em nói riêng khá đủ đầy. Chỉ duy nhất nhu cầu vẫn thiếu hụt theo thời gian đó chính là hơi ấm của cha mẹ, tình yêu thương gia đình - điều mà những đứa trẻ nơi đây khao khát nhất.
Có lẽ, sớm mất mẹ nên tôi có sự đồng cảm sâu sắc với các em hơn. Tôi hiểu cảm giác một đứa trẻ khao khát được có ai đó để gọi là “mẹ” mãnh liệt như thế nào…
Qua tiếp xúc, nhiều bé trai có tâm lý khá đặc biệt, lực học cũng khiêm tốn, một phần cũng do sự mặc cảm khi bị gia đình bỏ rơi. Tuy đã quen hơi với các em, nhưng kể cả Ban giám đốc và cán bộ, nhân viên nơi đây ai cũng mong có gia đình đến nhận, đón các em về yêu thương, chăm sóc nhưng hiếm khi có niềm vui ấy. Và dù đã cố gắng bù đắp những bất hạnh, thiệt thòi của các em, nhưng trái tim những người “cha”, người “mẹ” ở trung tâm này vẫn chưa một ngày thôi trăn trở.
“Mồ côi như thể đêm đen. Mùa đông lạnh lẽo không mền che thân” - câu thơ ấy cứ mãi ám ảnh tôi khi nghĩ về số phận của những đứa trẻ. Mưa đang giăng đầy trời, thời tiết hay làm trẻ con đau ốm, cần biết bao vòng tay ôm ấp, chăm nom của cha mẹ, vậy mà những đứa trẻ kia… Không biết ở một nơi nào đó, các đấng sinh thành từng vứt bỏ con mình, có phút giây nào chợt nhớ, trong cuộc đời này còn một núm ruột đang bơ vơ?!
Thanh Hải