Phóng sự - Ký sự
Những đứa trẻ nơi cửa Phật
Trong sự tĩnh mịch, trang nghiêm nơi cửa Phật, tiếng chuông chùa cứ thong thả ngân nga như muốn kéo níu lòng người tịnh tâm hướng thiện. Và ở nơi ấy, đôi khi len lỏi âm thanh của sự nô đùa, khóc la của trẻ nhỏ mà ít có ai biết rằng chúng là những đứa trẻ bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng.
Chưa có thống kê tới thời điểm này, trong tỉnh Bạc Liêu có bao nhiêu chùa, trung tâm bảo trợ xã hội hay tịnh xá, niệm phật đường… đang nuôi dạy trẻ mồ côi, trẻ em bất hạnh. Ở những nơi này, người ta thấy có nhiều chú tiểu khoác áo nâu sòng khi tuổi đời còn thơ dại.
NƠI CƯU MANG Những mảnh đời bị chối bỏ
Chùa Long Phước (phường 5, TP. Bạc Liêu) được biết đến có một mái ấm tình thương dành cho trẻ mồ côi. Nhà trẻ hiện có 31 bé đang được nhà chùa nuôi dưỡng, giáo dục. Có 19 bé đang đi học, còn lại đều dưới 3 tuổi. Ban trị sự chùa Long Phước cho biết, có đa dạng hoàn cảnh và nhiều lý do khác nhau để người ta từ bỏ “núm ruột” của mình. Có khi chồng bỏ, vợ bỏ, nghèo khó, bệnh tật… Nhưng đa số giống nhau ở chỗ, chúng đều bị cha mẹ bỏ ngay từ khi mới chào đời hoặc nuôi được vài tháng, vài tuổi. Trước đây, nơi này có 6 bé nhiễm HIV, nhà chùa chỉ đưa kịp 4 bé đi điều trị ở TP. HCM, còn 2 bé đã chết. Thượng tọa Thích Giác Nghi (thầy Nghi), Trụ trì chùa Long Phước nhớ nằm lòng đến từng cảnh đời. Bé N.M.T.P đang học lớp 7 xem như “anh cả” ở nhà trẻ này. Khi mới lên 3 tuổi, bé được người thân dắt vào chùa năn nỉ xin chùa nuôi giúp. Lý do, mẹ bé đã chết, cha thì quá nghèo, quanh năm tha phương cầu thực. Còn bé K.T (quê tỉnh Cà Mau, năm nay đã lên lớp 4) khi mới lọt lòng, mẹ đã mang bé tới chùa kể trong ràn rụa nước mắt rằng đã lầm lỡ tin lời một người đàn ông đang có vợ, kêu sinh cho ông đứa con, ông sẽ chu cấp toàn bộ. Nhưng khi đứa bé chào đời thì người đàn ông ấy lạnh lùng quay lưng, rũ bỏ trách nhiệm…
Thượng tọa Thích Giác Nghi dạy chữ cho các bé ở nhà trẻ mồ côi Long Phước. Ảnh: T.Đ
Thầy Nghi kể, có khi giữa đêm, nhà chùa bỗng nghe tiếng khóc văng vẳng của trẻ thơ, chạy ra cổng chùa thì thấy em bé nằm trong cái thau hoặc thùng cát-tông, mình còn đỏ hỏn, tay còn dây đeo ghi ngày giờ sinh. Cũng có khi là lúc sáng sớm hay giữa giờ trưa vắng người, nhà chùa phát hiện cái thau bên trong có một đứa trẻ do ai đó mang tới cổng chùa rồi bỏ chạy. Đôi khi có đứa khóc cứng cả bụng nhà chùa mới tìm thấy...
Tất cả các cháu ở nhà trẻ mồ côi đều gọi bảo mẫu bằng mẹ. Cô Kha Mỹ Lệ, làm bảo mẫu đã được 8 năm chia sẻ: “Đôi khi chúng khóc vì đói, vì thiếu hơi ấm của người mẹ. Do đó, bất kể sáng sớm hay tối khuya, các cô đều phải pha sữa, dỗ dành, âu yếm như chính con ruột của mình. Mỗi khi cho ăn, các cô có khi mất vài tiếng đồng hồ để làm mặt cười, mặt dữ, cố gắng đút được từng muỗng cơm, cháo vào miệng các bé. Nửa đêm, nửa hôm các bé sốt cao, co giật, mọi người tay ẵm, tay mang, nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện rồi cắt cử thay nhau săn sóc bé có khi đến cả chục ngày".
Tất cả các cháu bị bỏ rơi đều được thầy Nghi đứng ra làm khai sinh, đặt tên và cho mang theo họ Phan của thầy. Thầy Nghi chia sẻ, thấy các cháu đi học gian nan, nhà chùa phải mua chiếc xe cũ 12 chỗ ngồi để đưa rước các cháu đến trường, lo cho các cháu tất cả chi phí ăn học. Cửa chùa cứ mở và những mảnh đời bất hạnh, mồ côi, cơ nhỡ cứ đến mãi không ngừng. Còn nhiều lắm những mảnh đời bạc phước, sự cưu mang, giúp đỡ của nhà chùa chỉ bằng hạt cát trong xã hội. Bởi vậy, thầy Nghi mong muốn, đồng bào phật tử gần xa, các nhà hảo tâm mở rộng vòng tay giúp đỡ nhà chùa có đủ kinh phí xây mới nhà trẻ mồ côi để có điều kiện tốt hơn cưu mang những mảnh đời khốn khổ, bất hạnh nhất trong xã hội.
Cơ duyên nơi cửa Phật
Rời nhà trẻ mồ côi Long Phước, chúng tôi tìm đến Niệm phật đường Từ Trí (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu). Niệm phật đường này là mái ấm của hơn 20 con người cả trẻ em lẫn người lớn, tất cả đều tu hành, ăn chay, xuống tóc theo thức cửa Phật. Trong đó có 10 trẻ dưới tuổi 18. Ngày ngày, chúng quấn quýt bên sư cô Thích Nữ Nghĩa Tịnh (Trụ trì Niệm phật đường) và coi sư cô như mẹ hiền. Bởi trong sâu thẳm những tâm hồn còn non nớt ấy, chúng luôn khát khao tình thương, sự che chở và hai tiếng gia đình. Theo năm tháng, các sư cô ở đây dần dần trở thành bảo mẫu của các tiểu tăng, như những người trông trẻ thực thụ. Người đi trước nuôi nấng, dạy bảo người đi sau. Quan điểm giáo dục, cảm hóa trẻ nhỏ mà sư cô Nghĩa Tịnh lấy làm phương châm: “Dạy trẻ thì thiên biến vạn hóa”, do đó, phương pháp tốt nhất là lấy người lớn làm tấm gương cho trẻ nhỏ noi theo. Ở Niệm phật đường luôn tạo cho trẻ có những kỹ năng cần thiết như xác lập giờ giấc học tập, lao động và niệm phật một cách rõ ràng. Các bé đều tự đạp xe đi học và phải biết sửa mỗi khi xe hư...
Khác với trại trẻ mồ côi Long Phước, trẻ em đến với Niệm phật đường Tứ Trí không phải mồ côi, đều có cha hoặc có mẹ, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cha hoặc mẹ các em vẫn thỉnh thoảng ghé thăm con mình rồi lại ra đi tìm kế sinh nhai, cũng có người đi biền biệt. Thỉnh thoảng cơ sở này cũng tạo điều kiện cho các em về thăm cha mẹ, ông bà. Khi mới vào Niệm phật đường, sư cô Trụ trì không ép buộc các em phải tu, nhưng ở trong môi trường tu hành, các em đều tình nguyện xin được khoác áo chân tu, ăn chay, học văn hóa và kinh Phật. Niệm phật đường sau đó mới làm lễ xuất gia cho các em, có giấy xác nhận của Giáo hội Phật giáo.
Tâm nguyện của sư cô là cho các bé tu học đến 18 tuổi. Khi đó, nếu các em muốn tiếp tục tu, muốn nên tam bảo thì Niệm phật đường mở rộng vòng tay hướng Phật cho các em suốt đời. Còn nếu không tu thì cũng có gia đình để về. Khi đó, dù gia đình có khó khăn thì các em cũng đã có ý chí tự lập, khi đó sư cô mãn nguyện rồi.
Mọi trẻ em trên đời, dù là ai, xuất thân trong hoàn cảnh nào cũng có quyền được yêu thương, chăm sóc. Rời cửa chùa, rời những mái ấm dạt dào tình thương, bao dung với những gương mặt ngây ngô, hồn nhiên của những bé con vừa chào đời đã phải gánh chịu đau khổ, bất hạnh khiến lòng chúng tôi bịn rịn, đau thắt. Như lời sư cô Thích Nữ Nghĩa Tịnh từng chua xót: “Hàng năm, các chùa, niệm phật đường khắp nơi… đều tổ chức lễ Vu lan nhằm ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng, lòng hiếu thảo của con đối với cha mẹ. Thế nhưng, bên ngoài xã hội thì mỗi năm trẻ mồ côi cứ nhiều thêm và không biết bao giờ mới chấm dứt”.
Tấn Đạt
- Chủ tịch UBND tỉnh phân công ông Dương Hồng Tân phụ trách Sở GD-ĐT
- Kiểm tra, giám sát Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh
- Tập huấn nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo đối với tín dụng chính sách xã hội
- Bế mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng và an ninh học sinh THPT
- Ùn tắc giao thông vì dựng rạp án ngữ dưới lòng đường