Phóng sự - Ký sự

Tấm lòng của một Việt kiều Bạc Liêu xa xứ

Thứ Sáu, 01/02/2019 | 17:05

Tiến sĩ Tôn Lâm (Hai Lâm), thành viên Hội đồng quản trị Trường đại học Hawaii (Hoa Kỳ), cũng là đại sứ hoạt động nhân đạo của Liên Hiệp Quốc từ năm 2015 đến nay - người con của quê hương Bạc Liêu. Tôi tình cờ quen anh Hai Lâm thông qua một người bạn từ một thông tin rất đơn giản. Đó là cứ mỗi năm, gần tết là anh Hai Lâm bay hơn 1.000km từ Hà Nội vào Cần Thơ, rồi đi xe hơn 100km để về Bạc Liêu thắp nhang mộ cha mẹ và tặng quà tết cho bà con nghèo ở quê nhà (thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình).

Tiến sĩ Tôn Lâm với cuộc sống đời thường. Ảnh: do nhân vật cung cấp

LUÔN MƠ VỀ ĐẤT MẸ

Hôm tôi gặp anh Hai Lâm, anh đang loay hoay giữa rất đông bà con xóm giềng để tặng họ những món quà tết. Đó là những thứ hết sức thiết thực với cuộc sống của người nghèo trong ba ngày tết. Anh trực tiếp trao cho từng người rồi ân cần hướng dẫn sang bàn kế bên để lấy nước uống, cơm hộp mà ăn. Thì ra, anh Hai đã chuẩn bị chu đáo mấy trăm suất cơm để sẵn cho bà con đến nhận quà có bữa cơm trưa. Tấm lòng đó đơn giản mà ấm áp làm sao!

Dân gian mình có câu “Của cho không bằng cách cho”, cái cách mà anh Hai cầm quà cho bà con nghèo thật tình cảm, thật gần gũi. Mọi năm, anh đều tính toán chu đáo để có quà gửi về quê san sẻ chút ít khó khăn với bà con nghèo mấy dịp lễ, tết. Tết này, số gạo, số quà anh chuẩn bị cho bà con mấy trăm suất, rồi vẫn phát sinh thêm 4 tấn gạo vì có người đến nhưng không có phiếu, anh làm sao nỡ để họ về tay không? Mỗi suất quà anh tặng là 1 bịch gạo 10kg, kèm theo đó là thùng mì, dầu ăn, đường, nước mắm... Thỉnh thoảng, anh Hai lại nhắc mấy em, mấy cháu phát quà: “Trao quà xong nhớ hướng dẫn bà con sang bàn nhận suất ăn trưa. Đừng để ai đói bụng”.

Tôi có thói quen quan sát người ta làm việc hơn là nghe người ta nói. Có lẽ một phần cũng do nghề nghiệp ảnh hưởng, chỉ tin vào những gì mình chứng kiến, cảm nhận. Những gì báo chí viết về anh Hai Lâm, tên thật là Tôn Lâm, một doanh nhân Việt kiều, người con của quê hương Bạc Liêu, không phải là ít. Tôi sẽ không viết lại những gì mà các đồng nghiệp của mình đã viết về anh Hai Lâm, song cũng phải nói qua tiểu sử của anh: Từ khi anh còn là một chàng thanh niên có nhiều hoài bão ước mơ, cuối cùng bị dập tắt vì phải sống trong chế độ ngụy quyền thời chiến tranh; rồi phải rời xa quê hương, sống trên đất khách quê người. Suốt 13 năm sống trên đất Mỹ, Tôn Lâm chưa bao giờ thôi mơ về đất mẹ, về một ngày mình được trở về Việt Nam. Vì thế, khi có thời cơ có thể quay trở lại Việt Nam sớm nhất là anh liền thực hiện.

Đó là năm 1988, trong vai trò của một chuyên gia về kinh tế của Liên Hiệp Quốc, khi UNDP (Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc) đề nghị Tôn Lâm làm cầu nối tham gia các hoạt động tại Việt Nam là anh liền nhận lời. Năm 1988, có lẽ Tôn Lâm là một trong số rất ít Việt kiều Mỹ trở về Việt Nam.

Hoạt động của Tôn Lâm tại quê nhà vào những năm ấy còn khá khó khăn, cả về kinh tế và chính trị, nhất là khi Việt Nam và Mỹ vẫn chưa bình thường hóa mối quan hệ, có rất nhiều rào cản từ hai phía. Thế nhưng, từ những nỗ lực của mình, nhiều chính trị gia ở Mỹ còn mời anh tham gia tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề xung đột. Anh cũng là một trong những nhân tố góp phần giúp phá vỡ cuộc bao vây cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Việt Nam. Có lần, để ngăn chặn những việc làm của anh tại Việt Nam, những người chống cộng còn đốt nhà anh ở Mỹ. Nói như thế để thấy những áp lực mà Tôn Lâm phải chịu đựng khi quyết tâm ở lại quê hương. Từ những việc làm này, ngày 5/3/2015, Văn phòng Chủ tịch nước phát hành Công văn số 350/VPCTN kiến nghị Bộ Ngoại giao xem xét, đề xuất hình thức khen thưởng của Nhà nước đối với những đóng góp của anh.

Ông Tôn Lâm phát quà cho bà con nghèo ở thị trấn Hòa Bình (huyện Hòa Bình). Ảnh: K.P

GÓP SỨC LỰC CHO QUÊ NHÀ

Khi tôi hỏi anh Hai: Ở Mỹ hiện đại như vậy, điều kiện tốt như vậy, không ít người vẫn đánh đổi mọi thứ để được sang đó thì tại sao 30 năm trước, anh đã quay quắt muốn trở về quê hương? Một câu hỏi khiến anh Hai xúc động, anh không trả lời tôi ngay. Rồi anh trầm ngâm kể: “Ngày buộc lòng phải rời quê hương, trong hàng ngàn người con Việt Nam ra đi, chắc chẳng có mấy người muốn đâu em. Ai cũng khắc khoải nỗi nhớ quê, nhớ những người thân yêu của mình. Sống nơi xứ người, dù cuộc sống đầy đủ hơn, nhưng cảm thấy xa lạ lắm! Anh Hai chỉ là đi về nước trước, sau đó, nhiều Việt kiều cũng kéo nhau về đó thôi. Đi đâu cũng không bằng quê nhà em ơi!”.

Tấm lòng anh Hai Lâm luôn hướng về quê nhà, về cội nguồn, muốn về Việt Nam góp ít sức lực cho quê hương. Ở Hà Nội, là một doanh nhân thành đạt với chuỗi nhà hàng - khách sạn Hoa An Viên, với món phở CaLi nổi tiếng, nhưng trong anh vẫn còn một góc thương nhớ quê nhà Bạc Liêu - nơi quê nội yêu thương. Để rồi hàng năm, anh Hai đều lặn lội về quê, lo cho em út, lo cho dòng họ, rồi góp phần lo cho bà con chòm xóm, những người còn thiếu thốn, chật vật hơn mình. Một người con Bạc Liêu, dù đi đâu, làm gì, vẫn không quên nguồn cội, không quên mồ mả ông bà, cha mẹ, biết trước biết sau, biết bà con lối xóm, điều đó đã đủ để những người như chúng tôi nể trọng.

Không chỉ là một doanh nhân thành đạt tại Hà Nội, anh Hai Lâm còn kêu gọi nhiều doanh nghiệp nước ngoài về đầu tư tại quê hương. Nhiều dự án nước ngoài đầu tư tại Việt Nam đã giúp không ít địa phương phát triển kinh tế, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân, đơn cử như tỉnh Hậu Giang. Anh Hai cũng mong muốn có thể làm gì đó để đóng góp cho quê nội, nơi anh gắn bó từ thuở ấu thơ. Anh thường kêu gọi bạn bè, những doanh nhân thành đạt đầu tư về Bạc Liêu, hay mong muốn thiết kế thêm những bảng cảnh báo an toàn giao thông “Stop - Dừng lại, quan sát, đi tiếp” mà anh Hai đã đề xuất và áp dụng hiệu quả tại tỉnh Hậu Giang.

Trong một buổi chiều xuân bãng lãng khói hương từ khu nhà thờ từ đường, anh Tôn Lâm trầm mặc chia sẻ cho tôi thấy thêm một ước mơ của anh. Đó là ở nơi đây, trên phần đất của gia đình mình (thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình), anh muốn xây dựng một ngôi trường dành cho trẻ em nghèo. Ở đó có thể dạy cho các em học chữ, học nghề, học ngoại ngữ… Bởi anh Hai hiểu rằng, nếu không có tri thức, rất khó vượt qua sự đói nghèo. Khi nói về một ngôi trường như vậy, tôi mới thấy anh Hai cười, một nụ cười thật đẹp và đôn hậu.

Kim Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.