Phóng sự - Ký sự

Trắc trở… Ba Đình!

Thứ Sáu, 11/03/2016 | 17:03

Một đoạn đường chỉ dài hơn 10km mà người dân phải chờ đợi qua biết bao mùa mưa lầy, nắng bụi. Người dân nơi đây đang khắc khoải chờ đợi một con đường. Giao thông trắc trở, vì thế đường về Ba Đình vẫn còn xa…

Cách trở đò ngang

Xã Vĩnh Lộc A (huyện Hồng Dân) có địa danh Ba Đình nổi tiếng. Nơi đây không chỉ là vùng căn cứ cách mạng, mà còn được biết đến với câu nói: “Gà gáy 3 tỉnh còn nghe” (gồm Bạc Liêu, Kiên Giang và Hậu Giang). Nay được coi là địa phương như đang có “mỏ vàng” về phát triển tiềm năng nông nghiệp sau khi chuyển đổi cơ cấu sản xuất và tiềm năng phát triển du lịch... Bây giờ muốn về địa phương này phải qua mấy bận đò ngang. Bởi vùng này đang ở trong thế “gần nhà mà xa ngõ”, chỉ vì trắc trở giao thông. Con đường về trung tâm xã gần như bị lãng quên, mấy năm qua chỉ dành cho người đi… bộ.

Những ngày đầu tháng 3, chúng tôi quyết định làm một chuyến “mục sở thị” con đường được mệnh danh là “khó đi nhất tỉnh” này. Từ Quốc lộ 1A, chúng tôi rẽ phải vào đường tỉnh 978 (tuyến Cầu Sập - Ninh Quới - Ngan Dừa - Vĩnh Lộc A, dài 63,5km). Xe bon bon trên đường láng nhựa, tốc độ cho phép lên đến 50km/h. Tuyến đường này đã thông xe đến tận Cầu Đỏ của xã Vĩnh Lộc. Bây giờ có cả xe buýt chạy từ Ngan Dừa lên TP. Bạc Liêu.

Gần 8 giờ sáng, chúng tôi đến chợ Cầu Đỏ dừng chân ăn sáng, uống cà phê. Chợ này mới  được xây dựng chỉ vài năm nhưng cảnh mua bán rất sung túc, trên lộ, dưới thuyền, người xe tấp nập. Hỏi đường về Ba Đình, người dân bảo phải qua phà, vì bên Vĩnh Tuy, Vĩnh Thắng (tỉnh Kiên Giang) mới có đường. Đến đầu kênh 1 lại qua phà thì đến UBND xã.

Không đi đường vòng cho xa, chúng tôi quyết định qua Cầu Đỏ thẳng tiến Ba Đình trên con đường chông chênh, đầy ổ voi, ổ gà, chạy dọc theo dòng sông Cái Lớn. Dọc đường, nhiều người dân nhìn chúng tôi với ánh mắt lạ lẫm, ngạc nhiên. Có lẽ lâu lắm rồi họ mới thấy có người dám chạy xe máy trên con đường này.

Đường không ra đường. Xe chạy với tốc độ rùa bò, chưa đến 20km/h mà nó cứ lồng lên như con ngựa bất kham. Người ngồi sau cứ nhảy chồm lên lưng người cầm lái. Quả thật, đoạn đường này là thử thách tuyệt vời với những ai muốn chạy xe mạo hiểm, tìm cảm giác mạnh.

Chỉ hơn 10km đường, chúng tôi phải đi mất hơn 1 tiếng đồng hồ mới đến được trung tâm xã. Hai tay mỏi nhừ vì vừa “đánh vật” với con đường.

Con đường từ Cầu Đỏ về chợ Ba Đình bị bỏ hoang nhiều năm nay. Ảnh: C.K

Bà Nguyễn Hồng Hoa, Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân, cho biết: “Năm 2016 tuyến đường này vẫn chưa được ghi vốn để thực hiện”.
Theo Quyết định số 1775 của UBND tỉnh về việc phê duyệt phát triển giao thông vận tải tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 thì Bạc Liêu có 2 tuyến đề nghị Bộ GTVT bổ sung vào hệ thống đường quốc lộ, gồm: Tuyến Gành Hào - Giá Rai - Phó Sinh - Cạnh Đền: dài 60km; tuyến Cầu Sập - Ninh Quới - Ngan Dừa - Vĩnh Lộc A: dài 63,5km.

 

Khắc khoải… một con đường

Chúng tôi đến được trụ sở UBND xã thì đã gần 11 giờ trưa. Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Bí thư Đảng ủy và ông Nguyễn Quốc Thái, Chủ tịch UBND xã lắc đầu khi biết chúng tôi đi qua “con đường đau khổ” ấy.

Hơn 5 năm trước, đường từ Cầu Đỏ về Ba Đình láng nhựa hẳn hoi. Dù chỉ là đường nông thôn tiêu chuẩn 2m, nhưng giao thông thuận tiện. Năm 2010, khi dự án nâng cấp tuyến đường này được khởi công, người dân vô cùng vui mừng. Ông Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, người dân trong xã rất ủng hộ chủ trương, 100% hộ dân có đất bị ảnh hưởng đều chấp hành, không có trường hợp khiếu nại về công tác giải phóng mặt bằng. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì dự án bỗng dưng ngừng lại. Suốt mấy năm nay không thấy xe ủi, xe cuốc hay bóng dáng công nhân cầu đường nào đến thi công. Đường cũ bị cày xới, bới tung lên, đoạn đổ cát, khúc đổ đá dăm, đá hộc nham nhở… không ai còn nhận ra con đường quê quen thuộc ngày nào. Một em học trò tiểu học ở xã cho tôi biết, mỗi ngày em phải vất vả lội bộ từ nhà đến trường và từ trường về nhà gần 10km. Tôi nhẩm tính, mỗi năm cậu bé phải cuốc bộ đi học hơn 2.000km, chỉ vì đường không thể đi được bằng xe đạp, quả là một con số đáng giật mình!

Giao thông trắc trở. Tình hình phát triển kinh tế, xã hội của xã gặp vô vàn khó khăn. Nguồn thu ngân sách chính của xã là chợ Ba Đình cũng tụt giảm xuống thấp nhất, vì chợ có ít người mua. Mang tiếng là chợ xã ven sông vốn buôn bán nhộn nhịp ngày nào, nay mới tầm 9 giờ sáng là đã vắng như chợ chiều. Người buôn bán ngồi nhìn nhau ngao ngán. Bà Trần Thị Bạch Mai, tiểu thương ở chợ Ba Đình, than thở: “Đường sá kiểu này nên mấy năm nay càng ngày càng ít người đi chợ. Họ qua các chợ bên kia sông của tỉnh Kiên Giang, tỉnh Hậu Giang thuận tiện hơn vì bên ấy có đường”. Bà Mai đã định cư làm nghề mua bán ở đây từ những năm 1980. Trải qua “4 xác chợ nhà lồng” như cách bà nói thì chưa bao giờ ế ẩm như mấy năm gần đây. Không có đường, nên không thể thông thương. Nhu cầu mua sắm từ cọng rau, con cá đến cái tivi, tủ lạnh… hầu như đều dựa vào các chợ bên tỉnh bạn. Điều này đồng nghĩa với việc người dân nơi đây làm ra được bao nhiêu tiền đều mang đi nơi khác để xài. Còn khi có việc cần kíp về giấy tờ, hành chính thì buộc lòng mới lên huyện, lên tỉnh.

Con đường trắc trở như vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bà con nơi đây. Các hộ dân sống hai bên con đường này chủ yếu là nông dân, đời sống nhiều hộ còn nghèo. Để phát triển kinh tế cần có con đường lưu thông hàng hóa thuận tiện, nhưng vì đường sá đi lại khó khăn xe không đến được, nên nhiều lúc nông sản không biết bán cho ai, mà có bán được thì thường cũng bị ép giá.

Một đoạn đường chỉ dài hơn 10km mà người dân phải chờ đợi qua biết bao mùa mưa lầy, nắng bụi. Chưa biết đến bao giờ mới lại được thi công tiếp, nói chi đến chuyện hoàn thành.

Người dân ở đây đang chờ đợi con đường như trời hạn mong mưa. Một chuyến đi thực tế về vùng quê này, chúng tôi thấu hiểu được điều mong muốn chính đáng của người dân mà đằng đẵng ngần ấy năm vẫn chưa được đáp ứng.

Vì thế, đường về Ba Đình vẫn còn quá xa…

Châu Khánh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.