Phóng sự - Ký sự

Trái tim không tật nguyền

Thứ Sáu, 02/09/2016 | 16:27

Tất cả thành viên của căn nhà xơ xác ấy đều không lành lặn, kể cả người đàn ông được xem là trụ cột gia đình cũng liệt nửa người. Kỳ diệu chính là trong màu đời xám xịt ấy, có ánh hào quang phát ra từ trái tim hồng. Nó soi rọi, sưởi ấm những phận bạc dắt nhau qua tăm tối. Mặc đời cay nghiệt, trái tim ấy chưa bao giờ ngừng nhịp đập yêu thương để chở che cho tình máu mủ và nối dài con đường học tập của 2 đứa trẻ cút côi…
 
“Một vai gánh vác cả đôi sơn hà”
Từ “đôi vai” vốn không phù hợp với người liệt bán thân như anh Dương Văn Ơi (ấp 3, xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long). Cánh tay trái liệt hẳn, chân khúc khuỷu yếu ớt, anh Ơi phải còn dùng thuốc thường xuyên vì di chứng động kinh. Vậy mà mấy ai ngờ, con người đó là tâm điểm, linh hồn sống cho cả nhà. 
Cái sổ hộ nghèo dường như đã nói hộ tất cả bi đát của gia đình anh Ơi: thiếu hụt về nhà ở, công trình vệ sinh, 4 nhân khẩu là đối tượng bảo trợ xã hội. Thân thể liêu xiêu, vậy mà đứa con trai út Dương Văn Ơi lại là trụ cột chính trong nhà khi mẹ, chị đều là người khuyết tật nặng, còn người cha thì lay lắt với cái bướu ác trong dạ dày ở tuổi 80. 40 tuổi đời với hơn 20 năm nếm trải đắng cay, mỗi ngày trôi qua với anh Ơi và những người thân là sự cố gắng khủng khiếp. Ngoài số tiền trợ cấp hàng tháng là 270.000 đồng của mỗi người, với đôi chân tàn tật nhiều lần té ngã đến gãy chi, anh Ơi vẫn mạnh bước trên con đường quê gập ghềnh để giúp người dân những chuyện vặt về giấy tờ, đơn thư kiếm thêm ít đồng lo cho gia đình. Những lúc cha mẹ già ngã bệnh, đôi chân tật nguyền ấy phải vững vàng trên từng chuyến xe buýt, lên xuống cầu thang bệnh viện để lo cho hai đấng sinh thành. Rồi cũng chính là anh, người phụ huynh gương mẫu, nhiệt tình chưa từng bỏ một buổi họp nào để trao đổi thông tin với nhà trường, giáo viên, hỗ trợ việc học hành của 2 đứa cháu côi cút, vốn là con người anh ruột, được anh cưu mang đưa về sống cùng nhà…
Mưa bất ngờ ập đến. Bữa cơm với vài con cá phi non và nồi canh lõng bõng nước buộc phải dừng lại vì mưa dội vào mái lá mục nát. Cất vội chén cơm, em Dương Thị Thùy Dương chạy ù đi kiếm cao su che cho chiếc xe đạp dựng giữa nhà - món quà quý giá mà trường tặng em để khuyến khích tinh thần vượt khó hiếu học. Mẹ rời đi từ ngày anh em Thùy Dương còn nhỏ, cha phiêu bạt mưu sinh, Thùy Dương và anh trai Dương Hoàng Lil đã gắn chặt cuộc đời mình vào chú Út. Nhớ ngày còn bé, anh Ơi từng nhận cõng các em lớp nhỏ hơn để có tiền đi học. Rồi khi không còn đóng được học phí, con đường đến trường của anh bị chắn ngang. Có lẽ nỗi khát khao con chữ mấy mươi năm bùng cháy càng mãnh liệt trong anh đã truyền sang mà Dương và Lil dù vất vả thiếu thốn vẫn liên tục là học sinh khá, giỏi nhiều năm liền. 

Anh Dương Văn Ơi ngồi xem cháu Thùy Dương học bài. Ảnh: T.H

Người cha “không” danh phận 
Năm học này, cô học trò nhỏ Thùy Dương bước vào lớp 10CA - lớp giỏi Toán của Trường THPT Trần Văn Bảy (huyện Phước Long). Còn Hoàng Lil cũng học lớp 11C3 chung trường. Năm học mới với nhiều nỗi lo trước mắt khiến anh Ơi nhiều đêm không ngủ. Mối bận tâm của người chú khuyết tật không chỉ là tiền học phí, quần áo mới, dụng cụ học tập cho cháu mà anh còn muốn gánh gồng nhiều hơn chút nữa, chia sớt cho Dương và Lil được những giờ học thêm hiếm hoi trong những năm đầu cấp nhiều bỡ ngỡ. 
Vượt qua cái rào cản của người khuyết tật nặng, anh Ơi được các giáo viên nhận xét là vị phụ huynh nhiệt tâm nhất. “Anh Dương Văn Ơi là một phụ - huynh - đặc - biệt. Cả bản thân và gia cảnh đều rất khó khăn nhưng chuyện học của 2 cháu luôn được anh đặt lên hàng đầu, nắng mưa chưa từng bỏ buổi họp phụ huynh nào. Đi không vững, vậy mà anh còn đến sớm hơn phụ huynh khác và là người thường xuyên thăm hỏi về chuyện học tập, rèn luyện của cháu mình nhất”, thầy Trần Quốc Cường, giáo viên chủ nhiệm cũ của Thùy Dương chia sẻ. 
Tâm tư ấy càng phơi bày qua cách anh Ơi nhớ rõ từng câu văn, điểm tổng kết các học kỳ hay trăn trở trước mỗi thay đổi tâm lý từ những buổi học của Dương và Lil. Nó không thể lột tả được bằng hai chữ quan tâm, mà hơn cả sự đồng hành, là tất cả yêu thương và kỳ vọng. 
Như thấu hiểu được nỗ lực từng ngày của chú Út, anh em Lil và Dương đều rất ngoan hiền, ham học và hiếu thảo. Khá ít nói nhưng có lần tình cảm này được bộc bạch trong bài văn thi học sinh giỏi của Thùy Dương: “Em không có hạnh phúc được cha mẹ đưa đón đến trường như bao bạn bè khác. Nắm tay, bước qua con đường trơn trượt vào lớp cùng em là người chú khuyết tật. Chú luôn dành cho chúng em những gì tốt nhất. Đối với mọi người, dù chú là người khuyết tật nhưng với em vòng tay che chở đó thật sự rất ấm áp, như tình cha mẹ…”. Ngoài giờ học, Thùy Dương vẫn thường phụ chú Út giăng lưới bắt cá hoặc nấu cơm. Em khẳng định: “Chúng em sẽ tiếp tục cố gắng học giỏi để không chỉ thực hiện mơ ước của bản thân mình, mà còn là món quà quý nhất cho chú Út!”
Cùng thực hiện hoài bão ấy với 2 cháu, dù đêm tối mưa gió anh Ơi vẫn đều đặn lặn lội đến trụ sở ấp, học lóm cách sử dụng máy vi tính để đọc báo, tìm kiếm các thông tin về khuyến học - khuyến tài, những mong tìm nguồn hỗ trợ giúp các cháu bước xa hơn trên đường chinh phục tri thức. Dù câu xưng hô “Chú Út - con” đã đủ ngọt ngào, nhưng trong cái vuốt đầu nhẹ nhàng và ánh mắt yêu thương mà anh Ơi dành cho 2 đứa trẻ, tôi thấy anh còn giống như người cha dành hết mọi yêu thương cho những đứa con ruột thịt của mình. “Tôi thà nhịn đói chứ không bao giờ để tụi nhỏ phải nghỉ học”, câu nói thốt ra từ tim gan người đàn ông chưa từng biết đến hạnh phúc làm cha, cao vời khác nào tình phụ tử!
Tôi thấu hiểu và cũng trăn trở nỗi mong ước cháy bỏng của anh. Khi Dương và Lil luôn nuôi ước mơ cùng những trái tim nhiệt huyết, thật tội biết bao nếu ước mơ ấy phải tan vỡ chỉ bởi vì hoàn cảnh quá túng quẫn của gia đình. Nếu được, tôi sẽ tặng anh một phép màu cho trái tim không tật nguyền ấy được mãi soi lối giúp 2 đứa trẻ bước xa hơn trên con đường học vấn, để một ngày không xa chúng sẽ chạm đến ước mơ của mình.
Thanh Hải 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.