Phóng sự - Ký sự

Trạm y tế… liên tỉnh

Thứ Sáu, 24/02/2017 | 16:19

Trạm y tế xã thường mỗi ngày chỉ khám, điều trị trên dưới 100 bệnh nhân, còn ở phường thì con số này ít hơn nữa. Có gì là bà con lên thẳng cơ sở y tế tuyến huyện, tỉnh, chỉ có những lúc nhức đầu, sổ mũi, hay tiêm chủng mới ghé trạm y tế xã, phường, thị trấn. Ấy vậy mà Trạm Y tế xã Hưng Thành (huyện Vĩnh Lợi) có hôm tiếp nhận đến hơn 300 bệnh nhân của địa phương và các xã của tỉnh Sóc Trăng lân cận.

Tôi nhiều lần đi ngang Trạm Y tế Hưng Thành, thấy có vẻ bề ngoài cũng chẳng khác các cơ sở y tế các xã khác là mấy. Bảng tên trạm đã phai nhạt nước sơn, 2 - 3 tấm pa-nô tuyên truyền về giữ gìn sức khỏe, cổ động tiêm chủng và hướng dẫn về bảo hiểm y tế cũng không khá hơn, có cái còn nằm vẹo một bên. Song, khi nhìn vào bên trong trạm, khoảng sân rộng có đặt hàng chục chiếc ghế đá đã không còn chỗ trống, nhiều người phải đứng chờ tới lượt. Trên hành lang, có kê một chiếc bàn giống như bàn học trò là chỗ làm việc của 3 sinh viên ngành Y đang thực tập. Họ chủ yếu ghi thông tin và đo huyết áp của bệnh nhân.

Bác sĩ Lê Văn Mực, Trạm Y tế xã Hưng Thành thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: N.Q

Trong số bệnh nhân tới đây, có nhiều người ở xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi) và các xã thuộc tỉnh Sóc Trăng, như: Lai Hòa, Hòa Tú 1, Hòa Tú 2 (TX. Vĩnh Châu), Gia Hòa 1, Gia Hòa 2, Bình Hòa, Hiệp Hòa (huyện Mỹ Xuyên). Đây là những địa phương giáp ranh hoặc lân cận với xã Hưng Thành. Lần theo địa chỉ của bệnh nhân Võ Hồng Nga (ấp Thạnh Hòa, xã Gia Hòa 2) tôi đến gặp dì Ba - theo cách cán bộ Trạm Y tế xã Hưng Thành gọi bệnh nhân này. 
Đi qua cầu sắt Gia Hội - nối Bạc Liêu và Sóc Trăng, chừng 10 phút chạy xe là đến nhà dì Ba. Căn nhà nằm khuất sau một cái quán mà cô cất cho con làm chỗ mua bán, nhưng nay đã ngưng hoạt động, con cái cũng không ở chung nữa. Đã ở tuổi 71, nhiều căn bệnh làm dì Ba không dám ngủ ở nhà một mình. Tầm 5 giờ chiều, cơm nước xong, dì Ba lại xách giỏ quần áo sang nhà hàng xóm ngủ nhờ, trời sáng thì về. Cầm sổ khám bệnh bảo hiểm y tế của Trạm Y tế xã Hưng Thành cấp, dì Ba kể một loạt bệnh của mình, nào là loãng xương, gai cột sống, thần kinh tọa, gan nhiễm mỡ, đau bao tử… Bệnh gai cột sống khiến dì Ba giờ phải đi khum lưng, có lần nó làm dì đau giật bắn cả người. 
Dì Ba kể gốc gác dì ở Bạc Liêu, theo chồng về Gia Hòa 2 ở chừng 20 năm. Chồng đã mất, con cái ở xa, nên mỗi lần đi khám bệnh đều nhờ xe ôm chở. Khoảng cách từ nhà dì đến Trạm Y tế xã Gia Hòa 2 và Trạm Y tế xã Hưng Thành tương đương nhau, đều có đường nhựa, nên tôi thắc mắc vì sao dì không chọn khám, điều trị bệnh tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Dì thiệt tình kể: “Trạm Y tế Gia Hòa 2 không có thuốc trị bệnh tiểu đường, họ cho thuốc dinh dưỡng về uống, nên đâu có hết bệnh”. “Cán bộ y tế Hưng Thành nhiệt tình lắm, y sĩ Huy còn chỉ dì lấy trái nhàu non xắt mỏng, phơi khô, đổ 3 chén nước dừa, nấu lại còn nửa chén, uống trị đau nhức”, dì Ba nói thêm.
Cách nhà dì Ba mấy công đất cũng có một gia đình đi khám bệnh ở Trạm Y tế xã Hưng Thành hơn chục năm nay. Đó là vợ chồng bác Huỳnh Văn Bồ và Lê Thị Phụng, đều đã ngoài 70 tuổi. Đi cùng tuổi già là một loạt căn bệnh, nên tuần nào vợ chồng bác Bồ cũng chở nhau bằng chiếc Max của hãng Kawasaki sang xã Hưng Thành. Bác Phụng cho biết, đi chiếc xe thấp thấp vậy bác mới để chân qua được. Tay nghề của đội ngũ y tế xã Hưng Thành được vợ chồng bác tín nhiệm: “Vô bác sĩ Hữu (TP. Bạc Liêu - PV) siêu âm, về đây siêu âm, kết quả y chang vậy à!”. Chiếc máy siêu âm mà Trạm Y tế xã Hưng Thành đang khai thác là quà tặng của Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến vào năm 2013 khi vị chính khách này về thăm trạm.
Để tạo điều kiện cho người dân Sóc Trăng được khám bảo hiểm y tế tại Trạm Y tế xã Hưng Thành, chính quyền xã đã cho họ làm thủ tục tạm trú để được mua bảo hiểm y tế. Trước kia, trong 2 năm (2013 - 2014), Sở Y tế Bạc Liêu đã cho trạm khám bảo hiểm y tế cho người dân tỉnh Sóc Trăng, và bệnh nhân phải đóng 30%, tổng số có hơn 2.000 lượt người được hưởng lợi từ chính sách này. Bác sĩ chuyên khoa I Lưu Bích Hằng, Trưởng Trạm y tế xã Hưng Thành, chia sẻ: “Từ năm 2015, chính sách này không còn nữa, nên người dân ở tỉnh láng giềng phải đăng ký tạm trú ở xã”.
Mạnh Quân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.