Phóng sự - Ký sự

Về đâu những mảnh đời “mồ côi”

Thứ Sáu, 19/08/2016 | 16:52

“Con muốn cha mẹ về ở với con. Con nhớ cha mẹ lắm!”, giọng nói nghẹn ngào cùng hình ảnh gầy gò của đứa bé đang trong tuổi ăn, tuổi lớn chưa bao giờ hết ám ảnh trong tôi. Thiếu tình thương cha mẹ, nhiều đứa trẻ phải chịu cảnh “mồ côi” ngay chính trong ngôi nhà của mình. 
Hôn nhân tan vỡ, không ít bậc làm cha mẹ đã vội tách lối tìm hạnh phúc mới, để lại sau lưng là những đứa trẻ không tương lai! 

“… như đờn đứt dây”
Tôi gọi những đứa trẻ sống trong gia đình có hôn nhân cha mẹ tan vỡ là trẻ “mồ côi”. Không đủ đầy tình thương yêu, không vòng tay che chở, dạy bảo sớm hôm, những đứa trẻ này khác nào đã mồ côi. Ông bà nội, ngoại giờ đây trở thành “chiếc phao” cho chúng. Mà dẫu có không muốn cưu mang cũng không được, bởi lẽ chúng còn biết bấu víu vào đâu…!
Hôm tôi đến, em Huỳnh Thị Như Huỳnh (ấp Ninh Thạnh I, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân) đang lui cui trong bếp nấu bữa ăn cho ngoại. Dáng vẻ còm nhom, đen đúa của em như nói hộ cho hoàn cảnh sống của 3 bà cháu. Bà Quách Thị Khỏe (bà ngoại của Huỳnh) phải gọi vài lần em mới chịu rời vách cửa để ra trò chuyện cùng tôi. Huỳnh sợ người lạ. Cái nhút nhát, tủi thân cho cuộc đời mình đã ám ảnh lên chuỗi ngày từ khi cha mẹ em bỏ nhau. Và thật ra, tôi cũng không nói gì được nhiều với em, chỉ mãi nghe tiếng nấc, những giọt nước mắt tủi phận thi nhau rớt trên khuôn mặt non nớt. “Con giận cả cha lẫn mẹ, nhưng trong thâm tâm luôn muốn hai người về lại với nhau. Con nhớ cha mẹ lắm!”, em nghẹn ngào nói với tôi. Tôi tự hỏi, nỗi tủi phận ấy sẽ đeo bám riết lấy em cho đến bao giờ?
Bà Khỏe kể: “Mẹ con Huỳnh bỏ 2 chị em nó khi con Huỳnh mới được 5 tuổi, em nó mới 3 tuổi. Mẹ nó bỏ đi trước, để tụi nó lại cho cha nó, khoảng tháng sau thì cha nó chở 2 chị em nó ra gửi cho tôi nuôi. Rồi vợ chồng tụi nó bỏ đi mất tăm tới giờ chưa thấy mặt”. Giọng bà như giận dỗi: “Cũng cái tật nhậu vô là đánh vợ mà vợ nó không ở được. Chỉ đợi đến giọt nước tràn ly là nó khăn gói bỏ nhà đi, để hai đứa nhỏ lại cho tôi tới giờ”. Giờ tan học không ai đưa đón, những ngày lễ tết chỉ biết thui thủi ở nhà với ngoại. Nỗi mặc cảm của chị em Huỳnh ngày một hằn sâu trên đôi mắt, cứ thế lớn dần theo năm tháng. Bức tranh với gam màu buồn phủ trùm lên cuộc đời của những đứa trẻ như chị em Huỳnh. Mới ít tuổi đầu mà những đứa trẻ “mồ côi” như em phải tự lập tất cả. Ông bà nội, ngoại thì hầu hết đã ngoài 70 tuổi, còn bao nhiêu sức lao động để có thể cưu mang chúng qua cơn bão cuộc đời. Trong những căn nhà này, ở những gia đình hôn nhân không trọn vẹn, cơn bão lòng âm ỉ còn đau đớn hơn nhiều cuộc sống chật vật từng ngày trước mắt.

Cha mẹ ly hôn, em Huỳnh Thị Như Huỳnh phải tự lập từ khi còn rất nhỏ. 
Ảnh: N.V

Về đâu những phận đời…
Không cùng tiếng nói, không còn cảm xúc yêu đương, nhiều cặp vợ chồng quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Vậy là những đứa con chung đó vốn dĩ được “kết tinh” từ tình yêu, nay phải chịu “mồ côi” hoặc cảnh “con anh, con em” trong gia đình mới.
Ông Châu Văn Mỹ, Chánh án Tòa án TP. Bạc Liêu, cho tôi biết: “Số vụ ly hôn năm nào cũng tăng. Đây là tình hình chung của các địa phương trong tỉnh. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Tòa án TP. Bạc Liêu, từ tháng 5/2015 - 5/2016 đã có khoảng 400 vụ ly hôn được giải quyết. Chúng tôi sẽ căn cứ vào điều kiện của các bên để xử bên nào được nhận nuôi con”. 400 vụ ly hôn sẽ cho ra bao nhiêu đứa trẻ “mồ côi” đây?
Tôi cảm nghĩ, những phận đời “mồ côi” ấy giống như ngồi trên chiếc thuyền nan không người lái, chòng chành giữa biển đời chưa biết lúc nào bị nhấn chìm. Đã có không ít đứa trẻ không chịu được “sóng gió cuộc đời”, nên việc nghỉ học giữa chừng, bị sang chấn tâm lý, vướng vào tệ nạn xã hội, bị quấy rối, lạm dụng tình dục… đã trở thành phổ biến. Vợ chồng anh Lương Phi Hải và chị Sơn Thị Lan (khóm 1, phường Láng Tròn, TX. Giá Rai) có với nhau 2 đứa con. Nhưng chữ “hạnh phúc” không phải ai muốn cũng được, chấm dứt cuộc sống hôn nhân, chị Lan đi bước nữa, để bé Lương Văn Lộc mới lớp 4 đã phải dừng con đường học vấn. Đứa em của Lộc thì gửi về ngoại vì ông bà nội khánh kiệt, không thể cưu mang. “Con nhớ em lắm nhưng bà nội bệnh, không có tiền đi thăm em con. Hồi sáng có người mới cho được 15kg gạo, chắc cũng ăn tạm được ít bữa” - những lời chia sẻ vô tư của đứa trẻ chưa tròn 10 tuổi đã phải “già trước tuổi” trong nhận thức của mình, khiến tôi không khỏi xót xa. 
Bộ đồ lành lặn Lộc đang mặc để tiếp chuyện với tôi là bộ đồ “vía” hiếm hoi mà em có được. Ông nội thì không nghề nghiệp ổn định. Bà nội thì già yếu, bệnh tật. Cái ăn hàng ngày đã trở thành gánh nặng thì nghĩ chi đến chuyện lấy tiền đâu cho Lộc tiếp tục học hành. Vậy mà “con muốn sau này kiếm thật nhiều tiền để trị bệnh cho nội” - ước mơ nhỏ nhoi của Lộc bật ra với giọng nói nghèn nghẹn, đôi mắt ráo hoảnh. 
Có rất nhiều đứa trẻ “mồ côi” như thế đã trở nên sống bất cần, vì nghĩ rằng “đời mình không còn gì để mất”. Ông bà xưa có câu: “Mồ côi cha ăn cơm với cá/ Mồ côi mẹ lót lá mà nằm”, nhưng bây giờ những đứa trẻ ấy không có tình thương yêu của cha lẫn mẹ, thì biết nương nhờ vào đâu!? 
Ngọc Trân 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.