Phóng sự - Ký sự
Viếng mộ anh hùng Võ Thị Sáu
Ngày 23/1 này là đúng 67 năm ngày hy sinh của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu. Dịp này, tôi đã theo đoàn công tác đến viếng mộ phần của chị tại Nghĩa trang Hàng Dương (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Chúng tôi đến Nghĩa trang Hàng Dương viếng hương linh các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ nơi đây, trong đó có mộ phần người con gái Đất Đỏ. Trong lúc chuyện trò, tôi và anh Lê Tuấn Anh (Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh) ngẫu nhiên ôn lại bài thơ từ thời học tiểu học ngày ấy, chúng tôi thay phiên nhau đọc lần lượt từng câu: “Người con gái trẻ măng/ Giặc đem ra bãi bắn/ Đi giữa hai hàng lính/ Vẫn ung dung mỉm cười…”. Cũng trong đêm đó, nhiều anh chị trong đoàn công tác đã gọi taxi đi riêng, dâng phẩm vật phụng cúng liệt nữ.
Thời cấp II, học ở ngôi trường mang tên chị Sáu, tôi đã được dạy nhiều về tiểu sử của chị và học thuộc ca khúc “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn. Thế nhưng, sau khi thắp nhang, nghe thuyết minh viên nói về thân thế, sự nghiệp của chị, tôi vẫn "sởn da gà", lòng vô cùng cảm phục người thiếu nữ gan dạ, kiên trung. Gió núi, gió biển buổi sáng mùa xuân se se lạnh khiến khói hương như quyện lấy mộ phần, sưởi ấm hương linh những người đã ngã xuống để cả dân tộc “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. “Chị mất khi độ tuổi vẫn chưa đến đôi mươi nên hồn chị thiêng khiến biển núi cũng phải khóc thầm”.
Dâng hương trước mộ phần Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu tại Nghĩa trang Hàng Dương (huyện Côn Đảo). Ảnh: N.Q
Chị Võ Thị Sáu tên thật là Nguyễn Thị Sáu, quê huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Mới 14 tuổi, chị đã theo anh trai tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1950, tại trận chiến Đất Đỏ, chị bị chính quyền Pháp bắt sau khi ném lựu đạn giết chết cai tổng Tòng. Tại phiên tòa đại hình, tuy mới 16 tuổi, nhưng chị đã hiên ngang khẳng định: “Yêu nước, chống bọn thực dân xâm lược không phải là tội!”.
Trước khi bị hành hình, chị Sáu bị đày qua các nhà tù Chí Hòa, Bà Rịa và Côn Đảo. Xà lim Sở Cò (Sở Cảnh sát Tư pháp) là nơi giam cầm chị Sáu tại Côn Đảo sau khi chiếc Hải Vân hạm chở chị ra đây vào ngày 22/1/1952, biến chị trở thành người nữ tử tù chính trị đầu tiên và duy nhất thời thực dân Pháp cai trị, bị tống vào các khám giam ở nơi “địa ngục trần gian” này. Đứng trước xà lim Sở Cò, tôi vẫn như nghe thấy tiếng chị hát suốt đêm năm nào những bài hát hào hùng của cuộc kháng chiến: “Tiến quân ca”, “Lên đàng”, “Cùng nhau đi hùng binh”… trước ngày bị áp giải ra pháp trường hành quyết (ngày 23/1/1952).
Hàng năm, huyện Côn Đảo đều tổ chức lễ giỗ nữ anh hùng Võ Thị Sáu, diễn ra trong 2 ngày (22 và 23/1). Huyện tổ chức hội thi các trò chơi dân gian tại sân hành lễ đền thờ Côn Đảo, viếng mộ phần của chị. Đồng chí Nguyễn Anh Nhựt, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, Trưởng ban tổ chức lễ giỗ chị Sáu năm 2019 chia sẻ, đây là dịp để cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong huyện tỏ lòng tôn kính người nữ anh hùng, tỏ lòng tri ân của thế hệ đi sau đối với người đi trước.
Ở Côn Đảo, có 2 phụ nữ được người dân thờ cúng, đó là bà Phi Yến - thứ phi của chúa Nguyễn Phúc Ánh (Nguyễn Ánh) và nữ anh hùng Võ Thị Sáu. Vong linh chị Sáu linh thiêng, theo truyền thuyết đã bắt nhiều kẻ phá mộ phần, bia chí của chị phải đền mạng. Không những vậy, nơi suối vàng, chị còn phù hộ cho những tấm lòng thành kính, bởi trước khi ngã xuống, chị đã nói rằng: “Hãy để cho đôi mắt tôi được nhìn đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng”. Nhiều gia đình ở quần đảo Côn Sơn, bao gồm Côn Đảo đã lập bàn thờ chị Sáu như thờ phượng một người thân. Còn ở lưng chừng núi Một, cách trung tâm thị trấn Côn Sơn khoảng 1,6km hướng về cảng Bến Đầm, chùa Vân Sơn lập riêng một gian thờ “Bốn ân đền đáp” chăm lo hương khói cho nữ liệt sĩ Võ Thị Sáu. Bàn thờ quay về hướng Bắc - nơi có Nghĩa trang Hàng Dương, với đôi liễn sơn son thếp vàng: “Từ bi địa tạng đại sư cứu vớt chúng sinh qua bể khổ/ Bốn ân nghĩa nặng tình sâu thắp nén tâm hương xin báo đáp”.
Thăm viếng mộ chị Sáu, chúng tôi không dừng quá lâu, cũng không rời chân quá vội. Mỗi người trong đoàn viếng, không ai bảo ai, đều quét dọn xung quanh mộ phần dù mọi thứ vẫn sạch và thắp một nén hương lòng, dâng dĩa trái cây, bó hoa để nơi chị nằm mãi mãi đẹp tươi.
Nguyễn Quốc