Phóng sự - Ký sự

Xuân về trên những làng nghề

Thứ Bảy, 31/12/2016 | 11:38

Khi những tia nắng ấm áp đầu xuân đang dần xua tan cái lạnh lẽo của mùa đông cũng là lúc các làng nghề truyền thống ở huyện Hồng Dân nhộn nhịp hơn bao giờ hết, bởi đây là thời điểm mua sắm hàng hóa của người dân tăng cao. Mọi người đang tất bật chung tay để tạo ra những sản phẩm chất lượng để kịp cung ứng cho những chuyến hàng cuối năm, phục vụ tiêu dùng của nhân dân dịp xuân về.

Nghề làm bánh tráng ở thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân). Ảnh: H.T

Bánh tráng vào vụ

Trở lại ấp Thống Nhất (thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân) vào những ngày giáp tết, chúng tôi cảm nhận mùa xuân đang đến thật gần. Nhà nhà ở đây đều tập trung làm bánh, những tiếng nói cười rộn rã dường như xua tan đi cái mệt mỏi của nhiều đêm thức khuya dậy sớm. Với họ, tuy vất vả mà vui, vì sản phẩm bán chạy, mọi người có “đồng ra đồng vô” để trang bị một cái tết đủ đầy. Nghề làm bánh tráng ở đây được truyền qua nhiều thế hệ, đến nay nhiều hộ gia đình vẫn theo đuổi và sống bằng nghề, tuy nhiên thực tế không còn nhiều như trước nữa vì người cho rằng nghề này rất cực, nhiều công đoạn, phải chuẩn bị nguyên liệu từ hôm trước, hôm sau lại phải thức sớm nhóm bếp cho đủ nóng để bắt đầu tráng bánh. Vì thế mà để làm ra những chiếc bánh đậm đà hương vị quê hương, thoạt nhìn rất đơn giản, song thật sự đòi hỏi khá nhiều công đoạn phức tạp. Tuy nhiên, chính bàn tay khéo léo của các mẹ, các chị trong khâu tráng bánh cộng với bí quyết pha bột đã làm nên những chiếc bánh tròn trĩnh, mềm dẻo, thơm ngon nên khách hàng rất ưa chuộng.

Mới 4 giờ sáng, những lò làm bánh của các hộ gia đình đã sáng trưng ánh điện để bắt đầu cho một ngày làm việc mới. Trò chuyện với chúng tôi bên lò bánh nghi ngút khói, chị Trần Ngọc Du (một hộ làm bánh tráng ở ấp Thống Nhất) cho biết: “Gần 2 tháng nay lò hoạt động liên tục để kịp tiến độ. Tôi phải dậy thật sớm để tráng được nhiều bánh kịp giao cho khách. Ngày thường tôi chỉ tráng đến 2 giờ chiều là xuống lò, nhưng giáp tết thì làm không ngơi tay. Một năm bán nhiều nhất vào mùa tết, dù có vất vả nhưng ai cũng hớn hở”.

Còn chị Nguyễn Thị Tư (một trong những gia đình có hơn 20 năm theo nghề làm bánh tráng) chia sẻ: “Tôi không nhớ chính xác làng nghề này có từ bao giờ, nhưng hồi nhỏ đã nhìn thấy ông bà, cha mẹ mình làm nghề này. Lớn lên một chút thì đã biết phụ phơi bánh, cũng từ đó mà tôi tập tành tráng bánh tới tận bây giờ. Tuy vất vả nhưng cảm thấy vui, vì kinh tế gia đình ổn định và càng yêu thích công việc này hơn. Nghề này phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nếu thời tiết thuận lợi bỏ công làm lời cũng đủ sống. Tuy nhiên, vì cực nhọc nên bọn trẻ bây giờ ít ai chịu theo nghề”. Mời chúng tôi những chiếc bánh thơm mềm, gia đình chị cho biết thêm, để bánh ngon, quan trọng nhất vẫn là khâu chọn gạo rồi đến phần nêm, khuấy bột để tạo nên hương vị. Ngoài ra cũng nên kết hợp tốt với các khâu còn lại như: tráng bánh sao cho đẹp, phơi bánh đủ độ nắng để cho ra chiếc bánh hoàn hảo nhất. Nếu làm qua loa thì bánh sẽ sậm màu, nhanh hỏng. Trung bình mỗi ngày gia đình chị sản xuất 500 - 700 chiếc với mức thu nhập 2 triệu/tháng. Riêng vào những tháng cuối năm, thu nhập có thể tăng gấp đôi.

Sôi động làng nghề dệt chiếu

Khi nói về miền Tây sông nước, nhắc đến nghề dệt chiếu, người ta nhớ đến Cà Mau nhiều hơn với câu hát nổi tiếng “Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy...”. Thế nhưng, từ lâu chiếu Bạc Liêu cũng đã tạo được thương hiệu cho mình bởi những người dân chất phác, gắn bó với nghề. Nhớ xưa kia, do nằm trong địa phận thuộc dòng chảy của sông Hậu, thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân) lại là vùng trũng bị nhiễm phèn nên đây là điều kiện thuận lợi cho cây lác phát triển, nguồn lác có sẵn đã giúp người dân làm chiếu chủ động hơn khi tìm nguyên liệu và tiết kiệm được chi phí. Chính vì đặc điểm tự nhiên được thiên nhiên ban tặng đã hình thành làng nghề lúc nào không hay. Chiếu làm ra được các thương lái đến tận nơi thu mua và đưa đi tiêu thụ khắp các tỉnh, thành.

Đến với nơi này, chúng tôi mới biết nghề dệt chiếu không chỉ là kế sinh nhai, mà còn là truyền thống đang được người dân ở đây bảo tồn, phát huy. Nghề dệt chiếu không quá khó, nhưng lại khá vất vả vì phải trải qua nhiều công đoạn như cắt, phơi, nhuộm và dệt. Để có một chiếc chiếu đẹp và bền thì trước tiên phải chọn nguyên liệu là cây lác thật già, sau đó chọn lựa chiều dài của lác phù hợp với khổ chiếu cần dệt. Khi dệt chiếu cần 2 người cùng làm, thông thường khi căng đai xong thì người thợ chính sẽ ngồi lên khung, người thứ hai luồn từng sợi lác vào khuôn và người thợ chính sẽ dùng sức lực dập mạnh vào lác để kết chặt lác vào nhau. Động tác dập phải dứt khoát, đủ độ mạnh để lác thẳng hàng, không xếp chồng lên nhau dẫn đến gãy lọn. Có tận mắt chứng kiến quy trình mới thấy tay nghề của người thợ rất quan trọng, phải đan thế nào để chiếu vừa khít, đều và có độ bền.

Chị Lê Thị Huệ (ấp Thống Nhất) chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã học nghề dệt chiếu từ mẹ. Nghề này cực nhất là lúc đi cắt lác, chẻ lác, phơi khô. Để dệt ra một chiếc chiếu thường mất khoảng vài tiếng đồng hồ, đòi hỏi người dệt phải cẩn thận, tỉ mỉ trong từng công đoạn. Vì nghề này cần 2 người cùng làm, nên các gia đình thường đổi công cho nhau. Nếu hôm nay dệt chiếu cho gia đình này, thì ngày mai dệt chiếu lại cho nhà khác. Do tết sắp đến gần, nhu cầu thị trường tăng cao, nên những ngày này chúng tôi phải làm liên tục”.

Mùa xuân mới đang về, bằng sức sống và nội lực từ chính đôi bàn tay tài hoa khéo léo của mình, người Hồng Dân hôm nay đang chung tay, góp sức đưa làng nghề truyền thống sang trang mới và trở thành địa chỉ của những sản phẩm độc đáo.

Thảo Nguyên

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.