Quốc phòng - An ninh
Đường Hồ Chí Minh trên biển: Nét sáng tạo, độc đáo của chiến tranh nhân dân
Đường Hồ Chí Minh trên biển là kỳ tích có một không hai trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, nó thể hiện nghệ thuật quân sự tài tình, sự độc đáo và sáng tạo của chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Đội tiếp nhận hàng đón đồng chí Hồ Đức Thắng - Chính trị viên tàu gỗ Phương Đông 3 tại bến Cà Mau, tháng 11/1963.
HUYỀN THOẠI “TÀU KHÔNG SỐ”
Vận chuyển vũ khí vào chiến trường bằng đường biển đến những nơi mà vận chuyển đường bộ khó lòng vươn tới trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt là công việc hết sức gian truân và nhiều hy sinh. Thiên nhiên khắc nghiệt, biển cả mênh mông, sóng to gió lớn, thêm vào đó là kẻ thù nham hiểm, trang bị hiện đại, phong tỏa nhiều thủ đoạn… Song, với tinh thần quả cảm, táo bạo, mưu trí và sáng tạo, cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” (của Đoàn vận tải 759, tức là Đoàn 125 sau này) đã lập nên những chiến công đặc biệt xuất sắc.
Thắng lợi của phong trào “Đồng khởi” đầu năm 1960 mở ra bước ngoặt mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng chuyển sang thế tiến công, nhu cầu vũ khí, trang thiết bị quân sự là vấn đề hết sức cấp bách. Để đáp ứng nguyện vọng cháy bỏng của quân và dân Nam Bộ, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định tiếp tục mở tuyến vận tải chiến lược đường biển, miền Bắc chi viện cho cách mạng miền Nam đánh Mỹ. Ngày 23/10/1961, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định thành lập Đoàn vận tải biển 759 với mật danh “Đoàn tàu không số”. Ngày mới thành lập, hầu hết cán bộ, chiến sĩ Đoàn 759 là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc và cán bộ ưu tú thuộc các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh, Bà Rịa vượt biển bằng tàu cá ra miền Bắc nhận vũ khí.
Đêm 10/4/1962, xong công tác chuẩn bị, Đoàn 759 tổ chức “thuyền Bạc Liêu” gồm 6 thủy thủ, tiến hành chuyến đi trinh sát mở đường từ bến Nhật Lệ (Quảng Bình) vào miền Nam. Với bản lĩnh, kinh nghiệm và tài trí thông minh của những “dân chài” Nam Bộ, “thuyền Bạc Liêu” đã vượt qua sự kiểm soát gắt gao của địch, ngày 18/4, thuyền cập bến Bồ Đề rồi vào bến Vàm Lũng (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), sau đó quay trở lại miền Bắc an toàn. Thành công của chuyến đi trinh sát mở đường này là cơ sở rất quan trọng để đêm 11/10, Đoàn 759 tiếp tục tổ chức tàu gỗ gắn máy, hoán cải thành tàu cá không mang số hiệu, chở 30 tấn vũ khí từ Hải Phòng vượt biển vào Nam và cập bến Vàm Lũng an toàn - chứng minh tính hiệu quả và khẳng định sự hình thành tuyến Đường Hồ Chí Minh trên biển của quân và dân ta.
Tàu không số vận chuyển hàng hóa, vũ khí trên biển. Ảnh: T.L
CHUYẾN CẬP BẾN CÓ MỘT KHÔNG HAI
Đầu tháng 9/1970, Tàu 154 thực hiện một chuyến cập bến đầy táo bạo và bất ngờ vào cửa ngõ đồn Gành Hào (Bạc Liêu) giữa ban ngày. Trường hợp này đối với Đoàn tàu không số là có một không hai.
Tháng 8/1970, Tàu 154 nhận nhiệm vụ đặc biệt: chở 58 tấn vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam; chở đồng chí Lê Quốc Thân - Tiểu đoàn trưởng (Đoàn 125) vào tăng cường ở Cà Mau; chở 5 cán bộ đặc công nước vào tăng cường cho chiến trường miền Nam; khi giao hàng xong quay ra Bắc nếu thuận lợi thì đưa cán bộ, chiến sĩ của 3 Tàu 187, 69, 100 đang bị kẹt ở Cà Mau về. Chuyến đi này, cấp ủy tàu có 3 đồng chí: Chính trị viên Phạm Văn Bát, Thuyền trưởng La Minh Tốt và Thuyền phó hàng hải Vũ Trung Tính.
Từ hải phận Malaysia, Tàu 154 chuyển hướng vào Nam, bắt đèn hải đăng Hòn Khoai (Cà Mau). Từ đèn Hòn Khoai chuyển hướng vào bến Vàm Hố để giao hàng theo hoạch định. Khi vào gần Vàm Hố thì phát hiện tàu chiến của Hải quân Sài Gòn hoạt động ráo riết, nên phải chuyển hướng đi về Bạc Liêu. 3 giờ sáng, tàu chưa thể xác định được vị trí vào. Lúc này, các đồng chí cấp ủy bàn bạc nhất quyết cho tàu vào bờ, nếu xảy ra chiến đấu thì hy sinh hủy tàu.
Tàu 154 tiến sát vào đất liền, bên phải có một con sông lớn. Đoán chắc đây là sông Gành Hào, tàu tiến thẳng vào. Lúc này thủy triều xuống mạnh, trời có sương mù, tàu nặng nên đi rất chậm. Vượt qua 3 hàng đáy của dân, phát hiện bên mạn trái có con rạch, hai bên cây cối um tùm, tàu rẽ và đi sâu vào con rạch. Đến 7 giờ, tàu vừa ngụy trang xong thì một máy bay trinh sát bay lượn quanh, không phát hiện được gì bèn bay đi. Các đồng chí ở Gành Hào xin 10 tấn vũ khí nhưng nếu bốc hàng giữa ban ngày mà tàu chỉ cách đồn địch gần 1km rất dễ bị lộ nên chỉ huy tàu thống nhất di chuyển về bến Vàm Hố để bàn giao.
Hơn 1 giờ sau, Tàu 154 tới bến Vàm Hố. Anh em trên bến vui mừng khôn xiết. Tất cả chung tay vừa ngụy trang vừa bốc hàng. Trong 1 ngày, toàn bộ 58 tấn vũ khí được đưa lên bờ. Đồng chí Lê Quốc Thân và 5 đặc công nước tới đơn vị mới nhận nhiệm vụ an toàn.
Với nhiệm vụ vận tải hàng quân sự, đã có hàng trăm “tàu không số” vượt biển, đưa hàng chục ngàn tấn vũ khí cung cấp kịp thời cho quân dân ở Nam Bộ, khu 6, khu 5 và nhiều địa phương khác. Đường Hồ Chí Minh trên biển giai đoạn 1961 - 1975 còn đảm đương một sứ mệnh cực kỳ quan trọng - đó là đưa đón hơn 80.000 cán bộ của Đảng, của quân đội, chuyên gia quân sự vào miền Nam, từ miền Nam ra miền Bắc. Đây là con đường thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng, lòng dũng cảm và khí phách một dân tộc anh hùng; một “huyền thoại có thật”.
THANH HẢI (tổng hợp)