Quốc phòng - An ninh
Cảm hóa bằng mọi biện pháp các đối tượng có biểu hiện phạm tội
TP. Bạc Liêu và TX. Giá Rai là hai địa bàn có các đối tượng có tiền án, tiền sự, đặc xá, tha tù và từ các cơ sở giáo dục, cai nghiện trở về địa phương nhiều nhất. Những người này luôn có biểu hiện phạm tội, chưa có công ăn việc làm ổn định. Chính vì vậy, công tác phối hợp quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ các đối tượng này luôn là trách nhiệm của các ngành và chính quyền địa phương.
Ban chỉ đạo 138 Phường 3 (TP. Bạc Liêu) tặng giấy khen cho các ngành, đoàn thể có công giúp đỡ giáo dục cá nhân, hộ gia đình tại cộng đồng dân cư.
ĐA DẠNG THÀNH PHẦN
Công an TP. Bạc Liêu cho biết, đơn vị hiện đang quản lý, giáo dục, giúp đỡ 67 đối tượng; cảm hóa tập trung 52 đối tượng. Đặc biệt, thành phố đang có tới 360 đối tượng hình sự, kinh tế, từng thực hiện các hành vi như: trộm cắp, cướp giật; tàng trữ, sử dụng trái phép ma túy; gây rối trật tự công cộng; cố ý gây thương tích; hủy hoại tài sản; ghi số đề; đánh bạc; đá gà; mại dâm, mua bán đồ gian; đua xe trái phép, cá độ bóng đá… Trong đó có 231 người chấp hành xong án phạt tù.
Những người trở về địa phương đều được tiếp nhận, đưa vào quản lý, cảm hóa, giáo dục, tạo mọi điều kiện cả về vật chất lẫn tinh thần giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Qua công tác gặp gỡ, tiếp xúc, công an và các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương đã nắm được từng hoàn cảnh gia đình và nguyện vọng của các đối tượng. Trong đó, phần đông là cần hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm, giúp đỡ học nghề, giới thiệu việc làm, mua sắm phương tiện sản xuất - kinh doanh; xây cất nhà ở, giúp đỡ thoát nghèo…
Riêng ở địa bàn TX. Giá Rai, Công an thị xã đang răn đe, cảm hóa, giáo dục 193 đối tượng hình sự, kinh tế, ma túy; vận động cá biệt và buộc cam kết 9 đối tượng; buộc 15 trường hợp cam kết không tiếp tục vi phạm trật tự an toàn giao thông; đưa ra kiểm điểm trước dân 45 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật.
CÁC NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG CÙNG VÀO CUỘC
Trung tá Phan Thành Được - Phó trưởng Công an TP. Bạc Liêu, cho biết công tác giúp đỡ các đối tượng nêu trên được thành phố thực hiện bài bản, nghiêm túc. Về phương pháp, các ngành, địa phương tổ chức họp dân tại khu dân cư để xin ý kiến của Nhân dân tham gia đóng góp đối với từng hành vi của cá nhân, hộ gia đình. Sau đó, các đơn vị phối hợp với Ban chỉ đạo 138 phường, xã, tiến hành khảo sát, thống kê, lập danh sách các điểm, tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội; các cá nhân, hộ gia đình có biểu hiện vi phạm pháp luật. Căn cứ vào từng hành vi vi phạm của các cá nhân, hộ gia đình để phân tích, đánh giá, chọn lọc, phân loại và dự kiến bàn giao phù hợp với từng cán bộ, đảng viên, ban ngành nhận giúp đỡ, giáo dục. Trưởng Ban chỉ đạo 138 các phường, xã ban hành quyết định phân công giúp đỡ, giáo dục và mở hội nghị bàn giao những người có hành vi vi phạm cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân nhận giáo dục, giúp đỡ; thông báo cho Nhân dân biết để tham gia giúp đỡ, giáo dục.
Theo Trung tá Phan Thành Được, các thành viên được phân công nhận giúp đỡ, giáo dục người lầm lỗi đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, phối hợp chặt chẽ với công an phường, xã; cảnh sát khu vực, công an viên phụ trách ấp, trưởng khóm, ấp và các tổ chức quần chúng, cơ quan, đoàn thể tại cơ sở đến từng hộ gia đình khảo sát tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh sinh sống, kinh tế gia đình, nhu cầu của từng cá nhân, hộ gia đình. Từ đó, xây dựng biện pháp giúp đỡ, giáo dục phù hợp, nhằm giúp đỡ họ sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Định kỳ hàng tuần, tháng, cán bộ được phân công tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc, giúp đỡ cá nhân, hộ gia đình; và hàng quý, 6 tháng, một năm đều tiến hành nhận xét, đánh giá sự chuyển biến về tư tưởng của họ, kết quả làm ăn, sinh sống, đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận việc sửa chữa tốt hoặc tiếp tục đề xuất giáo dục khi họ chưa thật sự tiến bộ. Các cán bộ, đảng viên, ban ngành, đoàn thể nhận đối tượng để giúp đỡ, giáo dục có trách nhiệm tranh thủ mọi nguồn lực, vận động vốn, giới thiệu việc làm, học nghề, hướng dẫn cách thức làm ăn cho đối tượng, giúp họ ổn định cuộc sống.
Công an TX. Giá Rai đưa ra giáo dục, răn đe các đối tượng đua xe trái phép. Ảnh: T.Đ
ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN
Công an TP. Bạc Liêu xác định, công tác tuyên truyền, giúp đỡ, cảm hóa, giáo dục là công tác trọng tâm, cốt lõi để tác động, chuyển hóa về nhận thức, hành động, ý thức chấp hành pháp luật của từng cá nhân, hộ gia đình. Việc làm đó nhằm giúp họ nhận thức được hành vi sai phạm của bản thân để khắc phục, sửa chữa, chí thú làm ăn, tham gia lao động sản xuất, chấp hành pháp luật.
Nhìn chung, các cá nhân, hộ gia đình được tuyên truyền, giáo dục đều nhận thức được hành vi sai phạm và có hướng khắc phục sửa chữa. Qua công tác tuyên truyền, giáo dục đã tác động ý thức và chuyển biến về tư tưởng của từng người. Nhiều cá nhân, hộ gia đình hứa khắc phục, sửa chữa hành vi sai phạm của mình và cam kết không tái phạm, phấn đấu trở thành người công dân tốt, có ích cho xã hội. Từ đó, góp phần cho công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) tại địa bàn cơ sở được nâng lên rõ nét; tinh thần cảnh giác, ý thức đấu tranh phòng chống, tố giác tội phạm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân cũng được nâng lên. Điển hình là đơn thư, tin báo tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội ngày càng nhiều hơn. Nhân dân đã cung cấp nhiều nguồn tin quan trọng có liên quan đến ANTT. Trong 5 năm gần đây, Công an TP. Bạc Liêu và 10 phường, xã đã nhận được 386 tin báo có giá trị, đây là nguồn thông tin quan trọng giúp cho lực lượng công an bổ sung thông tin liên quan đến công tác đấu tranh, trấn áp tội phạm, triệt phá nhiều băng, nhóm tội phạm, tụ điểm phức tạp về ANTT trên địa bàn.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Hoàng - Trưởng Công an TX. Giá Rai, công tác quản lý, cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư là một việc hết sức khó khăn. Vì thế, để công tác này đạt hiệu quả thì trong việc tiếp xúc, gần gũi, giáo dục, giúp đỡ các cá nhân, hộ gia đình, lực lượng chức năng phải thật sự thiện cảm như chính người thân của mình. Khi đó, các đối tượng mới cảm nhận mình không bị kỳ thị, chí thú làm ăn, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng một cách tốt nhất.
HỮU DUYÊN