Quốc phòng - An ninh
Công an Bạc Liêu: Bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ
Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân (CAND) bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” do Công an tỉnh phát động cuối tháng 2/2017 đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn lực lượng. Sau hội nghị phát động của Công an tỉnh, các đơn vị nghiệp vụ và công an các địa phương trong tỉnh liên tiếp có các hoạt động tương tự.
Cảnh sát giao thông Công an TP. Bạc Liêu thực hiện “4 xin, 4 luôn” trong thực thi công vụ. Ảnh: N.Q
Yêu cầu cao nhất của lãnh đạo Công an tỉnh đặt ra khi thực hiện cuộc vận động là phải đạt hiệu quả, thiết thực. Mỗi đơn vị sẽ vạch ra kế hoạch thực hiện sát hợp với nhiệm vụ chính trị của mình.
Đơn cử như Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP. Bạc Liêu lấy khẩu hiệu “4 xin, 4 luôn” (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ) để thực hiện. Trung tá Lê Hoàng Thức, Đội trưởng Đội CSGT Công an thành phố, cho rằng: “Lực lượng CSGT thường xuyên tiếp xúc với dân nên mỗi lời nói, cử chỉ ứng xử của cán bộ, chiến sĩ đều phải thể hiện sự trọng dân, phục vụ dân. Không những thế, mỗi chiến sĩ CSGT phải gương mẫu chấp hành pháp luật và văn hóa giao thông”.
Còn với Công an phường 1 (TP. Bạc Liêu), Ban chỉ huy đơn vị xác định văn hóa thể hiện trong cách xưng hô, cư xử hòa nhã với người dân, hướng dẫn bà con làm thủ tục hành chính tận tình, hết việc chứ không hết giờ. Công an phường 1 còn phấn đấu xây dựng đơn vị kiểu mẫu về điều lệnh CAND, không có cán bộ, chiến sĩ vi phạm kỷ luật.
Bên cạnh đó, Thành ủy TP. Bạc Liêu còn đề nghị lực lượng Công an thành phố gắn việc thực hiện cuộc vận động với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng. Đồng chí Trà Văn Bắc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu cán bộ, chiến sĩ công an phải nắm kỹ 27 biểu hiện suy thoái mà nghị quyết vạch ra để đối chiếu lại với công việc đã qua, tự mình suy ngẫm, rồi tự học, tự rèn để hoàn thiện bản thân. Tất cả đều hướng đến mục tiêu giữ hình ảnh tốt đẹp của người CAND trong lòng người dân và là nỗi ám ảnh đối với tội phạm.
Muốn phục vụ nhân dân tốt hơn, người chiến sĩ công an không chỉ dừng lại ở việc rèn luyện, trau dồi đạo đức, tác phong, mà còn phải không ngừng học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn và các kiến thức bổ trợ khác. Bởi Đảng ta xác định cán bộ có lòng nhiệt huyết, đạo đức cách mạng là chưa đủ để hoàn thành tốt nhiệm vụ, mà điều quan trọng nữa là phải có thực tài. Đó cũng là cách nhìn biện chứng về xây dựng văn hóa của cán bộ, đảng viên. Do đó, công an các địa phương, đơn vị đều xác định cần thường xuyên bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, pháp luật, ngoại ngữ, năng lực thực thi công vụ.
Có thể nói, công tác xây dựng lực lượng CAND, trong đó có yếu tố văn hóa, phong cách là một tiến trình diễn ra liên tục từ trước đến nay. Bộ Công an, Công an tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, hướng dẫn thực hiện, gần đây là Chỉ thị 07/CT-BCA-X11 ngày 26/10/2016 của Bộ Công an về tăng cường lãnh đạo nâng cao văn hóa ứng xử CAND trong tình hình mới. Do vậy, việc thực hiện cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” có nhiều điều kiện thuận lợi, đặc biệt trong bối cảnh toàn Đảng đang tự chỉnh đốn.
Nguyễn Quốc
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL
- Chế độ, chính sách đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh
- Chấn chỉnh tình trạng các tổ chức, cá nhân bắt nộp bản sao có chứng thực không cần thiết
- Nhiều nguy hại từ trào lưu xé “túi mù”