Quốc phòng - An ninh
Đầu năm đừng lơ là, mất cảnh giác
Ở thời điểm nào trong năm, các đối tượng lừa đảo cũng hoạt động không ngừng nghỉ. Nhất là khi hiện nay, cùng với việc phát triển của các ứng dụng điện tử, rất nhiều người đã chọn sử dụng giao dịch không dùng tiền mặt, lại dùng nhiều mạng xã hội để giải trí, làm việc. Bên cạnh những hiệu quả không thể phủ nhận của công nghệ thì nó cũng là môi trường thuận lợi cho nhiều tội phạm công nghệ cao, tội phạm lừa đảo “ẩn danh” phát triển. Bởi vậy, mọi người không nên chủ quan, mất cảnh giác.
Người dân không nên lơ là cảnh giác với các hình thức lừa đảo. Ảnh: Internet
Lừa đảo tích hợp điểm giấy phép lái xe vào dịch vụ công
Gần đây bắt đầu xuất hiện các cuộc gọi điện thoại yêu cầu người dân thực hiện tích hợp 12 điểm giấy phép lái xe (GPLX) vào dịch vụ công. Bọn chúng giả mạo cơ quan chức năng, tư vấn Luật Giao thông đường bộ và phụ trách hướng dẫn người dân cài đặt để tích hợp điểm GPLX. Để tạo lòng tin, những đối tượng này hoạt động có tổ chức, phân công nhiều đối tượng cùng thực hiện hành vi lừa đảo. Như trường hợp của chị L. (tỉnh Thanh Hóa) vừa bị mất hơn 7 triệu đồng vì lỡ làm theo hướng dẫn cài đặt dịch vụ để tích hợp điểm GPLX. Các đối tượng yêu cầu nạn nhân kết bạn Zalo để hướng dẫn và khi làm theo các yêu cầu, tài khoản của chị L. bị trừ hơn 7 triệu đồng.
Chiêu trò hỗ trợ nạn nhân lấy lại tiền bị mất để tiếp tục chiếm đoạt tài sản
Nhan nhản trên các diễn đàn mạng xã hội, các trang cộng đồng, chúng ta dễ dàng thấy các thông tin quảng cáo, giới thiệu các đối tác uy tín, có thể lấy lại được tiền do bị lừa đảo qua chuyển khoản. Nếu không tỉnh táo, những nạn nhân đã bị mất tiền lại tiếp tục dính bẫy lừa đảo “giúp lấy lại tiền bị mất”.
Để tránh trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, mọi người cần phải thường xuyên cập nhật và nắm bắt thông tin về vấn đề an toàn không gian mạng; luôn cảnh giác với những lời mời chào trên mạng xã hội, hỗ trợ, giúp đỡ… mà có yêu cầu cung cấp những thông tin cá nhân như: căn cước, số tài khoản ngân hàng, mã OTP…
Lừa đảo kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội
Đây là một hiện trạng đáng lên án khi lợi dụng lòng tốt của những nhà hảo tâm để chuộc lợi, gây mất niềm tin của người dân đối với các hoạt động thiện nguyện thật. Do đó, để lòng tốt được trao gửi đúng chỗ, những người có tấm lòng thiện nguyện nên lựa chọn các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo cho cơ quan công an gần nhất để kịp thời xử lý.
Bộ TT-TT khuyến cáo người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Để làm việc với người dân, các cơ quan chức năng, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương, không làm việc qua điện thoại, không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.
Riêng đối với điểm GPLX, theo quy định, điểm sẽ được tự động cập nhật khi công dân sử dụng dịch vụ công mức độ 2. Khi người dân vi phạm, số điểm sẽ bị trừ tương ứng tùy mức độ vi phạm. Nếu trong vòng 12 tháng, người dân không bị trừ thêm điểm, hệ thống sẽ tự động phục hồi về 12 điểm. Trong trường hợp bị trừ hết điểm, GPLX sẽ bị tạm giữ và người vi phạm phải thi lại lý thuyết để được cấp lại điểm. Như vậy, sẽ không có bất kỳ yêu cầu nào cài đặt ứng dụng hoặc cung cấp thông tin qua điện thoại để tích hợp hoặc cộng điểm GPLX.
Kim Kim
- Văn phòng UBND tỉnh: Triển khai nhiệm vụ công tác Đảng, công tác chính quyền năm 2025
- Sở Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra tình hình phòng, chống cháy rừng tại Vườn chim Bạc Liêu
- Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4: Bắt giữ xà lan vận chuyển khoảng hơn 100 tấn phân URE không có nguồn gốc
- Hơn 200 học sinh tiểu học được trải nghiệm “Một buổi làm nhân viên y tế”
- Bế mạc Hội thao kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam