Quốc phòng - An ninh
Đấu tranh với tội phạm mua bán người: Nâng cao tinh thần cảnh giác của người dân
Hoạt động của tội phạm mua bán người đang diễn biến ngày càng phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn rất tinh vi từ việc kết hôn với người nước ngoài đến dụ dỗ đi xuất khẩu lao động… Vì vậy, để tội phạm mua bán người không còn đất sống, đã đến lúc cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân.
Trăm kiểu lừa đảo
Gia đình của Phạm Vũ Kh. (sinh năm 2004) và Nguyễn Thị Thu T. (sinh năm 2005) - 2 nạn nhân trong vụ lừa đảo mua bán người qua Campuchia - đã phải cầm cố nhà cửa với số tiền gần 260 triệu đồng để chuộc 2 em về. Gia đình 2 nạn nhân rất khó khăn, sau khi chuộc được 2 em về địa phương (xã Phong Thạnh Tây, TX. Giá Rai) thì cả nhà phải tiếp tục đi làm thuê làm mướn để kiếm kế sinh nhai. Tuy nhiên, dẫu khổ nhưng vẫn còn may mắn là gia đình của 2 em có nhà đất để cầm cố mà chuộc con về được. Còn rất nhiều trường hợp, do gia đình khó khăn, không có tiền hoặc hiện tại cũng chưa nắm chắc được địa chỉ để giải cứu con mình, chỉ nhận được một ít thông tin về tình trạng của người thân một cách không rõ ràng, vì các nạn nhân thường bị các tổ chức buôn người giấu kỹ, canh gác cẩn thận.
Ở Việt Nam nói chung và khu vực biên giới nói riêng, tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp, khó lường. Nhiều đối tượng nằm trong đường dây mua bán người từ các đối tượng phạm tội chuyên nghiệp; người thường xuyên qua lại khu vực biên giới cho đến người nhà nạn nhân và thậm chí là chính nạn nhân của các vụ mua bán người trước đó. Lấy danh nghĩa các công ty môi giới hôn nhân, môi giới lao động, sử dụng các nền tảng mạng xã hội trực tuyến để tiếp cận, kết bạn, lừa bán nạn nhân ra nước ngoài nhằm cưỡng bức lao động và bóc lột tình dục. Gần đây, nổi lên hoạt động của các đối tượng người Việt Nam tại nước ngoài móc nối với đối tượng ở trong nước, sử dụng “chiêu bài” quảng cáo trên các trang mạng xã hội để tuyển lao động “việc nhẹ, lương cao”; sau đó, đưa ra nước ngoài (bao gồm cả xuất cảnh hợp pháp và trái phép), rồi ép buộc làm việc trong các công ty đánh bạc trực tuyến, tổ chức lừa đảo sử dụng công nghệ cao. Nếu không hoàn thành chỉ tiêu ở mức cao sẽ bị đánh đập, giam giữ; số lao động này muốn trở về Việt Nam thì bị bắt ký giấy vay nợ, đưa ra các khoản tiền chuộc lớn mới có thể về nước.
Tại Bạc Liêu, trong 9 tháng năm 2022, qua rà soát bước đầu đã ghi nhận có 11 trường hợp bị lừa đưa qua Campuchia cầu cứu gia đình chuộc về. Thông qua nhiều con đường, có 7 trường hợp được giải cứu về nước. Đối với các nạn nhân, đây đều là những tháng ngày như sống trong “địa ngục trần gian”.
Gia đình em Lê Hoàng Ph. - một trong những nạn nhân bị lừa qua Campuchia chờ giải cứu. Ảnh: C.L
Nâng cao nhận thức để phòng ngừa
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mua bán người diễn ra nhức nhối, trong đó phải kể đến bất cập từ pháp luật Việt Nam chưa tương thích với luật pháp quốc tế về khái niệm “mua bán người”. Đối tượng, địa bàn thực hiện hành vi phạm tội mua bán người đã mở rộng phạm vi xuyên quốc gia, trong khi hoạt động bọn tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác phát hiện, điều tra, xử lý. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân liên quan đến hành vi mua bán người còn rất hạn chế, những suy nghĩ được đi ra nước ngoài lao động, làm việc thì đều có tiền cao, thu nhập tốt hơn ở Việt Nam, bất kể là nước nào vẫn khiến nhiều người dễ sa vào bẫy lừa của bọn tội phạm.
Điển hình như tình trạng dụ dỗ công dân sang lao động tại Campuchia, trong khi trên thực tế, điều kiện kinh tế - xã hội của nước bạn không cao hơn ở Việt Nam, nhiều vùng, khu vực còn khó khăn hơn. Do đó, “việc nhẹ, lương cao” là điều hoàn toàn không thể có đối với những người lao động tay chân, lao động bình thường.
Để đấu tranh và phòng ngừa đối với loại tội phạm này, không đơn giản chỉ là việc tuyên truyền suông. Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền cho đồng bào khu vực biên giới, đồng bào dân tộc về phòng, chống mua bán người, thiết nghĩ các ngành, các cấp, đoàn thể cần vận động người dân tham gia đấu tranh, tố giác đối với loại tội phạm này. Hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; phối hợp tổ chức gặp gỡ các nạn nhân bị mua bán trở về để tư vấn, động viên, hỗ trợ giúp đỡ họ hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.
Đặc biệt là cần đẩy mạnh công tác tấn công trấn áp tội phạm mua bán người, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người nhanh chóng, tuyên truyền công khai và đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật. Công tác xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được thực hiện nhanh chóng, bảo đảm quyền của nạn nhân và theo nguyên tắc “lấy nạn nhân là trung tâm”.
Kim Tuấn
- Chào cờ đầu tháng cuối cùng của năm 2024
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
- Bạc Liêu tham gia nhiều hoạt động tại Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL
- Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12)
- Tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa vi phạm