Quốc phòng - An ninh
Gặp lại những nhân chứng lịch sử trước ngày 30/4/1975
50 năm dân tộc Việt Nam đã và đang “viết tiếp câu chuyện hòa bình” bằng những đổi thay, phát triển và hướng đến sự phồn vinh, hạnh phúc. Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, bao thế hệ người Việt náo nức, tự hào tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày đất nước thống nhất, những năm tháng hào hùng ngày ấy lại ùa về vẹn nguyên trong ký ức của những người từng sống trong thời chiến, rồi lan tỏa niềm tự hào lớn lao trong tim của thế hệ hôm nay. Bởi để có được “mùa Xuân đầu tiên” đất nước trọn niềm vui độc lập là thành quả cách mạng vĩ đại của tinh thần đoàn kết triệu người như một của dân tộc Việt Nam nhỏ bé nhưng kiên cường, bất khuất.
Quân, dân và các ban, ngành trong tỉnh tiến vào TX. Bạc Liêu.Ảnh: T.L
NHỮNG “THƯỚC PHIM” LỊCH SỬ HÀO HÙNG…
Ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam trở thành làn sóng vô cùng mạnh mẽ lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước. Tình cảm thiêng liêng ấy dần biến thành sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trở thành đòn bẩy vững chắc giúp dân tộc ta vượt mọi gian truân, lầm than của chiến tranh. Ông Nguyễn Hiền Lương - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, nhớ lại: “Năm 1974, tại vùng giải phóng ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân đã tổ chức buổi lễ ra mắt Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng (MTDTGP) tỉnh Bạc Liêu, có hàng ngàn đồng bào đến tham dự. Dựa vào nội dung Chương trình 10 điểm của MTDTGP miền Nam Việt Nam, Ủy ban MTDTGP tỉnh Bạc Liêu đã ra lời kêu gọi toàn thể đồng bào, cán bộ và chiến sĩ trong tỉnh đoàn kết một lòng, nhất tề xông lên đánh bại kế hoạch bình định của Mỹ - ngụy, giải phóng tỉnh nhà, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Buổi lễ được quần chúng vui mừng, phấn khởi và biểu thị sự hưởng ứng tích cực.
Trong khi các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Ủy ban MTDTGP đang thuyết phục Đại tá - Tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Điệp đầu hàng, ngoài đường phố cờ MTDTGP xuất hiện ở nhiều nơi như Khu cư xá sĩ quan, cầu Quay, chợ nhóm… Quần chúng xuống đường càng đông kéo về Tòa hành chính tỉnh đòi Tỉnh trưởng thương lượng hòa bình với MTDTGP, lúc này, nhiều binh sĩ vứt bỏ súng đạn, cởi áo lính nhập vào lực lượng quần chúng. Cuối cùng, Đại tá - Tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Điệp phải chấp nhận giao chính quyền cho MTDTGP và đề nghị được hưởng chính sách khoan hồng. Đặc biệt là Đại tá Điệp nhờ Đoàn MTDTGP cùng với Điệp sang Tiểu khu để thuyết phục số sĩ quan đàn em. Điệp cũng giao cho Đoàn đại diện MTDTGP một chiếc xe Jeep và tài xế để làm phương tiện đi lại. Vào thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975, trước Tòa hành chính tỉnh, hàng ngàn quần chúng nhân dân tận hưởng niềm vui chiến thắng với tràng pháo tay không ngớt khi đồng chí Lê Quân tuyên bố từ giờ phút này chính quyền cách mạng thuộc về Nhân dân. Và Bạc Liêu đã ghi dấu ấn trong lịch sử với kỳ tích giành chính quyền không đổ máu.
Cô Huỳnh Thanh Hoa (thứ 2 bên phải) kể lại những câu chuyện hào hùng khi cô là Bí thư Thị đoàn, điều hành Đội biệt động TX. Bạc Liêu. Ảnh: T.T
ĐỘI BIỆT ĐỘNG HOẠT ĐỘNG TRONG LÒNG ĐỊCH
Vận hành theo thời cuộc, Đội biệt động thành được thành lập với nhiệm vụ là mũi tấn công trong lòng địch. Đồng chí Huỳnh Thanh Hoa - nguyên Bí thư Thị đoàn Bạc Liêu được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy Đội biệt động (hầu hết là giới học sinh, thanh niên tình nguyện). 10 thành viên chính của Đội biệt động khi tham gia làm thành viên đều chuẩn bị sẵn tinh thần sẽ phải hy sinh. Nhưng tất cả đều chung một ý nguyện: “Quyết tử vì Tổ quốc quyết sinh”.
Cô Hoa kể: Trước ngày tổng tiến công, Đội biệt động được giao nhiệm vụ nghiên cứu địa hình, xác định mục tiêu đánh địch và chuyển vũ khí đến nơi tập kết. Những viên đạn, khẩu súng được các thành viên Đội biệt động ngụy trang theo hình dạng đòn bánh tét, thúng gạo đưa đến nơi tập kết an toàn. Lúc đó, chúng tôi thuê một phòng ôn thi dành cho học sinh tại cọt Mỹ. Đó cũng chính là nơi chúng tôi bí mật chuyển vũ khí đến để chờ ngày tổng tiến công cùng đoàn quân giải phóng ngoài thành bao vây địch. Cô Huỳnh Thanh Hoa hồi tưởng lại những lo âu, thấp thỏm cho đồng đội và số vũ khí được tập kết ngay trong sào huyệt của địch. Dù biết tính mạng “ngàn cân treo sợi tóc”, nhưng người nữ thanh niên ở độ tuổi 20 ngày ấy đã không màng gian nguy, vừa đi nhận nhiệm vụ cấp trên, vừa đến tận sào huyệt địch để chỉ huy Đội biệt động. Tất cả những thành viên của Đội biệt động đều là nòng cốt của thanh niên thị xã ngày ấy. Mỗi người một nhiệm vụ, mỗi cá nhân một địa bàn, hỗ trợ lực lượng quân đội trong việc dò dẫm dẫn đường trong những đêm tối mịt vào sào huyệt địch.
Mái tóc đã bạc trắng, đôi mắt mờ sương sau làn kính trắng, chú Nguyễn Tích Thiện (nguyên Đội trưởng Đội biệt động lúc ấy) hồi tưởng: Lúc đó tôi không suy nghĩ gì nhiều hơn là làm sao phá giới nghiêm áp đảo quân địch, thông báo cho đồng bào cùng tiếp sức. Cầm lá cờ đỏ sao vàng trên tay, tôi chạy thẳng lên tầng 2 của sào huyệt địch. Khi lá cờ tung bay trên cột sắt thu lôi, tôi vừa rất vui mừng vừa lo sợ vì biết bọn giặc rất hung hăng và ngoan cố. Chính từ lòng dũng cảm mà chàng thanh niên Nguyễn Tích Thiện đã là người treo lá cờ chiến thắng đầu tiên cho tỉnh Bạc Liêu. Bọn giặc dù hù dọa, không dám dùng vũ lực đã tháo cờ xuống, nhưng người thanh niên trẻ vẫn kiên trì treo lên lần thứ 2, lần thứ 3… cho đến khi giới học sinh, công nhân và đông đảo người dân đổ ra đường với những khẩu hiệu chiến thắng. Và Bạc Liêu đã sống trong ngày hội lịch sử: Giải phóng không đổ máu!
50 năm sống trong hòa bình, được đón những mùa xuân độc lập, hạnh phúc, bao thế hệ người con đất Việt hôm nay mãi luôn trân trọng, biết ơn và tự hào về những hy sinh anh dũng của thế hệ cha ông. Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, sự lan tỏa về lòng yêu nước, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của thế hệ “hậu bối” ngày càng mạnh mẽ, cụ thể hơn. Đó không chỉ đơn thuần là những hình ảnh, hoạt động bề nổi mà hơn hết là thể hiện trách nhiệm của mình, quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng của ông cha, thực hiện khát vọng vươn mình mạnh mẽ của dân tộc.
HOÀNG UYÊN