Quốc phòng - An ninh
Người dân cần trang bị kiến thức chống lừa đảo trên không gian mạng
Thời gian qua, tình trạng lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng trên không gian mạng. Hiện rất nhiều người vẫn còn mơ hồ trong việc bảo vệ thông tin cá nhân, thiếu kiến thức và chủ quan trước các mối đe dọa lừa đảo trực tuyến. Trước thực trạng này, người dân cần nắm được những kiến thức và kỹ năng cần thiết để không trở thành “con mồi” mà các đối tượng lừa đảo hướng tới.
Món quà “trời ơi đất hỡi” mà anh L.M.H nhận được sau khi cung cấp thông tin cá nhân. Ảnh: K.K
Cảnh giác bị lấy cắp thông tin
Anh L.M.H (Phường 1, TP. Bạc Liêu) kể câu chuyện mà anh cho rằng bản thân bị lấy cắp thông tin một cách rất đơn giản như một lời cảnh giác cho mọi người. Chuyện là, anh được một số điện thoại lạ gọi đến thông báo anh được TikTok chọn là một trong những người xem TikTok đạt số lượt view (lượt xem) nên được xét tặng quà. Cảnh giác với các chiêu lừa đảo trên mạng, anh H. từ chối nhận quà, tuy nhiên người gọi tiếp tục khẳng định, việc nhận quà không đóng bất cứ phí gì, chỉ cung cấp thông tin để TikTok gửi quà tặng. Nghĩ bụng, không đóng phí thì chẳng mất gì, anh H. đã cung cấp thông tin cá nhân theo hướng dẫn. Quả thật, anh H. đã nhận được quà đúng như cam kết, nhưng đó là một món quà “trời ơi đất hỡi”, là sản phẩm dùng thử của một hãng nước giặt quần áo, chai nhỏ 10ml, không đủ dùng cho một lần giặt quần áo. Nhưng cái mất ở đây là anh đã mất nhiều thông tin cá nhân của mình cho các đối tượng, chẳng biết sau này chúng sẽ sử dụng vào việc gì.
Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin, trong 9 tháng của năm 2024, đã có hơn 22.000 phản ánh về trường hợp lừa đảo trực tuyến do người dùng gửi về Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam.
Không chỉ gia tăng về số lượng, các phương thức lừa đảo trên không gian mạng đang ngày một phức tạp với nhiều thủ đoạn mới, nhắm đến các nhóm đối tượng khác nhau. Các đối tượng lừa đảo trực tuyến đang ngày một tinh vi hơn trong việc thay đổi phương thức, triệt để lợi dụng công nghệ mới để tấn công, xâm nhập, lừa đảo quy mô lớn, gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự an toàn xã hội.
Hãy tự trang bị kiến thức chống lừa đảo cho bản thân
Trong tháng 10/2024, Cục An toàn thông tin đã phối hợp với các nền tảng mạng xã hội tổ chức các hội thảo, hội nghị hướng tới việc trang bị cho người dùng khả năng tự bảo vệ bản thân và gia đình trước những thủ đoạn lừa đảo, nhất là lừa đảo trực tuyến. Trong đó chú trọng đẩy mạnh hiệu quả tuyên truyền, hỗ trợ cộng đồng tiếp cận với những kiến thức cần thiết giúp nâng cao cảnh giác, biết cách ứng phó với những hành vi lừa đảo qua mạng.
Khi cảm thấy giao dịch không đáng tin, hãy dừng lại vì có thể đây là dấu hiệu lừa đảo. Thực hiện quy tắc “6 không”, không cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng của mình cho đối tượng không quen biết; thận trọng rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền; không kết bạn và nói chuyện với người lạ, không nhận lời mời tham gia các hội nhóm mà không rõ mục đích đối tượng; không truy cập, đăng nhập vào các đường dẫn, liên kết, website, ứng dụng hoặc mở tệp đính kèm đến từ người gửi không xác định, không rõ nguồn gốc; không cán bộ cơ quan nhà nước, bộ công an, viện kiểm sát, tòa án hay đơn vị tài chính… nào gọi điện để điều tra qua điện thoại, yêu cầu phải cung cấp thông tin cá nhân hay đóng tiền; không thực hiện chuyển khoản trước, tuyệt đối không đặt cọc, chuyển khoản tiền cho các đối tượng lạ trong bất cứ trường hợp nào; không tham lam những tài sản, món quà không rõ nguồn gốc có thể nhận được một cách dễ dàng, những lợi nhuận “phi thực tế” mà không tốn sức lao động, những lời mời chào, dụ dỗ “việc nhẹ lương cao”…
Kim Tuấn
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
- Bạc Liêu tham gia nhiều hoạt động tại Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL
- Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12)
- Tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa vi phạm
- Hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác biên phòng năm 2024