Quốc phòng - An ninh
Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm tự hào truyền thống anh hùng
Ngày 22/12/1944 không chỉ là Ngày truyền thống của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam mà đã trở thành ngày hội chung của dân tộc và đất nước, ngày biểu dương ý chí và sức mạnh của toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội ta thật sự là quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng; là lực lượng chính trị; lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt thăm, chúc mừng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nhân dịp 22/12/2024.
QĐND VIỆT NAM KHÔNG NGỪNG LỚN MẠNH
Cách đây 80 năm, tại khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - Đội quân chủ lực tiền thân của QĐND Việt Nam được thành lập theo Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/1944 được lấy làm Ngày thành lập QĐND Việt Nam từ đó.
Ngay khi thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt và Nà Ngần tiêu diệt đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính địch, thu vũ khí, quân trang, quân dụng. Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần mở đầu cho truyền thống quyết chiến, quyết thắng của QĐND Việt Nam.
Tháng 4/1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ của Đảng đã quyết định hợp nhất các tổ chức vũ trang cách mạng trên cả nước thành Việt Nam giải phóng quân. Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, Việt Nam giải phóng quân đã cùng lực lượng vũ trang (LLVT) các địa phương và Nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc. Cách mạng tháng Tám thành công, Việt Nam giải phóng quân được đổi tên thành Vệ quốc đoàn, rồi Quân đội quốc gia Việt Nam (năm 1946), từ năm 1950 đến nay được gọi là QĐND Việt Nam.
Chỉ một thời gian ngắn, QĐND Việt Nam phát triển vượt bậc cả về số lượng và khả năng chiến đấu, từ một đội quân nhỏ trở thành Quân đội quốc gia. Các đơn vị quan trọng như Đại đoàn 308, 304, 312, 320, 316, 325, 351 lần lượt được thành lập, đến nay vẫn là những đơn vị chủ lực của QĐND Việt Nam. Quân đội ta liên tiếp lập nên những chiến công lẫy lừng mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử (ngày 7/5/1954), giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Genève đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Chiến dịch Điện Biên Phủ là một điển hình xuất sắc, là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp; đồng thời là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của Quân đội ta.
Ngày 15/2/1961, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất các LLVT nhân dân ở miền Nam; đây là bộ phận của QĐND Việt Nam trực tiếp hoạt động trên chiến trường miền Nam. Trước sự can thiệp trực tiếp của quân đội Mỹ, QĐND Việt Nam đã sát cánh cùng với Nhân dân và các LLVT khác, tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện, lâu dài và gian khổ, lập nên nhiều kỳ tích. Tiêu biểu là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; chống chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của Mỹ ở miền Bắc, mà đỉnh cao là chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972; kết thúc thắng lợi bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30/4/1975. Đây cũng là chiến dịch hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn nhất, giành thắng lợi to lớn nhất, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta cả về tổ chức lực lượng và trình độ chỉ huy tác chiến hiệp đồng quân binh chủng; là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đi lên chủ nghĩa xã hội.
Sau đại thắng mùa Xuân 1975, trước hành động xâm lược của quân Pôn Pốt và đáp lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, Quân tình nguyện Việt Nam cùng với LLVT cách mạng Campuchia thực hiện cuộc phản công, tiến công mạnh mẽ, đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng LLVT, hồi sinh đất nước. Cũng đầu năm 1979, quân và dân ta phải chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Trong cuộc chiến này, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, lãnh thổ của Tổ quốc.
Lực lượng vũ trang tham gia diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh. Ảnh: T.H
TỎA SÁNG TINH THẦN TẬN HIẾN VÌ DÂN, VÌ NƯỚC
Đoàn kết toàn dân, lấy ý chí của Nhân dân làm thành trì vững chắc để bảo vệ Tổ quốc là bài học quý báu mà cha ông ta đã từng đúc kết trong lịch sử chống giặc ngoại xâm. Từ năm 1989, Ngày thành lập QĐND Việt Nam được xác định đồng thời là Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Từ đó đến nay, ngày 22/12 hằng năm đã trở thành ngày hội lớn, ngày hội biểu dương sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thể hiện quân với dân một ý chí trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tôn vinh và nhân lên hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ - một giá trị độc đáo của văn hóa Việt Nam trong thời đại mới.
Đối với tỉnh Bạc Liêu, trong những năm tháng lịch sử, LLVT tỉnh đã tổ chức nhiều trận đánh tiêu hao, tiêu diệt, kiềm giữ giam chân địch, tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực thực hiện những trận đánh then chốt quyết định, giành thắng lợi lớn trong các chiến dịch, bảo vệ an toàn căn cứ địa các cơ quan lãnh đạo của Xứ ủy Nam Bộ và Khu Tây Nam Bộ. LLVT tỉnh Bạc Liêu góp phần quan trọng vào thắng lợi của phong trào Đồng khởi 1960, Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Đặc biệt trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, LLVT cùng với Nhân dân trong tỉnh tổ chức 3 mũi tiến công, buộc lực lượng quân ngụy trên địa bàn đầu hàng vô điều kiện, Bạc Liêu giành chính quyền không tiếng súng.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, LLVT tỉnh bước vào trận chiến đấu mới, các thế lực thù địch ở biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam gây hấn xâm lược nước ta; trước yêu cầu cấp bách của cách mạng, cán bộ, chiến sĩ tiếp tục lên đường bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. LLVT tỉnh đã anh dũng chiến đấu lập nên biết bao chiến công hiển hách, nhiều đơn vị và cá nhân vinh dự được Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT nhân dân; nhiều sĩ quan phát triển trên các cương vị lãnh đạo cấp tỉnh, Quân khu, Trung ương và được phong quân hàm cấp tướng.
Quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, LLVT tỉnh Bạc Liêu đã đúc kết nên truyền thống “Quân dân đoàn kết, tuyệt đối trung thành, mưu trí, sáng tạo, tự lực, tự cường, anh dũng chiến đấu”. Với những thành tích đạt được trong 2 cuộc kháng chiến, Nhân dân và LLVT tỉnh được Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân ngày 23/6/2003.
Đặc biệt, từ khi tái lập tỉnh đến nay, Bạc Liêu có sự chuyển mình vươn lên và đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào. Tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh có nhiều khởi sắc và phát triển ở hầu hết các lĩnh vực. LLVT tỉnh luôn duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng hoạt động theo Nghị định 03 và 02 của Chính phủ, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thực hiện tốt công tác xây dựng lực lượng, huấn luyện, diễn tập. Tham mưu có hiệu quả công tác quân sự, quốc phòng địa phương, hoạt động và xây dựng khu vực phòng thủ. Thực hiện tốt công tác Đảng, công tác chính trị; nội bộ đoàn kết, thống nhất; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng được nâng lên. Trong đó, năm 2024, Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Quân khu 9 đề nghị Bộ Quốc phòng tặng Cờ thi đua. Những thành tích này vừa là niềm vinh dự, tự hào của LLVT tỉnh, vừa là động lực để LLVT tỉnh phát huy bản chất cách mạng và truyền thống tốt đẹp, không ngừng phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Mãi xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành và tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
THANH HẢI
- Bạc Liêu đoạt 20 huy chương tại Giải vô địch cử tạ thanh thiếu niên quốc gia năm 2025
- Sở Nông nghiệp và Môi trường Bạc Liêu: Trao đổi thông tin hợp tác với Trường đại học Cần Thơ về các lĩnh vực bảo vệ môi trường, sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản
- Bộ Công an bàn giao 42 tỷ đồng kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát cho tỉnh Bạc Liêu
- Tổ chức các hoạt động mừng Tết Chôl-chnăm-thmây năm 2025
- TP. Bạc Liêu: Hơn 140 giáo viên được công nhận giáo viên giỏi năm học 2024 - 2025