Quốc phòng - An ninh
“Sóng gió” trên tàu từ các vụ bạo lực
Lời qua tiếng lại sau những cuộc nhậu, ẩu đả gây thương tích, thậm chí là trói người hành hạ như thời trung cổ, dìm chết người dưới biển, giết người tập thể… là những vụ việc đã xảy ra ở một số tàu cá lênh đênh trên biển. Các vụ việc này đe dọa nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự trên các tàu đánh bắt hải sản, gây rúng động dư luận. Không có nhiều vụ việc “rợn người” như các tỉnh khác, nhưng mới đây Bạc Liêu cũng vừa xảy ra vụ ngư phủ đâm chết người.
Bộ đội biên phòng áp tải đối tượng V. vào bờ giao công an xử lý. Ảnh: T.H
Những vụ việc rúng động
Thời gian qua, lực lượng Bộ đội biên phòng (BĐBP) đã phát hiện và xử lý, cũng như bàn giao về cơ quan công an xử lý nhiều vụ vi phạm trật tự an toàn xã hội trên biển như: trộm cắp tài sản, buôn lậu, cố ý gây thương tích… Trong đó có nhiều vụ bạo lực trên tàu cá dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Từ đầu năm đến nay, một số tỉnh lân cận đã xét xử nhiều vụ án giết người gây rúng động dư luận như: vụ nhóm ngư phủ thay phiên nhau dìm chết người dưới biển, nhóm ngư phủ đâm chết tài công khi đang ngủ và cướp tài sản tẩu thoát; các vụ trói và đánh người tập thể, bẻ răng, những vụ tra tấn về tinh thần và thể xác kéo dài trên các tàu đánh bắt ngoài khơi.
Mới đây, có một vụ án mạng đã xảy ra trên tàu cá của tỉnh Bạc Liêu. Trong lúc tàu cá BL-91367-TS đang đánh bắt ở vùng biển tỉnh Cà Mau thì giữa thuyền trưởng Đ.V.H (SN 1986) lời qua tiếng lại với thuyền viên P.V.V (SN 1993). Quá bức xúc trước những lời nói của H. và lúc này cũng có chút hơi men trong người, V. dùng hung khí đâm thuyền trưởng H. tử vong. Ngay khi sự việc được trình báo đến Đồn Biên phòng Gành Hào (huyện Đông Hải), Ban Chỉ huy Đồn chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ trưng dụng phương tiện của người dân tiếp cận tàu cá BL-91367-TS trên biển, bắt đối tượng V. đưa vào bờ bàn giao cho cơ quan công an thụ lý theo thẩm quyền.
Trước đó, năm 2022, một đoạn clip xuất hiện trên mạng xã hội cũng khiến dư luận dậy sóng khi có 2 người đàn ông trói, đánh, đá một người nằm trên ghe đang di chuyển trên biển. BĐBP tỉnh Bạc Liêu xác định vụ việc xảy ra ngày 8/10. Khi đó, Đồn Biên phòng Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) tiếp nhận tin báo từ tàu cá BL-91025-TS về việc thuyền trưởng là ông B. bị ngư phủ S.H.N dùng dao đâm trọng thương. Sau đó, ông B. được đưa vào cửa biển thuộc tỉnh Cà Mau cấp cứu và ổn định sức khỏe. BĐBP tỉnh Bạc Liêu đã thông báo, trao đổi với BĐBP tỉnh Cà Mau tiếp nhận, xử lý vụ việc theo quy định.
Tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự
Nghề đi biển là một trong những nghề lao động đặc thù, trên những con tàu đánh bắt ngoài khơi kéo dài hàng tháng thường có nhiều ngư phủ đến từ nhiều địa phương khác nhau. Làm việc trong môi trường sóng gió khắc nghiệt, vất vả kéo dài dễ phát sinh tâm trạng cáu gắt, mâu thuẫn dẫn đến hành vi bạo lực khi hành nghề trên biển. Anh T. - một chủ tàu ở huyện Đông Hải, bộc bạch: “Môi trường làm việc trên biển là môi trường phức tạp và rất dễ nảy sinh các vụ việc đáng tiếc nếu người trên tàu không thật sự bình tĩnh, sáng suốt xử lý. Chỉ nghĩ đơn giản thôi, lao động mệt nhọc mà bị chì chiết, chửi mắng hay dùng những lời lẽ nặng nề thì ngư phủ nào mà không cay cú. Quanh quẩn trên tàu, ra vào đều đụng mặt thì khi không kiềm chế tốt sẽ dễ xảy ra sự việc đáng tiếc”.
Cũng qua chia sẻ của anh T., trên biển chuyện xích mích, lời qua tiếng lại diễn ra như “cơm bữa”. Lâu ngày dài tháng, đặc biệt là khi chếnh choáng hơi men, các mâu thuẫn trước đây vô tình bị đào xới thêm lần nữa, dẫn đến cao trào là các vụ ẩu đả, thậm chí quyết tâm tước đoạt mạng sống của đối phương.
Theo BĐBP tỉnh Bạc Liêu, tình hình an ninh trật tự trên biển của tỉnh khá ổn định so với các địa phương lân cận, chỉ thỉnh thoảng xảy ra một vài vụ ngoài ý muốn. Song, nguy cơ tiềm ẩn mất an ninh, an toàn trên các tàu cá thì luôn hiện hữu bởi đặc thù môi trường. Để chủ động ngăn ngừa vấn đề sử dụng bạo lực trên biển, BĐBP tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào làm ăn trên biển. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên.
Dễ nhận thấy qua các vụ án trên tàu cá, nguyên nhân chính là do sự nóng giận quá mức, thiếu kiềm chế trong ứng xử. Nếu như những người cùng làm việc trên tàu có thái độ ứng xử chuẩn mực, biết đoàn kết và yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau cùng vượt qua khó khăn để có kinh tế lo cho gia đình thì việc sử dụng bạo lực cũng sẽ được hạn chế, kéo giảm, tránh được những bi kịch đau lòng.
Thanh Hải