Quốc phòng - An ninh
Vợ liệt sĩ: Ngày ấy, bây giờ
Hòa bình lập lại đã tròn 50 năm, nhưng với nhiều người, nó cũng như mới hôm qua, đặc biệt khi gần đến những ngày tháng 4 lịch sử. Nhất là với những người mẹ, người vợ liệt sĩ - ngày ấy, họ mất chồng, mất con trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, phải nén đau thương để tiếp tục sống, tiếp tục đấu tranh giành độc lập - ngày nay, họ là những người Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) hay đơn giản chỉ là những người bà hết lòng vì con, vì cháu, vẫn cống hiến cho xã hội những mầm xanh rực rỡ.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Xuân bên người con trai là Đại tá Quân đội nhân dân. Ảnh: K.P
NHỮNG PHỤ NỮ ANH HÙNG
Nguyên là Huyện đội phó thời chống Mỹ, Chỉ huy bộ đội mưu trí dũng cảm, đánh địch can trường, nhiều người khi nhắc đến cuộc đời của má Chín Xuân - nữ AHLLVTND Võ Thị Xuân - đều biết về người phụ nữ dũng cảm, kiên cường với những chiến công hiển hách trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhưng ít ai biết rằng, người nữ anh hùng ấy cũng là một người vợ liệt sĩ khi chồng bà, liệt sĩ Nguyễn Xuân Buối (Đại đội phó phòng thủ - Quân khu 9) hy sinh tại Gò Quau (tỉnh Kiên Giang) vào năm 1971, để lại 3 người con (1 trai, 2 gái). Dù là chiến sĩ, là nữ quân nhân kiên gan, nhưng má vẫn là người phụ nữ có trái tim biết yêu chồng, thương con; biết đớn đau khi nghĩ đến người chồng hy sinh, các con còn quá nhỏ. Trong một lần chia sẻ với báo chí, má kể: “Hồi còn sống, ổng dặn phải cho con ăn học đàng hoàng. Mình là bộ đội thì tính cho con theo đường binh nghiệp, ổng dặn kỹ trong thư”. Ở thời điểm ấy, khi chồng hy sinh, người con trai lớn, anh Nguyễn Quốc Việt chỉ mới 7 tuổi, còn cô em gái út chỉ mới sinh.
Chúng tôi được chị Trương Thị Mỹ Vân - cán bộ phụ trách thương binh - xã hội Phường 1 (TP. Bạc Liêu) đưa đến nhà của Mẹ VNAH Lâm Thị Hứ (đường Cách Mạng, khóm 9, Phường 1) để thăm và gặp Mẹ. Mẹ có chồng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, con trai lớn hy sinh trong chiến tranh biên giới. 83 tuổi, Mẹ hãy còn khỏe mạnh, với mái tóc bạc phơ, nụ cười hiền lành, Mẹ hiện ở với người con dâu và 2 cháu nội. Cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc vì được con cháu quan tâm, thương yêu và được chính quyền địa phương lo lắng, chăm sóc đầy đủ.
Những cơ cực của thời bình, hình như bà mẹ nào cũng khiêm tốn không muốn nhắc, thậm chí là không nhớ nhiều. Như Mẹ Hứ, khi tôi hỏi, hồi đó Mẹ làm gì để nuôi các con thì Mẹ chỉ nói “mần ruộng”. Hỏi Mẹ sao còn trẻ không bước thêm bước nữa để có hạnh phúc cho riêng mình thì Mẹ cười rồi xua tay lắc đầu: “Ráng nuôi con để nó thành người, không phụ lòng của ổng”.
Với truyền thống của gia đình, những người con của má Chín Xuân, của Mẹ VNAH Lâm Thị Hứ đều chọn con đường binh nghiệp. Anh Nguyễn Quốc Việt đã tình nguyện nhập ngũ để bảo vệ Tổ quốc và theo học tại Trường Sĩ quan Lục quân II. Sau ngày ra trường, anh đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ tại nhiều đơn vị, cho đến ngày hoàn thành nhiệm vụ với cấp hàm Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam. Còn người con trai của Mẹ VNAH Lâm Thị Hứ, liệt sĩ Phạm Thanh Dũng đã tình nguyện lên đường nhập ngũ vào tháng 8/1978, đơn vị Tiểu đoàn 3 U Minh, sau đó hy sinh tại chiến trường biên giới Tây Nam. Hiện tại, Mẹ Hứ chỉ có 2 cháu trai, đều chọn con đường tiếp nối truyền thống của cha ông, hiện cháu lớn đang là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, cháu nhỏ đang học Trường Sĩ quan Quân đội.
BÌNH DỊ GIỮA ĐỜI THƯỜNG
Tôi có một người quen mà tôi hay gọi là dì, là vợ liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khi mái tóc hãy còn xanh, đứa con mới vừa hình thành trong bụng chưa kịp chào đời, người vợ trẻ ấy đã phải quấn khăn tang cho chồng. Thế nhưng, tình yêu nước, truyền thống cách mạng của gia đình đã tiếp thêm sức mạnh cho dì ấy. Vừa nuôi con vừa kiên cường hoạt động cách mạng cho đến ngày hòa bình thì dì cũng là thương binh.
Từ khi biết chuyện, tôi quý bà dì lắm, cũng như những người vợ liệt sĩ khác có chồng hy sinh trong chiến tranh. Tôi kính nể họ, bởi trong hoàn cảnh éo le như thế, rất nhiều người mất chồng khi tuổi còn rất trẻ, thời gian chung sống với nhau tuy vài ba năm nhưng chắc chỉ tính được bằng ngày, tháng đếm trên đầu ngón tay bởi chiến tranh, chia ly nhưng họ vẫn thủy chung một lòng, trước sau như một. Sau ngày giải phóng, những người phụ nữ ấy tiếp tục bươn chải để lo cho con cái mà ít khi nghĩ đến bản thân mình. Chị Trương Thị Mỹ Vân cho biết, riêng trên địa bàn phường đã có 18 vợ liệt sĩ không tái giá. Có người được Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý như Mẹ VNAH Lâm Thị Hứ, AHLLVTND Võ Thị Xuân; và cũng có nhiều người chỉ sống bình lặng giữa đời thường như bao người mẹ, người vợ, người bà khác.
Giờ đây, dưới mái đầu đã bạc phơ của Mẹ Hứ, má Xuân hay của người dì mà tôi biết, những nụ cười hết sức đôn hậu, đôi lúc nhớ nhớ quên quên vì tuổi tác. Nhưng trên tất cả, là một vẻ đẹp của tình yêu nước, lòng chung thủy, đức hy sinh cao cả của người phụ nữ Việt Nam, mà không bút mực nào có thể diễn tả hết. Đó như những bức tường thành, tượng đá trong lòng người, không cần tạc dựng, nó sừng sững, oai hùng. Đó là hồn phách quê hương, mà kẻ thù thời nào cũng khiếp sợ.
KIM PHƯỢNG