Quốc tế
EU cần tăng cường năng lực phòng thủ nội khối
Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell đã lên tiếng khuyến nghị EU cần có năng lực phòng thủ riêng, nhưng vẫn trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Euronews đưa tin, ngày 19-11, phát biểu với báo giới trước thềm hội nghị cấp bộ trưởng quốc phòng EU tại Brussels (Bỉ), ông Borrell nhấn mạnh vai trò nâng cao năng lực phòng thủ riêng của EU, đồng thời nêu rõ điều này không tách rời mà nằm trong khuôn khổ NATO - đối tác chiến lược của khối. “NATO là khuôn khổ cho phòng thủ lãnh thổ châu Âu. Nhưng EU phải tự mình đẩy mạnh khả năng phòng thủ nhiều hơn nữa”, nhà ngoại giao kỳ cựu khẳng định.
Theo chương trình nghị sự tại hội nghị, bộ trưởng quốc phòng các nước EU tập trung đánh giá kế hoạch triển khai một lực lượng phản ứng nhanh (EU RDC) và kết quả thực hiện Thỏa thuận hợp tác cấu trúc thường trực về quốc phòng (PESCO); thảo luận, chia sẻ quan điểm về khả năng sẵn sàng phòng thủ và chuẩn bị các bước phòng thủ của khối...
Binh sĩ tham gia cuộc tập trận quy mô lớn của EU mang tên LIVEX năm 2023 tại Tây Ban Nha. Ảnh: Les Echos
Thực chất, vấn đề nâng cao năng lực phòng thủ nội khối được coi là thông điệp của văn kiện Định hướng chiến lược về an ninh, quốc phòng mới của EU, được các quốc gia thành viên thông qua vào đầu năm 2022, trong đó nổi bật là kế hoạch lập quân đội riêng và tăng chi tiêu quân sự. Định hướng chiến lược giúp EU nhận thức rõ và chủ động hơn trong việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm an ninh của chính mình, bao gồm đặt mục tiêu xây dựng EU trở thành một tổ chức có năng lực lớn hơn, có thể cung cấp bảo đảm an ninh mạnh mẽ hơn, qua đó củng cố và nâng cao tự chủ chiến lược, cũng như khả năng phối hợp của EU với các đối tác, nhằm bảo vệ các giá trị và lợi ích của khối.
Lâu nay vấn đề tự chủ chiến lược nổi lên là mối quan tâm hàng đầu của EU. Các nước trong liên minh đều cho rằng, bối cảnh chiến lược nhiều thách thức đặt ra cho EU nhiệm vụ cấp bách phải nâng cao khả năng ứng phó các nguy cơ, mối đe dọa, đồng thời tăng cường năng lực phản ứng nhanh trước các tình huống, cùng với đó là có thể bổ trợ cho năng lực chung của NATO. Nhu cầu nêu trên càng cấp bách khi các nước EU nhìn nhận từ những bất cập trong NATO hay khúc mắc trong quan hệ EU-Mỹ, đơn cử như việc Washington tự quyết việc rút quân khỏi Afghanistan mà không tham khảo các đồng minh châu Âu.
Cuối năm ngoái, Defense News cho biết, các bộ trưởng quốc phòng EU đã phê chuẩn việc tái thiết lập các ưu tiên phát triển năng lực quốc phòng (CDP), bao gồm một số ưu tiên về phòng không và phòng thủ tên lửa tích hợp, tập trung vào việc nâng cấp các hệ thống phòng không hiện tại và phát triển các hệ thống thế hệ tiếp theo. Tháng 3 vừa qua, EU lần đầu tiên công bố Chiến lược công nghiệp quốc phòng (EDIS) với việc xác định tầm nhìn mục tiêu rõ ràng và các biện pháp hiệu quả để có thể chuyển ngành công nghiệp quốc phòng sang trạng thái thời chiến, thể hiện mức độ độc lập quốc phòng và tự chủ chiến lược nhất định.
Gần đây, CNN dẫn tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tại Diễn đàn an ninh toàn cầu GLOBESEC ở Cộng hòa Séc khẳng định bảo vệ châu Âu là trách nhiệm trước tiên và trên hết của EU, dù NATO tiếp tục giữ vai trò trung tâm trong hệ thống phòng thủ tập thể. Theo Chủ tịch EC, EU cần phát triển và củng cố sức mạnh của các cơ chế hoặc chiến lược phòng thủ riêng. Cùng với đó, khối này cần đầu tư 500 tỷ euro trong thập niên tới để tăng cường năng lực quốc phòng. Đáng chú ý, EU vừa lần đầu tiên sử dụng ngân sách của khối để tài trợ cho việc mua sắm chung các sản phẩm quốc phòng, trong đó có 2 dự án là nhằm cải thiện năng lực phòng thủ tên lửa và không quân chung của châu Âu.
V.T (theo QĐND)
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
- Bạc Liêu tham gia nhiều hoạt động tại Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL
- Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12)
- Tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa vi phạm
- Hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác biên phòng năm 2024