Quốc tế

Thế cờ hai mặt của Mỹ trong tranh chấp Nhật-Trung

Thứ Tư, 03/10/2012 | 15:33

Liên tiếp tuyên bố rằng sẽ giữ lập trường trung lập, không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ hiện nay ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tuy nhiên, vào lúc quan hệ Nhật-Trung đang vô cùng căng thẳng xoay quanh vấn đề quần đảo Xen-ca-cư/Điếu Ngư, thì Mỹ lại cho một lực lượng quân sự hùng mạnh hiện diện gần khu vực này...

Tờ Thời đại đăng tin ngày 30-9 cho biết, hai tàu sân bay Mỹ USS John C. Stennis và USS George Washington đã hiện diện ở vùng Tây Thái Bình Dương, khá gần quần đảo Xen-ca-cư/Điếu Ngư. Nguồn tin từ các quan chức hải quân Mỹ cũng xác nhận, đội hình của tàu USS George Washington hoạt động trên biển Hoa Đông gần quần đảo tranh chấp. Trong khi đó, đội hình của tàu USS John C. Stennis hoạt động xa hơn, trong khu vực Biển Đông. Mỗi tàu sân bay chở hơn 80 máy bay, được hộ tống bằng các tàu khu trục, tàu ngầm, tàu tiếp tế, tàu tuần dương trang bị tên lửa hành trình. Thêm vào đó, khoảng 2000 lính thủy đánh bộ, được trang bị các thiết vận xa lội nước, quân xa hạng nhẹ, pháo, trực thăng và máy bay chiến đấu Harrier, từ tàu USS Bohhomme Richard và hai tàu hộ tống, đã có mặt tại khu vực Biển Đông, gần Phi-líp-pin. Được biết, các lực lượng quân sự này vừa mới kết thúc đợt tập trận ở gần Đảo Guam, trong đó có tập trận bắn đạn thật, phóng tên lửa và luyện tập đổ bộ giữa lính thủy đánh bộ Mỹ và binh sĩ Nhật Bản.

Hai tàu sân bay của Mỹ tại một cuộc tập trận trên biển gần Đảo Guam đầu tháng 9 vừa qua. Ảnh: nation.time.com

Theo người phát ngôn Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, động thái tập trận và triển khai các đội hình tấn công tàu sân bay không nhất thiết liên quan đến căng thẳng tranh chấp ở quần đảo Xen-ca-cư/Điếu Ngư, mà chỉ là một phần trong cam kết của Mỹ bảo đảm hòa bình, ổn định đối với khu vực. Tuy nhiên, các nhà phân tích Trung Quốc vẫn cho rằng, sự việc không chỉ đơn giản có vậy. Theo giới quan sát, dù Chính quyền Mỹ đã nhiều lần tuyên bố rằng: Oa-sinh-tơn sẽ không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo. Nhưng việc các tàu sân bay và lực lượng đặc nhiệm lính thủy đánh bộ Mỹ, vốn hoạt động độc lập, có mặt cùng lúc gần một khu vực nhỏ ở Thái Bình Dương, là dấu hiệu bất thường. Trước đó, hồi tháng 5, một trong những chiếc tàu ngầm hạt nhân tàng hình tối tân nhất của Mỹ cũng xuất hiện ở khu vực này.

Theo các nhà phân tích, những hành động như vậy của Oa-sinh-tơn có thể coi là động thái cảnh báo Trung Quốc không nên leo thang xung đột ở quần đảo Xen-ca-cư/Điếu Ngư, cũng như sẵn sàng cho khả năng xảy ra xung đột Trung – Nhật tại quần đảo này. Ông Xu Liping, một chuyên gia nghiên cứu về châu Á-Thái Bình Dương của Học viện Nghiên cứu Xã hội Trung Quốc đã nói trên tờ Trung Hoa Nhật Báo rằng, chuyến thăm của các tàu Mỹ cho thấy mối đe dọa chiến lược đối với Trung Quốc chứ không đơn thuần chỉ là một chiến thuật cụ thể. Theo ông Xu, "những điều Mỹ đang làm quan trọng hơn những điều Mỹ nói. Trung Quốc nên cảnh giác về vấn đề này”.

Trong khi đó, ông Yang Baoyun, một giáo sư nghiên cứu về châu Á ở Trường Đại học Bắc Kinh, tin rằng, chuyến thăm của tàu Mỹ đến Biển Đông có thể không chỉ liên quan đến căng thẳng giữa Trung Quốc và quốc gia khác hiện nay mà còn là một bước trong chiến lược “quay trở lại châu Á” của Oa-sinh-tơn. "Nếu không có chuyện tranh chấp lãnh thổ trên biển giữa Trung Quốc và Nhật Bản thì Mỹ sẽ vẫn tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Vụ việc ở đảo Điếu Ngư chỉ khiến Oa-sinh-tơn đẩy nhanh tốc độ quay trở lại khu vực này", ông Yang nói thêm.

Cũng chung nhận định với ông Yang, Tổng biên tập Tạp chí Bản tin quốc phòng Mát-xcơ-va, ông Va-xi-li Ca-sin (Vasily Kashin), cho biết, trước khi tàu sân bay USS John C. Stennis tới Đảo Guam, Mỹ đã duy trì trong khu vực một lực lượng bao gồm tàu sân bay George Washington, lực lượng Thủy quân lục chiến ở Ô-ki-na-oa và quân đội ở Hàn Quốc. Nghĩa là ở ngay sát những quần đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Mỹ có các lực lượng khá lớn, trong đó có khoảng 36.000 nhân viên quân sự thuộc các quân chủng. Ngoài ra, Mỹ còn có một cụm tàu sân bay tiến công, mà trong trường hợp xung đột, có khả năng trong vài giờ là hiện diện tại khu vực chiến sự và tham chiến.

Tuy nhiên, ông Va-xi-li Ca-sin cũng cho rằng, trong quan hệ căng thẳng Nhật-Trung, Mỹ muốn giữ thế cân bằng. Nghĩa là, một mặt Oa-sinh-tơn không muốn tạo căng thẳng quá mức với Trung Quốc bởi mối quan ngại về ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc đối với nền kinh tế Mỹ; mặt khác nước này lại có sự ràng buộc về Hiệp ước An ninh với Nhật Bản trong trường hợp xung đột Nhật –Trung nổ ra. Nhìn ở một khía cạnh khác, với việc tuyên bố không đứng ra làm trung gian hòa giải đối với vấn đề Nhật-Trung, có vẻ như Oa-sinh-tơn đang sử dụng nước cờ hai mặt, không để sự việc Nhật-Trung quá chìm xuống, cũng không để tranh chấp này quá căng thẳng. Nước cờ như vậy có thể tạo thuận lợi cho chiến lược tăng tầm ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương thông qua sứ mệnh bảo vệ hòa bình, mà lại không quá ảnh hưởng tới kinh tế Mỹ.

Nguồn: QĐNDOL

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.