Quốc tế
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp các tổ chức kinh tế tiêu biểu Mông Cổ
Chiều 1-10, tại Thủ đô Ulaanbaatar, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp các tổ chức kinh tế tiêu biểu Mông Cổ. Sự kiện do Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao Mông Cổ, Phòng Thương mại và Công nghiệp quốc gia Mông Cổ, Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ và các cơ quan hữu quan của hai nước tổ chức.
Tham dự sự kiện, về phía Việt Nam có các đồng chí: Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; lãnh đạo một số bộ, ngành của Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ.
Về phía Mông Cổ có: Phó thủ tướng Dorjkhand Togmid; Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Munkhtushig Lhanaajav; Giám đốc điều hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Duuren Tumenjargal; Đại sứ Mông Cổ tại Việt Nam; đại diện của Tổ chức “Sáng kiến cách mạng thực phẩm” và lãnh đạo 10 doanh nghiệp tiêu biểu của Mông Cổ trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu (thực phẩm, đồ uống, sản phẩm gia dụng, hàng tiêu dùng), năng lượng, khoáng sản, vận tải, logistics, du lịch, giáo dục, lao động, nông nghiệp, ngân hàng...
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu. Ảnh: TTXVN
Đặc biệt, hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước có tiến triển mới, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 120 triệu USD năm 2023 và còn nhiều dư địa phát triển. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá cao việc gần đây hai bên tổ chức nhiều hoạt động trao đổi hợp tác giữa các cơ quan kinh tế và doanh nghiệp hai nước, qua đó góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước phát triển tương xứng với tiềm năng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ trong thời gian tới, Việt Nam tập trung phát huy nội lực, chủ động hội nhập quốc tế hướng vào chuyển đổi kinh tế số, tăng trưởng xanh, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để hội nhập sâu rộng, tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, các dự án quan trọng, có tính lan tỏa nhanh vào nền kinh tế để giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh… đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ của nền kinh tế, tiếp tục cải thiện, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp.
Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong khi Mông Cổ đang tập trung triển khai “Chính sách phục hồi mới” và các mục tiêu chiến lược “Tầm nhìn 2050”, góp phần nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Mông Cổ. Điều đó cho thấy sự tương đồng về mục tiêu, lợi ích hợp tác giữa hai nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp các tổ chức kinh tế tiêu biểu Mông Cổ. Ảnh: TTXVN
Phát biểu tại buổi tiếp, Phó thủ tướng Mông Cổ Dorjkhand Togmid bày tỏ vui mừng về kết quả hợp tác giữa hai nước, nhất là các định hướng hợp tác trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Mông Cổ. Phó thủ tướng nhấn mạnh sự kiện là dịp quý báu để các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp tiêu biểu của Mông Cổ chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng đến Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, từ đó tìm ra các cơ hội tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư với Việt Nam.
Tại buổi tiếp, đại diện các tổ chức kinh tế của Mông Cổ đã có những trao đổi, chia sẻ và đề xuất quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Mông Cổ; mở rộng hợp tác thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực; tích cực trao đổi, chia sẻ thông tin về chính sách, tiềm năng phát triển của mỗi nước, các cơ hội và thách thức đang đặt ra cho hai nước trong quá trình hợp tác, đầu tư... Tại buổi tiếp, các cơ quan phía Việt Nam đã ghi nhận, tiếp thu ý kiến và trả lời một số đề xuất của các doanh nghiệp.
Lắng nghe những thông tin giới thiệu về hoạt động sản xuất kinh doanh cùng với những đề xuất thúc đẩy tăng cường hợp tác với Việt Nam của các tổ chức kinh tế Mông Cổ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định Nhà nước, Chính phủ Việt Nam luôn chào đón và hoan nghênh các doanh nghiệp Mông Cổ mở rộng hợp tác với Việt Nam. Các bộ, ngành phía Việt Nam luôn đồng hành, sẵn sàng chia sẻ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Mông Cổ kinh doanh có hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của hai nước. Thành công của các doanh nghiệp Mông Cổ cũng chính là thành công của Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị các cơ quan chức năng của hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường đối với các sản phẩm nông nghiệp, nhất là chăn nuôi gia súc, khoáng sản, xây dựng công trình, hợp tác logistics, chuyển đổi số, năng lượng xanh, năng lượng sạch.
M.T (theo QĐND)
- Bạc Liêu đoạt 20 huy chương tại Giải vô địch cử tạ thanh thiếu niên quốc gia năm 2025
- Sở Nông nghiệp và Môi trường Bạc Liêu: Trao đổi thông tin hợp tác với Trường đại học Cần Thơ về các lĩnh vực bảo vệ môi trường, sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản
- Bộ Công an bàn giao 42 tỷ đồng kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát cho tỉnh Bạc Liêu
- Tổ chức các hoạt động mừng Tết Chôl-chnăm-thmây năm 2025
- TP. Bạc Liêu: Hơn 140 giáo viên được công nhận giáo viên giỏi năm học 2024 - 2025