Quốc tế
Việt Nam tiếp tục là điểm sáng với giới đầu tư
Trong bối cảnh lạm phát và lãi suất tăng cao đang hạ thấp triển vọng phát triển kinh tế toàn cầu, Việt Nam dường như đi ngược xu thế đó, trở thành một trong số ít “miền đất hứa” đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Mới đây, tờ Bangkok Post (Thái Lan) có bài phân tích về kinh tế Việt Nam, trong đó đánh giá Việt Nam là một thị trường mới nổi, nằm trong số các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh hàng đầu trên phạm vi toàn cầu.
Một lợi thế nữa của quốc gia Đông Nam Á này là không phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao và lãi suất tăng - những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới một cuộc suy thoái kinh tế mới - như nhiều nước phát triển đang phải đối mặt. “Chính sách tiền tệ của Việt Nam tương đối hợp lý”, bài viết nhận định.
Việt Nam tiếp tục ghi nhận tăng trưởng kinh tế tích cực. Ảnh: Asian Investor
Dẫn dữ liệu từ Công ty đầu tư One Asset Management (ONEAM) của Thái Lan, Bangkok Post liệt kê một loạt yếu tố góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, bao gồm: Nền kinh tế tiếp tục phát triển bất chấp những tác động dai dẳng của đại dịch COVID-19, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng, các chính sách cải cách đất đai phát huy hiệu quả, thị trường chứng khoán có nhiều cải thiện tích cực.
Theo ONEAM, sự phục hồi trong tiêu dùng và khu vực dịch vụ sau khi Việt Nam mở cửa trở lại đã góp phần đưa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 2/2022 tăng 7,72% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất trong tốc độ tăng của quý 2 các năm thuộc giai đoạn 2011 - 2021, đồng thời cao hơn đáng kể mức 5% của quý trước đó. GDP 6 tháng của Việt Nam cũng tăng 6,42%, minh chứng cho bức tranh kinh tế khởi sắc rõ nét. Ngoài ra, ONEAM tin tưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 có thể tăng 6,1 - 6,5%.
Đồng quan điểm trên, chuyên trang Asian Investor của hãng truyền thông Haymarket Media Group có trụ sở tại London (Anh) cũng nêu rõ Việt Nam trở thành “thỏi nam châm” đối với các nhà đầu tư nước ngoài còn nhờ lực lượng lao động trẻ thành thạo tiếng Anh và có kỹ năng, cũng như doanh nghiệp ở Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo nên sân chơi bình đẳng và dễ tiếp cận.
Khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng vì đại dịch, Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm vì có tiềm năng phát triển hơn nữa để trở thành trung tâm thương mại và sản xuất toàn cầu. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đang thực hiện chính sách đa dạng hóa và quản lý chuỗi cung ứng, từng bước chuyển nhiều hoạt động sang các thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Mặt khác, Asian Investor khẳng định chính sách giảm thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như không hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong một số lĩnh vực nhất định được Chính phủ Việt Nam thực hiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư mạo hiểm đến đất nước hình chữ S.
Trích báo cáo từ Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam, Asian Investor cho biết các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã huy động được 1,4 tỷ USD thông qua 165 thương vụ trong năm 2021, tăng so với con số 894 triệu USD và 126 thương vụ của năm 2019, sau đợt sụt giảm nhỏ do COVID-19 vào năm 2020.
“Việt Nam là một trong những đỉnh của “Tam giác vàng khởi nghiệp” tại Đông Nam Á, cùng với Singapore và Indonesia”, Asian Investor dẫn đánh giá của chuyên gia Vinnie Lauria, nhà đồng sáng lập Quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures (Singapore).
H.L.K (theo QĐND)
- Khai mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng - an ninh học sinh THPT
- Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Công nghiệp công nghệ số
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong