Thanh thiếu niên
Đào tạo nghề cho thanh niên xuất ngũ
Việc đào tạo nghề miễn phí cho thanh niên (TN) xuất ngũ có ý nghĩa chính trị xã hội lớn lao, thể hiện sự tri ân của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với các công dân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự (NVQS) với Tổ quốc trở về địa phương. Tại Bạc Liêu, công tác này được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm. Hằng năm, với sự phối hợp của nhiều sở, ngành, địa phương đã thường xuyên kiểm tra, rà soát nhu cầu về đào tạo nghề để TN xuất ngũ được chăm lo, hỗ trợ kịp thời.
Thanh niên xuất ngũ trở về địa phương được hỗ trợ học nghề miễn phí (ảnh minh họa).
Dành nhiều ưu ái
Những năm qua, công tác tư vấn, hỗ trợ đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho TN hoàn thành NVQS trở về địa phương được tỉnh dành nhiều ưu ái. Hằng năm, dựa trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH sẽ làm cơ quan chủ trì phối hợp với Tỉnh đội, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát nhu cầu về đào tạo nghề cho đối tượng này. Đặc biệt, khi Kế hoạch thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho TN hoàn thành NVQS, công an, TN tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu năm 2022 và những năm tiếp theo được triển khai, càng tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh nhà làm tốt công tác chăm lo, đảm bảo nghề nghiệp, cuộc sống ổn định cho TN xuất ngũ.
Theo quy định, mỗi TN hoàn thành NVQS sau khi trở về địa phương được hỗ trợ 1 thẻ học nghề. Thẻ có thời hạn 12 tháng với trị giá hơn 17 triệu đồng, nếu không đi học trong thời hạn này thì coi như thẻ mất giá trị. Hiện nay có 8 nghề được đào tạo gồm: Lái xe ô tô hạng B2, Lái xe ô tô hạng C, Sửa xe gắn máy, Kỹ thuật tiện, Kỹ thuật gò hàn, Xây dựng dân dụng, Sửa chữa điện lạnh và Điện dân dụng. Với thời hạn ngắn nên không thể đào tạo chuyên sâu, nhưng đây là những lớp cơ bản nhất để TN hoàn thành NVQS có một tay nghề nhất định, có thể hỗ trợ gia đình, tạo việc làm cho bản thân. Theo thống kê, đa số TN sau khi hoàn thành NVQS trở về được học tập, đào tạo nghề đều có việc làm, sinh kế ổn định, cuộc sống ngày càng phát triển; không ít TN đã vươn lên làm chủ cơ sở, chủ doanh nghiệp.
Được biết, trong năm 2023 toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 264 TN hoàn thành NVQS trở về địa phương. Trong đó, học Lái xe ô tô hạng B2 là 185 người, Lái xe ô tô hạng C 48 người, Sửa xe gắn máy 12 người, Sửa chữa điện lạnh 19 người với tổng kinh phí hơn 4,5 tỷ đồng.
Đào tạo nghề Kỹ thuật tiện cho thanh niên tại Trường cao đẳng Nghề Bạc Liêu. Ảnh: H.T
Cần phát huy tính chủ động của TN
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì cũng cần nhìn nhận lại những khó khăn đối với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nhóm TN này. Thứ nhất, đa số TN xuất ngũ về không xác định được mình sẽ học ngành nghề gì. Ông Đinh Xuân Phượng - Phó Giám đốc Sở LB-TB&XH, dẫn chứng: “Ví dụ như TN xã Vĩnh Hậu không chịu học nghề nuôi tôm, TN TP. Bạc Liêu thì không chịu học kinh doanh, như vậy rất là khó. Song đa số khi được phỏng vấn nhu cầu về đào tạo nghề, TN không định hướng được ngành nghề cần theo học, họ không biết bản thân mong muốn điều gì. Sau đó điều tra viên phải tư vấn để định hướng, nhưng phải dựa trên cơ sở ý thích, mong muốn của TN. Do vậy việc đăng ký học nghề cho TN xuất ngũ khá khó khăn, vì muốn tổ chức một lớp nghề phải có ít nhất 15 học viên trở lên. Trong khi đó, khảo sát nhu cầu có 5 TN muốn học ngành này, 10 TN muốn học ngành kia, 3 người đăng ký ở ngành nghề khác… thì không thể tổ chức thành một lớp được. Đây là khó khăn lớn nhất hiện nay”.
Thứ hai, nhiều TN sau khi được đào tạo nghề không xin được việc làm. Bởi lẽ, với việc học nghề chỉ trong mấy tháng ngắn ngủi, họ chưa thực hành được nhiều, chưa thành thạo các kỹ năng để làm công ăn lương hoặc tự khởi nghiệp. Thứ ba, việc đào tạo hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn bởi cơ sở vật chất đào tạo nghèo nàn, không đáp ứng nhu cầu. Hiện tỉnh chỉ có 1 trường cao đẳng nghề, nhưng máy móc, trang thiết bị để học viên học tập ở trường chưa hiện đại so với yêu cầu hiện nay. Đa số là cũ kỹ, lạc hậu, chưa được đầu tư, thậm chí còn phải học chay… Điều này khiến học viên không thể nắm bắt hết kiến thức, kỹ năng trong khi thời gian đào tạo có hạn. Thêm nữa là một số TN mong muốn được học tập ở các trường của các địa phương khác, nhưng hiện nay chúng ta chưa có cơ chế để chuyển kinh phí này cho các cơ sở đào tạo ngoài địa phương. Đây là hạn chế lớn nên TN của tỉnh chỉ học tập ở các cơ sở đã được hợp đồng với tỉnh trên địa bàn.
Để định hướng nghề, giải quyết tốt việc làm cho nhóm TN này, thời gian tới Sở LĐ-TB&XH sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục tuyên truyền và thực hiện các chính sách tư vấn, tổ chức các hội nghị, sàn giao dịch, các phiên giới thiệu việc làm… để TN hăng hái tham gia hơn.
Tuy nhiên, TN cũng cần phát huy tính chủ động, đặc biệt là đối với TN hoàn thành NVQS. Bởi, hiện nay thị trường xuất khẩu lao động đang dồi dào tiềm năng, nhưng TN chưa mạnh dạn tham gia thị trường này. Ông Phượng nhấn mạnh: “Đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng không phải chỉ mang tiền về cho gia đình, mà chúng ta phải mang cả trí tuệ, tri thức về quê hương. Phải đặt quyết tâm khi đi làm thợ, khi về làm thầy. Đây là một điều rất tốt và tôi nghĩ rằng tất cả TN khi hoàn thành NVQS với bản lĩnh người lính, với quyết tâm cao, ý chí vươn lên thì tại sao không mạnh dạn tham gia, tìm kiếm cơ hội ở thị trường làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Mỗi TN cần suy ngẫm, thay đổi về suy nghĩ, nhận thức và hành động, phải góp phần thiết thực vào khát vọng vươn lên xây dựng quê hương Bạc Liêu ngày càng giàu đẹp, văn minh”.
Kim Trúc
8 nghề được đào tạo gồm: Lái xe ô tô hạng B2 (học 10 tuần, hỗ trợ 17,8 triệu đồng/khóa học); Lái xe ô tô hạng C (học 16 tuần, hỗ trợ 17,8 triệu đồng); Sửa xe gắn máy (học 12 tuần, hỗ trợ 12,3 triệu đồng); Kỹ thuật tiện (học 12 tuần, hỗ trợ 12 triệu đồng); Kỹ thuật gò hàn (12 tuần, hỗ trợ 12 triệu đồng); Xây dựng dân dụng (học 12 tuần, hỗ trợ 12 triệu đồng); Sửa chữa điện lạnh (học 12 tuần, hỗ trợ 12,2 triệu đồng); Điện dân dụng (học 12 tuần, hỗ trợ 11,8 triệu đồng).
- Giả danh nhân viên ngành Điện gọi điện cho khách hàng để lừa đảo
- Vật tư thiết bị lưới điện bị mất cắp gây thiệt hại hơn 163 triệu đồng
- Hơn 350 trường hợp nhà ở, công trình vi phạm an toàn lưới điện
- UBND tỉnh định hướng sắp xếp cơ quan chuyên môn cấp huyện
- Liên hoan Tiếng hát học sinh - sinh viên tỉnh Bạc Liêu lần thứ I