Thanh thiếu niên

Đau đầu vì trẻ... cày game khuya

Thứ Tư, 26/06/2024 | 14:58

Với hình ảnh sống động, nội dung đa dạng và liên tục cải tiến, game online (trò chơi trực tuyến) luôn thu hút nhiều người chơi, đặc biệt là trẻ em. Hè về chính là thời điểm trẻ dễ sa đà vào game online dẫn đến nghiện, khó từ bỏ vì thiếu sự quan tâm, định hướng từ phụ huynh.

Trẻ cày game khuya ở một tiệm Net tại TP. Bạc Liêu. Ảnh: Đ.K.C

Cật lực cày game khuya

Cuộc sống gia đình khó khăn, vợ chồng anh P.H.N (Phường 5, TP. Bạc Liêu) vừa đi chở tôm giống thuê, vừa phụ quán ăn để lo cho cha mẹ già và 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Rời nhà từ sáng sớm đến tối muộn mới trở về, nhiều hôm mệt quá, về đến nhà là vợ chồng lăn ra ngủ không có thời gian nhiều để quan tâm đến con cái. Bởi vậy, việc trông chừng các con, anh chị “khoán trắng” cho ông bà nội. Thời điểm trong năm học còn đỡ vì 2 bé nhỏ đều gửi bán trú, chỉ có bé lớn phải đưa rước, nhưng hè về là vợ chồng anh đau đầu vì khó quản các con, đặc biệt là đứa con trai lớn chuẩn bị vào lớp 9.

Có bữa, anh P.H.N về sớm không thấy con đâu, tất tả đi tìm thì phát hiện con đã ngồi hàng giờ ngoài tiệm game. Ngăn được ngoài tiệm, thì về nhà canh lúc cả nhà ngủ, con trai anh lại vùi đầu vào trò chơi trực tuyến. “Tịch thu điện thoại thì nó vùng vằng, thậm chí bỏ ăn, rồi nhân lúc chúng tôi đi làm nó lại bỏ ra tiệm Net. Nhiều lúc nghĩ môi trường ngoài đó còn phức tạp hơn, nên vợ chồng tôi đôi khi cũng “mắt nhắm mắt mở” cho con chơi trên điện thoại. Chỉ mong cho mau hết mùa hè”, anh P.H.N than thở.

Rảo quanh một số tiệm game trên địa bàn TP. Bạc Liêu, dễ dàng bắt gặp nhiều em nhỏ đang trong độ tuổi học sinh ngồi cả ngày (thậm chí đến tận khuya) để “cày” game online. Đây là môi trường dễ khiến các em bộc lộ cá tính, dễ tiêm nhiễm thói hư tật xấu như nói tục, chửi thề… khi nhập vai vào các nhân vật ảo trong game. Có em được gia đình đến tìm về, cũng có những em ngồi tận khuya đến khi tiệm game đóng cửa mới chịu rời đi. Mùa hè là thời điểm trẻ đến tiệm game tăng đột biến. Không chỉ cày cật lực ở tiệm, đến khuya về đến nhà nếu mượn được điện thoại thông minh của người thân, trẻ lại tiếp tục “lao mình vào cuộc chiến”.

Trên thực tế, bên cạnh một số game trí tuệ, giúp trẻ phát triển trí nào, kỹ năng thì vẫn còn nhiều loại game mang tính bạo lực, kích động bạo lực, không phù hợp với lứa tuổi nhỏ. Đáng sợ hơn là nhiều game còn cung cấp vũ khí như súng, dao, kiếm rồi khuyến khích người chơi giết càng nhiều người trong game càng tốt…

Trò chuyện cùng một “game thủ” tại một tiệm Net trên đường Võ Thị Sáu (TP. Bạc Liêu) khi xung quanh các máy đều kín người chơi (đa phần đều trong độ tuổi học sinh - sinh viên). “Game thủ” này cho biết: “Hè nghỉ học ở nhà rất chán, nên ban ngày khi cha mẹ đã đi làm, em tranh thủ làm nhanh bài tập học thêm rồi hẹn bạn ra tiệm Net gần nhà để chơi game. Tiền chơi là tiền cha mẹ cho để ăn sáng. Gần tới giờ cơm em sẽ chạy nhanh về để ăn cơm cùng bà. Buổi tối khi cha mẹ ở nhà, được “trả lại điện thoại” em sẽ tiếp tục cày game đến khuya cùng nhóm bạn trực tuyến”.

Tách trẻ ra khỏi những trò chơi vô bổ

Ngay khi mùa hè khởi động, tại nhà thiếu nhi, các tổ đội nhóm, câu lạc bộ thanh thiếu nhi trên toàn tỉnh đã đồng loạt triển khai nhiều hoạt động sôi nổi, bổ ích mùa hè như bơi lội, vẽ, đàn, nhảy hiện đại, võ thuật, học kỳ trong quân đội… để tập hợp, thu hút thanh thiếu nhi vào những hoạt động tích cực. Tuy nhiên, nhiều gia đình, phụ huynh không có điều kiện, thời gian đăng ký cho con tham gia, họ để con ở nhà tự học, tự chơi hoặc gửi con cho người thân trông coi, nên nhiều em nhỏ tìm đến game online là vì vậy.

Chị Đỗ Khánh Huyền (phường Láng Tròn, TX. Giá Rai) bày tỏ: “Hè về là giai đoạn tôi căng thẳng nhất vì không có chỗ để gửi con (do người thân ở xa), để con cho camera giám sát thì không an tâm vì ngày nào con cũng cắm mặt vào máy tính, điện thoại chơi game. Vợ chồng tôi đi làm suốt, không có thời gian nhiều để ở bên con, vì vậy tôi chọn cho con tham gia các lớp năng khiếu để “cai” game cho con trong mùa hè. Ban đầu chưa quen, con còn bỡ ngỡ, nhưng khi thích nghi con hào hứng hẳn ra và không còn thiết tha với những trò game bạo lực vô bổ nữa”.

Theo các chuyên gia tâm lý, hè về trẻ có nhiều thời gian nhàn rỗi nên rất dễ sa đà và nghiện game online. Một khi đã nghiện, ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe vì thức quá khuya (dán mắt nhiều giờ liền vào máy tính, điện thoại), còn dễ dẫn đến hành vi mất kiểm soát, dễ cáu bẳn, thiếu kiềm chế bản thân và dần dà dễ dẫn đến nguy cơ rối loạn hành vi, hoặc trầm cảm. Đáng quan ngại hơn, nếu trẻ nghiện game khi nhập vai quá mức có thể dẫn đến chứng ảo tưởng, đa nhân cách, sống ảo theo nhân vật trong game. Không chỉ vậy, việc để trẻ tiếp xúc lâu ngày với các game độc hại còn có thể khiến trẻ có những hành vi lệch chuẩn với xã hội, dễ dẫn đến những hành vi phạm pháp mà trẻ chưa nhận thức đầy đủ. Đó là còn chưa kể, trẻ bị ám ảnh tâm trí, bị kích thích dẫn đến tách biệt với xã hội, giao tiếp kém, lệch lạc nhân cách, sống trong thế giới ảo…

Thế nên, dù bận rộn cách mấy, mải mê mưu sinh đến cỡ nào thì phụ huynh cũng nên dành thời gian để quan tâm, thấu hiểu, sẻ chia cùng con, đặc biệt là khi hè về. Một đứa trẻ được yêu thương, quan tâm đúng cách sẽ luôn biết “tự đề kháng” với mọi thói hư tật xấu.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.