Thanh thiếu niên

Đồng hành, chứ đừng sống thay con!

Thứ Tư, 17/07/2024 | 15:12

Yêu thương, mong muốn mang những điều tốt đẹp nhất thế gian đến cho con mình là điều mà bậc làm cha mẹ nào cũng muốn. Nhưng ranh giới mong manh giữa yêu chìu và “sống thay” dễ khiến nhiều người lầm tưởng, để rồi phải hối hận không kịp khi đã tạo ra những “sản phẩm lỗi” chỉ quen sống ỷ lại vào cha mẹ mình.

Những chú “gà công nghiệp”

Là con một trong gia đình có điều kiện khá giả, được ông bà cha mẹ nuông chìu, tới bữa phải nhắc ăn cơm uống sữa… nên năm nay đã vào cấp 3, nhưng T.H.T (TP. Bạc Liêu) vẫn chưa biết rửa chén, giặt giũ quần áo cá nhân. Việc đến trường, tham gia các lớp học thêm đều do cha mẹ sắp xếp đưa đón. Tan học về đến nhà, T.H.T lại chạy tót vào phòng, cắm mặt vào điện thoại hoặc những quyển truyện tranh. Tới bữa ăn, phải đến khi bà nội vào gọi H.T mới chịu ngồi vào bàn. Ăn xong cũng chẳng biết phụ dọn dẹp, lại vội vàng vào phòng làm việc riêng. Quần áo, đồ dùng cá nhân thì vứt bừa bộn để mẹ phải dọn dẹp.

Dù công việc cơ quan bận tối mắt tối mũi, về đến nhà lại phải luôn chân luôn tay chăm con (vì không yên tâm để người khác chăm sóc), mẹ T.H.T lại tự bao biện, trấn an bản thân: “Vợ chồng mình khó khăn lắm mới có được mụn con, mai mốt con lớn lại xa vòng tay mình, nên phải tranh thủ tối đa thời gian con còn sống cùng để chăm sóc. Yêu thương, nuông chìu con một chút thì mất mát gì!”. Nhưng tai hại thay, giờ T.H.T chẳng biết làm gì, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ…

Người viết đã chứng kiến không ít những đứa trẻ từ năm này qua năm khác không chịu lớn lên. Có em chuẩn bị vào lớp 12 vẫn được gia đình bao bọc, nuông chìu hết mực. Mẹ các em vẫn phải thức sớm, tự tay nấu những bữa ăn sáng cho con, chiều tan học mẹ cha lại mỏi mòn đợi ở cổng trường để chờ rước về. Kể cả khi con đi chơi với bạn bè, liên hoan, họp lớp, cha mẹ cũng kè kè theo đưa đón. Những đứa trẻ ấy dường như không có không gian riêng để “thở”, để hòa nhập và tự lập.

Nhìn những đứa trẻ ấy, người viết lại nhớ về một cô bạn hồi đại học. Giờ đây bạn bè cùng khóa đều đã có gia đình, con cái sắp vào cấp 2 nhưng cô bạn ấy (dù đã có công việc ổn định) vẫn sống cùng cha mẹ, không chịu lập gia đình. Hồi đi học, cô bạn ấy bị bạn bè trêu ghẹo là “yếu như sên” vì cầm không nổi cây súng trường lúc học quân sự. Từ bé, bạn ấy không phải động tay vào bất cứ việc gì, từ chuyện ăn uống, sinh hoạt cá nhân đến học tập, chọn trường, chọn ngành đều do cha mẹ can thiệp, sắp xếp. Chỗ làm hiện tại cũng do cha bạn ấy sắp đặt, chính vì vậy dù có nhiều người theo đuổi nhưng cô ấy vẫn chọn sống độc thân bên cha mẹ vì không dám bước ra “vùng an toàn”.

Hãy để trẻ thỏa sức làm những điều mình thích. Ảnh minh họa: Đ.K.C

Nếu yêu thương hãy chọn đồng hành

Thẳng thắn mà nhìn nhận, những kiểu nuôi con kể trên chính là “mô-típ” quen thuộc của nhiều phụ huynh. Hậu quả là có quá nhiều đứa trẻ chỉ lớn lên về mặt thể xác, chứ không trưởng thành về tinh thần. Nhiều cha mẹ cứ vin vào cái cớ là yêu thương, quan tâm con để rồi tước đoạt của con quyền được tự chọn lựa, tự quyết định cuộc đời mình. Để rồi những đứa trẻ ấy sống với cuộc sống không có mục đích, ước mơ, hoài bão; thậm chí nhiều em còn “lười” trong việc đưa ra lựa chọn, vì biết rằng mình có chọn cha mẹ cũng không bằng lòng!

Có 2 người con đang học năm ba và năm nhất đại học ở TP. Hồ Chí Minh, chị Huỳnh Ngọc Trân (huyện Hòa Bình) trải lòng: “Từ khi vào cấp 2, các con đã xin vợ chồng tôi không tặng quà cáp cho thầy cô vào những dịp lễ, tết để lấy lòng, mà để các con tự thân phấn đấu. Các con cũng bày tỏ mong muốn được tự do chọn môn học yêu thích để đầu tư, tự chọn thi chuyển cấp vào trường mà các con đủ khả năng. Chúng tôi đều nghiêm túc thực hiện. Đến khi các con nộp hồ sơ xét tuyển đại học, chúng cũng xin được tự chọn ngành học, trường dự thi và sẽ tự chịu trách nhiệm với chọn lựa của mình. Chúng tôi cũng tán thành. Giờ các con đang học rất tốt và dự định sau khi ra trường sẽ ở lại TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp. Những đứa trẻ ngày nào giờ đây đã trưởng thành, cứng cáp và điều ấy càng chứng minh rằng việc chọn “đồng hành” cùng con chứ không “sống thay” con là quyết định đúng đắn của vợ chồng tôi”.

Cha mẹ cũng mong muốn được nuôi dưỡng con mình trong điều kiện tốt nhất, nhưng đừng lấy đó làm cái cớ để “sống thay” cuộc đời con. Hãy mạnh dạn buông tay, để những đứa trẻ được va chạm, tiếp xúc, được quyết định cuộc đời của chính mình. Để con thoát ra “vùng an toàn”, va vấp với khó khăn chính là cách hay giúp con tạo ra “hệ miễn dịch” để bảo vệ cuộc đời mình. Thế nên, thay vì biến con thành những “chiếc bóng” phản chiếu sự kỳ vọng của cha mẹ, thì hãy chọn đồng hành để cùng con vẽ nên những bức tranh cuộc đời rực rỡ theo cách của riêng mình.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.