Thanh thiếu niên
Giáo dục truyền thống lịch sử cho thanh thiếu niên: “Lá chắn thép” ngăn phơi nhiễm thông tin xấu, độc
>> Bài 1: Đa dạng cách làm hay
Bài 2: Những khoảng trống cần được lấp đầy
Dù đã sẵn tâm thế để nhập cuộc với những thay đổi của thời đại số, nhưng có một thực tế đang tồn tại đó là công tác giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho TTN vẫn còn “lỗi nhịp” và bộc lộ nhiều khoảng trống nguy hiểm. Điều này đòi hỏi tổ chức Đoàn các cấp, các cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh phải nhìn thẳng vào sự thật, nhanh chóng bóc tách nguyên nhân, từ đó tính toán đến các giải pháp dài hơi để tháo gỡ những rào cản.
Chú Trần Hữu Hạnh (nguyên Thị đội trưởng Thị đội Bạc Liêu) kể về sự kiện giành chính quyền về tay Nhân dân (vào ngày 23/8/1945 và 30/4/1975).
Nặng hình thức, thiếu sức hút
Trong chuyến công tác về Khu căn cứ Tỉnh ủy Cái Chanh (ấp Cây Cui, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân), chúng tôi tình cờ gặp một đoàn học sinh THCS đang tham quan tại đây. Tranh thủ làm cuộc kiểm tra nhanh xoay quanh những hiểu biết của các em với di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt này, cũng như điểm qua những di tích lịch sử, địa danh gắn liền với quê hương Hồng Dân thì nhiều em lắc đầu không biết. Qua quan sát, bên cạnh số đông học sinh chăm chú tìm hiểu, lắng nghe thuyết minh viên giới thiệu về lịch sử hình thành, gìn giữ khu căn cứ… thì nhiều em không mấy chú tâm, thậm chí còn bị giáo viên chủ nhiệm, Tổng phụ trách đội nhắc nhở vì nói chuyện riêng gây ảnh hưởng.
Biết rằng các em đáng trách nhưng cũng bởi các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng địa phương đều có chung một mô-típ: tập kết đến điểm về nguồn - tham quan, tìm hiểu - chụp ảnh lưu niệm - làm vệ sinh, dọn dẹp khuôn viên di tích hoặc tham gia các trò chơi dân gian… đã dần dà khiến học sinh, TTN nhàm chán, mất hứng thú. Nhìn vào những báo cáo “đẹp như mơ” của tổ chức Đoàn các cấp, cơ sở giáo dục khi có 100% đoàn trường, liên đội tổ chức các hoạt động về nguồn, hành trình về “địa chỉ đỏ”… kết hợp giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho học sinh, TTN nhưng con số thực chất và hiệu quả đạt được ra sao thì vẫn là dấu hỏi lớn!
Ở nhiều địa phương, đơn vị công tác giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng địa phương còn nằm trong các bộ tiêu chí thi đua, là điều kiện cần để quyết định thành tích nên khó tránh khỏi việc tổ chức còn mang tính phong trào, nặng về hình thức theo kiểu đối phó. Đó là còn chưa kể việc giới hạn số lượng học sinh, TTN, hoặc chỉ chọn những cá nhân tiêu biểu, có thành tích cao cho mỗi hoạt động về nguồn, tham quan tại các “địa chỉ đỏ” cũng khiến cho công tác giáo dục truyền thống, lịch sử thiếu sự đồng đều, gây tâm lý phân biệt đối xử trong học sinh, TTN trong việc tiếp nhận hoạt động giáo dục. Không dừng lại ở đó, việc giảng dạy môn Lịch sử, Giáo dục địa phương trong các cơ sở giáo dục vẫn chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí chậm đổi mới so với xu hướng chung; giáo viên phụ trách vẫn còn đặt nặng việc truyền đạt lý thuyết, đẩy học sinh tiếp nhận kiến thức, dữ liệu theo kiểu xơ cứng… khiến cho những bài giảng mất đi sức hút và làm phai nhạt dần niềm đam mê lịch sử, truyền thống cách mạng trong thế hệ trẻ.
Với tổ chức Đoàn các cấp, dù đã phát động, vận động đoàn viên, TTN hưởng ứng nhiều cuộc thi tìm hiểu về truyền thống lịch sử, cách mạng, văn hóa… nhưng lại không chú trọng vào chất lượng, chiều sâu, sức thẩm thấu, lan tỏa từ các cuộc thi, mà chỉ thiên về số lượng dự thi, các giải đạt được... Điều này được minh chứng bởi hàng ngàn lượt đoàn viên, TTN tham gia song hầu như chỉ dừng lại ở việc “đọc” và “chép”, để rồi “những điều cần đọng lại” cũng tan biến nhanh theo đó. Đó là còn chưa kể hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng ở nhiều cơ sở, nhất là ở các trường học nông thôn, vùng sâu, vùng xa… chưa theo kịp sự phát triển chung của đất nước, tỉnh nhà, cũng như nhu cầu của TTN trong thời đại mới.
Chú Thích Quảng Thiệt - Trưởng ban di tích lịch sử chùa Vĩnh Đức giới thiệu lịch sử, các sự kiện quan trọng gắn liền với di tích lịch sử - cách mạng này. Ảnh: Đ.K.C
Khó khăn bủa vây
Nhìn vào những hạn chế, bất cập trong công tác giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho TTN thì tổ chức Đoàn các cấp không thể đứng ngoài cuộc khi chưa phát huy tốt vai trò trong công tác tham mưu, tập hợp, tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ. Các đơn vị chưa có phương pháp giáo dục thích hợp, chưa lôi cuốn được TTN trên tinh thần tự nguyện. Các em tham gia tìm hiểu, học tập, nghiên cứu về truyền thống cách mạng với tâm thế bị động, “trả nợ”, chủ yếu để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Cái khó lớn nhất mà tổ chức Đoàn, các cơ sở giáo dục phải đối diện chính là kinh phí hoạt động, nguồn quỹ để duy trì, nâng chất các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng còn hạn chế, gây khó cho việc mở rộng quy mô tổ chức, đa dạng hóa các hoạt động. Song song đó, công tác tuyên truyền, giáo dục chưa được đầu tư tốt về thời gian, điều kiện; sự phối hợp với các đơn vị hữu quan chưa kịp thời, sâu sát cũng như giữa nhà trường, gia đình với xã hội còn nặng hình thức, thiếu đồng bộ nên hiệu quả giáo dục chưa cao, còn mang tính phong trào, hình thức, chưa theo kịp sự phát triển chung.
Đó là còn chưa kể trình độ, kỹ năng về công tác tư tưởng, giáo dục truyền thống của đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp còn yếu; cơ sở vật chất, tài liệu cho hoạt động quan trọng này lại thiếu khiến hoạt động khô cứng về hình thức, nghèo nàn về nội dung, thiếu sức cuốn hút TTN. Nhiều cơ sở Đoàn chưa sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có tại địa phương, chưa khơi dậy và phát huy được sức mạnh đồng bộ của các lực lượng xã hội trong quan tâm công tác giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho TTN. Trong khi đó, bản thân một bộ phận không nhỏ TTN chưa nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình trong các hoạt động giáo dục truyền thống. Họ sống thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, xem nhẹ sự đóng góp của tiền nhân, anh hùng liệt sĩ; chưa có tâm thế sẵn sàng tiếp nhận những giá trị truyền thống cách mạng, chưa có lòng nhiệt thành tìm hiểu và tri ân nguồn cội.
Đáng quan ngại hơn, các thế lực thù địch liên tục thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, đặc biệt là trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa nhằm xuyên tạc, bôi đen lịch sử, nói xấu chế độ, thông tin sai lệch về Bác Hồ, về Đảng, các danh nhân lịch sử địa phương; các vấn đề an ninh, nhất là an ninh phi truyền thống làm cho một bộ phận TTN mất định hướng, hoang mang, mơ hồ trong nhận thức, nhạt phai lý tưởng sống…
Chưa kể vẫn còn nhiều công trình nghiên cứu lịch sử đã xuất bản nhưng chưa được giới thiệu, tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Tài liệu học tập, tuyên truyền, phương pháp giảng dạy, giới thiệu về truyền thống cách mạng cho các đối tượng nói chung, thế hệ trẻ nói riêng chưa đáp ứng tốt, tính hấp dẫn chưa cao…
Chính những nguyên nhân này đã khiến cho nhận thức của một bộ phận không nhỏ TTN về truyền thống lịch sử, cách mạng của dân tộc, của Đảng… rất hạn chế. Nhiều bạn trẻ còn xem nhẹ các giá trị truyền thống của quê hương, đất nước, dẫn đến ý thức phấn đấu và bản lĩnh chính trị thiếu vững vàng, trở thành “miếng mồi ngon” để các phần tử xấu kích động, sa ngã và dễ dàng phơi nhiễm trước thông tin xấu, độc trên không gian mạng.
Kim Trúc
- Tặng 200 suất quà cho người dân, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới 2025
- TP. Bạc Liêu: Tuyên truyền cá biệt thanh niên vi phạm luật giao thông
- Thăm và hỗ trợ tiền đợt 2/2024 cho thương binh Huỳnh Tấn Sĩ
- Siêu thị Co.opmart Bạc Liêu tổ chức chương trình rút thăm may mắn
- Bộ KH-ĐT: Tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 ước đạt khoảng 6,8 - 7%