Thanh thiếu niên

Giáo dục truyền thống lịch sử cho thanh thiếu niên: “Lá chắn thép” ngăn phơi nhiễm thông tin xấu, độc

Thứ Sáu, 25/08/2023 | 14:33

>> Bài 2: Những khoảng trống cần được lấp đầy

Bài cuối: Tạo “kháng thể” để hóa giải thách thức

“Bắt mạch” đúng những khó khăn, rào cản lớn trong công tác giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho TTN càng minh chứng rõ phương pháp giáo dục cũ đã không còn phù hợp. Thế nên, để đào tạo thế hệ kế thừa vừa “hồng” vừa “chuyên”, có đủ “kháng thể”để  vượt qua mọi cám dỗ, vững vàng trước mọi âm mưu “diễn biến hòa bình” thì cần phải có những giải pháp dài hơi, sát hợp.

Học sinh, thanh thiếu niên TP. Bạc Liêu tham quan, tìm hiểu triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.

Số hóa các hoạt động giáo dục

Nhìn vào tổng quan chung, không riêng gì tỉnh Bạc Liêu, mà hiện nay công tác giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng của cả nước vẫn chưa hiệu quả; các hình thức truyền đạt lịch sử như phim ảnh, kịch, sách, báo… chưa thu hút được sự quan tâm của giới trẻ, TTN. Điều này dẫn đến thực trạng đáng buồn là nhiều bạn trẻ còn thông thuộc lịch sử nước khác hơn là lịch sử nước nhà. Cũng dễ hiểu khi mà các nước biết bắt “trend” của giới trẻ, tận dụng triệt để các nền tảng số để quảng bá về lịch sử, truyền thống văn hóa, đất nước, con người… ở quốc gia mình.

Thế nên, để công tác giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng không “lỗi nhịp”, bắt kịp với thế hệ trẻ 4.0 thì tổ chức Đoàn các cấp, các đơn vị giáo dục cần phải thay đổi tư duy cũ trong công cuộc hội nhập với thời đại mới; phải tận dụng mọi lợi thế của công nghệ, nền tảng số để truyền đạt lịch sử, truyền thống dân tộc đến với thế hệ trẻ.

Đó có thể là việc sử dụng những ấn phẩm, phim ảnh, trang mạng xã hội, phòng trưng bày… để truyền tải dữ liệu lịch sử một cách thuyết phục, hấp dẫn trên các nền tảng mạng xã hội vốn đang được giới trẻ ưa chuộng. Cũng trên các nền tảng này, tổ chức Đoàn nên có các giải pháp quyết liệt, chủ động, linh hoạt nhưng cũng không kém phần sáng tạo để định hướng tư tưởng, chấn chỉnh ngay những thông tin xấu, độc hại, thiếu kiểm chứng có thể ảnh hưởng đến tư tưởng TTN. Song song đó là thường xuyên tổ chức các cuộc thi trực tuyến để thu hút TTN tìm hiểu về lịch sử, truyền thống cách mạng, danh nhân văn hóa, anh hùng liệt sĩ địa phương… như một cách hay để giáo truyền thống.

Tận dụng triệt để và phát huy tốt lợi thế của các di tích tỉnh nhà được thiết lập trên bandoso.doanthanhnien.vn, các bảng mã hóa QR đặt tại các “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng, kết nối với tư tưởng cha ông cho thế hệ trẻ, thiết nghĩ cũng là một biện pháp hữu ích trong thời kỳ số hiện nay.

Tại Diễn đàn “Tiếng nói tuổi trẻ - Hành động của Đoàn”, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương hội Sinh viên Việt Nam - Nguyễn Minh Triết đã đề cao giải pháp về số trong công tác giáo dục truyền thống cho TTN. Anh bày tỏ: “Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII rất quan tâm, thảo luận sôi nổi các giải pháp để TTN được tìm hiểu, quan tâm nhiều hơn các giá trị truyền thống, đạo đức, lối sống văn hóa, lịch sử cách mạng của dân tộc trong bối cảnh hội nhập văn hóa ngày càng sâu rộng như hiện nay. Trong đó, giải pháp về số được xem là tối ưu trong việc đưa các nội dung về giáo dục lịch sử, cách mạng, văn hóa đất nước đến gần với TTN. Vấn đề đặt ra là phải làm sao để hình thức truyền đạt thật sự gần gũi, dễ nhớ, dễ tiếp cận, dễ tham gia đối với giới trẻ”.

Đoàn viên, thanh thiếu niên quét mã QR để tìm hiểu về di tích quốc gia đặc biệt Khu căn cứ Tỉnh ủy Cái Chanh (ấp Cây Cui, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân). Ảnh: Đ.K.C

Cùng cộng đồng trách nhiệm

Song song với nhóm giải pháp số hóa, tổ chức Đoàn cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, tham mưu với Đảng, Nhà nước hoàn thiện các cơ chế, chủ trương chính sách về phát triển giáo dục - đào tạo. Phát huy hơn nữa mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong nâng cao chất lượng công tác giáo dục TTN. Trong đó, phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục đẩy mạnh chương trình giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng địa phương, giáo dục công dân… và đưa các bộ môn này tương xứng với các môn khoa học cơ bản.

Là lực lượng nòng cốt trong công tác giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho thế hệ hệ trẻ, tổ chức Đoàn cần đa dạng hơn nữa các hình thức thi tìm hiểu lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử địa phương thông qua các cuộc thi viết, nêu cảm nhận, kể chuyện lịch sử bằng tranh vẽ, sân khấu hóa thành các tiểu phẩm mang tính giáo dục… Tổ chức các mô hình “Tìm hiểu lịch sử”, “Sân chơi lịch sử” nhân các sự kiện lớn của đất nước, của tỉnh; xây dựng và triển khai các tiêu chí, chuẩn mực trong hành vi, lối sống, ứng xử của TTN theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục tổ chức các chương trình về nguồn, hành trình đến với địa danh lịch sử, “địa chỉ đỏ”, sinh hoạt chuyên đề, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích lịch sử, cách mạng, văn hóa gắn với giáo dục lịch sử địa phương theo hướng mới lạ, có chiều sâu để thu hút TTN.

Đặc biệt, năng lực tư duy của cán bộ Đoàn - Hội - Đội rất cần được chú trọng; phải thường xuyên được bồi dưỡng để nhận thức đúng và thấu đáo về lịch sử dân tộc, truyền thống cách mạng, có như thế mới đủ bản lĩnh và chứng liệu để “truyền lửa” cho thế hệ trẻ.

Với các cơ sở giáo dục, việc đổi mới phương pháp giảng dạy môn Lịch sử, giáo dục địa phương sao cho trực quan, sinh động, thu hút TTN là yêu cầu bắt buộc. Trong đó, cần liên kết, phối hợp chặt chẽ với Bảo tàng tỉnh để tạo điều kiện cho học sinh, TTN được tham gia các buổi triển lãm, trưng bày các tư liệu quý về Đảng, Bác Hồ, biển, đảo, lịch sử địa phương…

Một yếu tố không thể xem nhẹ chính là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bồi dưỡng, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Mỗi tổ chức Đảng cần nhận rõ việc chăm lo, bồi dưỡng thế hệ trẻ chính là chuẩn bị đội dự bị tin cậy, bổ sung lực lượng cho Đảng. Do vậy cần xây dựng kế hoạch cụ thể để bồi dưỡng, giáo dục truyền thống; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện nhiệm vụ này.

Riêng các cơ quan truyền thông đại chúng, các cấp, ngành trong tỉnh cần xây dựng chương trình giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng gắn liền với giáo dục chính trị, tư tưởng, văn hóa cho thế hệ trẻ. Ngành Văn hóa, Văn học - Nghệ thuật cần bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách cho TTN thông qua việc đi sâu khai thác đề tài lịch sử cách mạng, những tấm gương ưu tú của quê hương đã cống hiến, hy sinh vì tự do, độc lập của dân tộc và hạnh phúc của Nhân dân… Qua đó, bồi đắp thế giới quan, nhân sinh quan cho thế hệ trẻ, giúp họ nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ với cộng đồng, quê hương, đất nước.

Giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng chính là việc chuyển giao một di sản quý báu của dân tộc cho những người trẻ tuổi, để họ có cơ sở hiểu được quá khứ gian khổ, đau thương nhưng rất đỗi vinh quang của tiền nhân. Sự chuyển giao ấy đã vẽ nên bức tranh xán lạn về những lớp người mới được bồi đắp bằng lý tưởng cao đẹp, bằng truyền thống lịch sử, cách mạng, văn hóa hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Truyền thống ấy chính là “lá chắn thép” để bảo vệ những tế bào khỏe mạnh, giúp thế hệ trẻ “tự đề kháng” trước những thông tin xấu, độc trên không gian mạng.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.