Thanh thiếu niên
Hiểm nguy rình rập giới trẻ trên mạng xã hội
Có thể nói, sự xuất hiện, phổ biến của Internet đã tạo ra một thế giới mới - thế giới ảo, tồn tại song song và tác động mạnh mẽ đến thế giới thực. Và mạng xã hội (MXH) - một trong những sản phẩm đặc trưng trên nền tảng Internet, bây giờ đã được xem là một phần không thể thiếu trong đời sống của giới trẻ. Được ví như con dao hai lưỡi với nhiều ẩn họa khôn lường, MXH ngày càng cho thấy sự tác động tiêu cực đến lối sống, tư tưởng, tinh thần của người trẻ.
Thiết lập “bức tường lửa” để bảo vệ người trẻ trên không gian mạng là trách nhiệm của cả cộng đồng; trong đó công tác quản lý, giáo dục, định hướng để người trẻ tham gia MXH an toàn là vấn đề tiên quyết.
Bài 1: Những nạn nhân của thế giới ảo
Không còn là hiện tượng mang tính cảnh báo, mà hiện nay cuộc sống, học tập và sinh hoạt của giới trẻ hầu như bị chi phối bởi MXH. Sự lệ thuộc quá nhiều vào “thế giới ảo” khiến nhiều người trẻ quên đi cuộc sống đúng nghĩa ngoài đời thật và vô tình biến mình trở thành những nạn nhân đáng thương của không gian mạng.
Gia đình em T.V.H kể lại vụ việc em bị lừa bán sang Campuchia khi tìm việc trên MXH với phóng viên Báo Bạc Liêu. Ảnh: Đ.K.C
Sập bẫy lừa vì thích hưởng thụ
Được giải cứu, đưa về nhà an toàn sau hơn 4 tháng bị “cầm tù”, đày ải ở Campuchia nhưng đến giờ T.V.H (18 tuổi, ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) vẫn chưa hoàn hồn khi nhớ lại những ngày tháng khủng khiếp ấy. Nhà cũng thuộc diện khá giả, nhưng T.V.H lại bỏ học sớm với lý do phụ giúp gia đình. Thời gian rảnh là em lại lên MXH, tham gia một số hội nhóm yêu thích xe đua phân khối lớn. Giấc mơ được tậu một con xe yêu thích để làm chủ những cung đường càng lớn dần khi trong xóm có đứa cùng tuổi được cha mẹ mua cho một con “xe chiến”. Em đã bày tỏ mong muốn với cha, nhưng đổi lại là một trận mắng té tát vì thói đua đòi.
Uất ức vì nguyện vọng không được đáp ứng, T.V.H lên MXH tìm việc và không lâu đã tìm thấy một “việc nhẹ lương cao” với thù lao hơn 10 triệu đồng/ tháng, cùng nhiều hứa hẹn hấp dẫn khi thạo việc. T.V.H nhẩm tính với công việc tốt như thế thì không đầy 1 năm, em sẽ sắm được con xe mơ ước. Ngay hôm sau, nhóm đối tượng đã lái xe về gần nhà em để đón, trước khi đi em còn nhắn tin cho anh trai kêu gia đình đừng tìm mình, vì em đang trên đường đi thực hiện “giấc mơ”. Bẵng 1 tuần sau, gia đình nhận được hung tin em đã bị lừa bán sang Campuchia để đòi tiền chuộc…
Sinh ra trong cảnh nghèo, thiếu trước hụt sau, nhưng đổi lại N.T.K.D (xã Điền Hải, huyện Đông Hải) lại rất xinh đẹp, được nhiều gia đình trong xóm ngỏ ý kết thông gia. Không muốn an phận, sống cảnh đời nghèo khó ở quê, K.D nuôi cơ hội sẽ lập nghiệp, đổi đời ở phương xa. Quyết tâm càng trỗi dậy mạnh mẽ khi K.D lướt MXH, trầm trồ trước những cảnh sống xa hoa, mình đắp đầy hàng hiệu, check-in ở những địa điểm sang chảnh của những cô nàng chân dài. Nhìn lại bản thân, K.D tự thấy nhan sắc mình không hề kém cạnh, chỉ là chưa có cơ hội được tỏa sáng. Vậy là K.D bắt đầu lên MXH gửi lời mời kết bạn với những hotgirl; tham gia các hội nhóm người đẹp trên không gian ảo để tìm kiếm cơ hội.
Khát vọng đổi đời trong suy nghĩ non nớt của cô gái trẻ đã lọt vào tầm ngắm của một hội nhóm “việc nhẹ lương cao”. Cứ nghĩ chỉ livestream hưởng tiền từ sản phẩm, dùng nguồn thu nhập tích lũy để trở thành đại lý của một công ty mỹ phẩm, nhưng rồi giấc mộng đổi đời sụp đổ tan tành khi K.D trở thành nạn nhân của một đường dây mại dâm, cuộc đời từ đó cũng trượt dài… Giờ đây dù đã thoát khỏi “động bàn tơ”, nhưng K.D vẫn chưa dám về thăm quê, gia đình vì sợ những lời đàm tiếu của chòm xóm.
Đánh vào tâm lý lười lao động nhưng thích hưởng thụ, ham sống ảo, đua đòi, hãnh tiến, lai căn văn hóa phương Tây… của một bộ phận người trẻ, các đối tượng xấu đã biến MXH thành mảnh đất màu mỡ để giăng bẫy, biến họ thành những nạn nhân đáng thương bởi cách nghĩ, hành vi, lối sống, tư tưởng sai lệch của mình. Thay vì dùng quỹ thời gian quý giá để cống hiến, để miệt mài làm việc tạo ra của cải, vật chất cho xã hội thì họ lại chìm đắm trong thế giới ảo để tìm kiếm việc nhẹ lương cao, mong muốn đổi đời chóng vánh.
Tin giả tràn ngập trên MXH. Ảnh minh họa: Internet
Vô tình tiếp tay lan truyền tin xấu, độc
Một thực trạng đáng báo động nữa khi giới trẻ tham gia MXH chính là tình trạng xuống cấp về đạo đức, văn hóa ứng xử, dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật. Chính việc đắm chìm trong thế giới ảo đã khiến một bộ phận người trẻ sẵn sàng bất chấp, thách thức và bỏ qua các quy tắc đạo đức, chuẩn mực văn hóa trong cuộc sống thực để đổi lấy những lượt view (xem), like (yêu thích), share (chia sẻ) trên MXH với mục đích tăng thu nhập, tạo ảnh hưởng. Gần đây hàng loạt vụ đuối nước thương tâm xảy ra ở các vùng quê của Bạc Liêu, nạn nhân đa phần là trẻ em; trong khi mọi người xung quanh cật lực hỗ trợ tìm kiếm, gia đình các nạn nhân đau khổ vì mất con thì nhiều streamer (người phát trực tiếp) lại chia sẻ những câu chuyện đau lòng ấy lên MXH với thái độ lạnh lùng nhằm tìm kiếm lượt view.
Nguy hại nhất vẫn là chiêu trò, vấn nạn tin tức giả (fake news) về đời sống, đất nước, về tình hình chính trị, đối ngoại… mà đối tượng được các thế lực thù địch nhắm đến chính là những người tò mò, thiếu hiểu biết, thiếu nhạy cảm chính trị. Chị Đ.V.A (khóm 2, Phường 7, TP. Bạc Liêu) rất lo lắng khi đứa cháu đang học lớp 11 gửi cho mình một đoạn video có nội dung bình luận về cuộc chiến giữa Nga - Ukraine, sau đó “mượn gió bẻ măng” xuyên tạc về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng… của quân dân ta; kèm lời nhắn: “Nội dung này có đúng không vậy cô Út?”. Qua lời kể của cháu, chị V.A biết được hiện có rất nhiều bạn trong lớp truyền tay nhau video này. Sau đó chị đã phân tích, giảng giải và nghiêm cấm tuyệt đối cháu mình không được lan truyền, chia sẻ những video chưa qua kiểm chứng; đồng thời phản hồi thông tin đến giáo viên chủ nhiệm lớp để kịp thời cảnh báo nhóm học sinh trẻ.
Có thể thấy, mẫu số chung của các tin giả được lan truyền trên MXH hiện nay đều mang tính cá nhân, phạm vi thông tin dàn trải, vụn vặt, thiếu kiểm chứng, xuyên tạc, lừa đảo để lôi kéo người đọc, người xem, nhất là giới trẻ. Về hình thức, các bài viết sử dụng thông tin có một phần sự thật thu được từ nguồn công khai hoặc nội bộ để nêu vấn đề, sự việc, thời gian cụ thể, trích dẫn tên tuổi, thông tin về những người liên quan khá rõ ràng; sau đó cố tình lồng ghép vào những thông tin giả, xuyên tạc, bịa đặt hoặc cắt xén, sửa chữa kèm theo các hình ảnh làm “tài liệu chứng minh” khiến người đọc, nhất là giới trẻ khó phân biệt được thật - giả, dẫn đến hoang mang, tạo dư luận bức xúc, mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước… Rất nhiều bài học đã qua cho thấy nhiều người trẻ rất tin tưởng vào những trang web không chính thống, xuyên tạc để rồi bày tỏ tâm trạng với thời cuộc, quay lưng lại với đất nước và biểu đạt những tâm trạng ấy lên MXH…
Kim Trúc
- Khánh thành cầu giao thông nông thôn và tặng quà Tết cho gia đình chính sách huyện Đông Hải
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Họp mặt kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
- Khánh thành trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
- Huyện Hòa Bình: Gần 200 học sinh tham gia Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” năm học 2024 - 2025
- Giải Vô địch Cử tạ thanh thiếu niên và Vô địch Cử tạ trẻ châu Á năm 2024: Vận động viên Thạch Hoàng Sang của Bạc Liêu đoạt 3 huy chương