Thanh thiếu niên
Hiểm nguy rình rập giới trẻ trên mạng xã hội
Bài 2: Không thể lơ là công tác giáo dục tư tưởng
>> Bài 1: Những nạn nhân của thế giới ảo
Sự tác động ngày càng rộng cũng như những nạn nhân của thế giới ảo ngày càng đông khiến toàn xã hội phải thảng thốt nhìn lại để tìm ra những bất cập, tồn tại trong công tác giáo dục tư tưởng cho giới trẻ. Câu hỏi đặt ra là liệu rằng hàng loạt các đề án, dự án nhằm cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống… cho thanh niên được ban hành, triển khai từng năm, từng giai đoạn có thật sự đến gần với giới trẻ?
Đoàn viên - thanh niên khối các cơ quan tỉnh tham gia trò chơi giao lưu trong chuyến về nguồn tại Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
Vẫn chưa sâu sát
Công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ luôn được Đảng, Nhà nước, gia đình, nhà trường và toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Điều này đã được minh chứng thông qua nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác thanh niên và giáo dục thế hệ trẻ được triển khai, đạt nhiều kết quả khả quan. Không chỉ vậy, hệ thống pháp luật, công tác quản lý nhà nước về thanh thiếu nhi ngày càng được hoàn thiện; công tác giáo dục về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ không ngừng được tăng cường, đổi mới. Thông qua các hoạt động giáo dục, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước đã tạo môi trường lành mạnh để thế hệ trẻ rèn luyện, trưởng thành, góp phần hình thành lý tưởng cách mạng, đạo đức cao đẹp, lối sống nghĩa tình, tuân thủ pháp luật, từng bước hoàn thiện nhân cách.
Tuy nhiên, có một thực tế vẫn tồn tại - đó là những hạn chế, chưa sâu sát, thiếu phong phú cũng như không bắt kịp nhu cầu của giới trẻ trong quá trình triển khai thực hiện công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, từ đó dẫn đến những yếu kém về tư tưởng, chính trị, lịch sử, văn hóa và để lại những hệ lụy đáng tiếc khi giới trẻ tham gia MXH.
Nói về việc thiếu sâu sát của tổ chức Đoàn ở địa phương trong công tác giáo dục tư tưởng cho thanh niên, bạn trẻ Lê Hoàng B. (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, hiện đang lao động tại TP. Hồ Chí Minh) bày tỏ sự thất vọng: “Trước đây, tôi cũng là một đoàn viên - thanh niên nòng cốt của chi đoàn ấp, nhưng vì hoàn cảnh gia đình phải rời quê đi làm ăn xa nên không thể tham gia sinh hoạt thường xuyên. Khi đi, tôi vẫn để lại số điện thoại để liên lạc, mong muốn được cập nhật tình hình ở địa phương, được định hướng tư tưởng, giáo dục đạo đức, lối sống từ tổ chức Đoàn ở quê nhà thông qua những tiện ích của MXH. Thế nhưng nhiều năm qua tôi vẫn chưa thể kết nối, chưa từng được tổ chức Đoàn ở địa phương đưa vào bất kỳ một hội, nhóm thanh niên nào để sinh hoạt Đoàn từ xa. Đây cũng là tình trạng chung mà nhiều đoàn viên - thanh niên trẻ như tôi luôn gặp phải khi rời quê đi làm ăn xa. Điều khiến tôi và nhiều bạn trẻ lo lắng là trước những cạm bẫy giăng đầy trên MXH, nếu thiếu sự định hướng, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, thiếu sự quan tâm sâu sát từ tổ chức Đoàn… thì chúng tôi sẽ “trụ” được bao lâu khi mà MXH hiện giờ được ví như “cơm ăn nước uống” của giới trẻ”.
Có thể nói, sự thiếu sâu sát, chưa nhận thức đúng, đầy đủ tầm quan trọng của nhiệm vụ giáo dục thế hệ trẻ, nhất là trong bối cảnh đất nước có nhiều thay đổi; việc cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giáo dục thanh niên chưa kịp thời, hiệu quả; vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong chăm lo, giáo dục thế hệ trẻ chưa như mong muốn, chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay... đang là những rào cản lớn cần được tháo gỡ để công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh niên phát huy hiệu quả tối ưu.
Fanpage chính thống của Huyện đoàn Hồng Dân trên nền tảng MXH Facebook. Ảnh: Đ.K.C
Phải đi trước mở đường
Một vấn đề quan trọng nữa cần phải được quan tâm nhiều hơn chính là tình trạng nhiều đề án, công trình, hoạt động giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho giới trẻ vẫn còn “chạy theo sau”, tức là khi thấy một xu hướng nào đó đáng báo động thì chúng ta mới đi sau để gỡ rối, chứ không hề đưa ra sự dự báo, định hướng để dẫn lối hay, chỉ nẻo sáng cho thanh niên, giới trẻ khi tham gia MXH. Không nói đâu xa, khi mà tình trạng “báo hóa” MXH ngày càng trở nên phổ biến, các tài khoản giả mạo, ẩn danh mọc lên ồ ạt như “nấm sau mưa” thì các tổ chức, đoàn thể, trong đó có tổ chức Đoàn mới vội vã tạo lập fanpage chính thống, “xây nhà chung” để tập hợp, định hướng thanh niên.
Hay khi giới trẻ, thanh thiếu niên chịu tác động tiêu cực, bị tấn công trên MXH thì tổ chức Đoàn mới tính đến các giải pháp căn cơ, lâu dài để tạo “sức đề kháng”, giúp người trẻ sàng lọc thông tin, nhận diện tin xấu độc, tiếp nhận thông tin tích cực, đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch… trên không gian mạng thông qua Đề án “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng giai đoạn 2022 - 2030”.
Tại các hội, đoàn thể, nhà trường, công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, lịch sử, văn hóa, đạo đức, lối sống… cho đoàn viên - thanh niên vẫn chưa được quan tâm đúng mức, hoặc chỉ làm cho có để báo cáo lấy thành tích chứ chưa phát huy cao hiệu quả, chưa thật sự là “điểm tựa” cho người trẻ trong việc giáo dục, định hướng tư tưởng.
Thời gian tới, Internet, MXH được dự báo sẽ tiếp tục phát triển, đạt thêm những thành tựu mới và tất nhiên sẽ lại tác động mạnh mẽ về mọi mặt lên đời sống xã hội. Trong đó, không loại trừ những hành vi bóp méo sự thật, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đương nhiên giới trẻ tiếp tục là nhóm đối tượng được nhắm đến. Giới trẻ Việt Nam nói chung, Bạc Liêu nói riêng ngày càng có nhiều cơ hội để tham gia vào thế giới thông tin, nhưng cũng đối mặt với không ít rủi ro khi tiếp cận với nhiều hệ tư tưởng, giá trị sống khác nhau thông qua môi trường mạng. Và nếu không được định hướng từ sớm, không được dẫn lối, mở đường họ sẽ bị cám dỗ và sa ngã trong thế giới ảo.
Làm sao để giới trẻ tham gia MXH thông minh, không bị “phơi nhiễm” trước thông tin xấu độc, xây dựng được lập trường chính trị, tư tưởng vững vàng, có hành vi, lối sống chuẩn mực… là điều mà cả hệ thống chính trị, xã hội, gia đình, đặc biệt là tổ chức Đoàn phải chủ động tính đến.
Kim Trúc
Theo báo cáo Việt Nam Digital 2021 do Tổ chức “We Are Social và Hootsuite” thống kê, Việt Nam có khoảng 68,17/97,8 triệu dân đang sử dụng Internet, với thời lượng trung bình là 6 giờ 47 phút/ngày. Điều này cho thấy người dùng Internet Việt Nam đang dành rất nhiều thời gian để xem TV Streaming và sử dụng các nền tảng MXH. Trong đó nhiều nhất YouTube (92%), Facebook (91,7%), Zalo (76,5%), Instagram (53,5%), TikTok (47,6%)… Riêng nền tảng Facebook, có hơn 73 triệu tài khoản truy cập hàng ngày thông qua thiết bị di động, đa số là thanh thiếu niên.
- Khánh thành cầu giao thông nông thôn và tặng quà Tết cho gia đình chính sách huyện Đông Hải
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Họp mặt kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
- Khánh thành trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
- Huyện Hòa Bình: Gần 200 học sinh tham gia Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” năm học 2024 - 2025
- Giải Vô địch Cử tạ thanh thiếu niên và Vô địch Cử tạ trẻ châu Á năm 2024: Vận động viên Thạch Hoàng Sang của Bạc Liêu đoạt 3 huy chương