Thanh thiếu niên
Hỗ trợ thanh niên phát triển sản phẩm OCOP
Nhận thức rõ tầm quan trọng và lợi ích đối với thanh niên (TN) khi phát triển sản phẩm đạt chuẩn OCOP, thời gian qua Đoàn Thanh niên các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung của Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), từ đó đã góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của TN với chương trình này. Đồng thời, tổ chức Đoàn tỉnh nhà còn là cầu nối giúp TN tiếp cận các nguồn vốn vay, trao kinh phí hỗ trợ và đồng hành, hướng dẫn TN hoàn thiện hỗ sơ xét công nhận các sản phẩm đạt chuẩn.
Tại địa bàn huyện Phước Long, gần đây xuất hiện ngày càng nhiều mô hình TN xây dựng kinh tế nông thôn và tham gia Chương trình OCOP. Trong đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp của TN phát triển hiệu quả, được công nhận đạt chuẩn OCOP. Tiêu biểu phải kể đến là sản phẩm mắm tôm thẻ Cô Út của anh Võ Hoàng Anh (xã Phước Long). Đây là mô hình được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập ổn định. Ngoài mắm tôm thẻ cô Út thì sản phẩm bắp nếp đạt chuẩn OCOP 3 sao của anh Nguyễn Quốc Vệ (ấp Mỹ I, xã Vĩnh Phú Đông) cũng đang cho thu nhập ổn định, mở ra hướng đi đầy triển vọng. Nhằm khuyến khích, đồng hành cùng TN trong phát triển sản phẩm OCOP, vừa qua Huyện đoàn Phước Long đã đến tham quan và hỗ trợ 5 triệu đồng cho mô hình kinh tế của anh Vệ.
Không chỉ vậy, vừa qua Huyện đoàn Phước Long còn phối hợp với Hợp tác xã Môi trường xanh hỗ trợ 5 triệu đồng cho TN là thành viên trong hợp tác xã ứng dụng kỹ thuật mới để sản xuất nấm sạch theo hướng an toàn. Đến nay đã thay đổi phương pháp sản xuất như: xây dựng nhà lưới, dùng hệ thống phun nước tiết kiệm, sử dụng phân hữu cơ, thuốc sinh học. Với phương pháp canh tác mới, người dân yên tâm với sản phẩm làm ra và tạo được liên kết trong sản xuất, góp phần cùng địa phương bảo vệ môi trường. Dự kiến khoảng 20 ngày nữa lứa nấm đầu tiên sản xuất theo phương pháp mới sẽ cho thu hoạch và hứa hẹn nhiều tiềm năng trở thành sản phẩm chuẩn OCOP tương lai.
Huyện đoàn Hồng Dân thăm hỏi và hỗ trợ tư vấn chủ cơ sở làm hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024. Ảnh: Đ.K.C
Còn tại địa bàn huyện Hồng Dân, hiện có 2 sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao là chả cá thát lát, cá thát lát ướp sả nghệ của chị Nguyễn Thị Hồng Nhanh (Chi đoàn ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Lộc). Hiện tại, còn rất nhiều sản phẩm của TN đang được Huyện đoàn Hồng Dân tham quan, tìm hiểu thế mạnh, kết nối ngân hàng tiếp cận các nguồn vốn vay giải quyết việc làm, cũng như hỗ trợ để hoàn thiện hồ sơ sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm khởi nghiệp cho TN.
Tiêu biểu trong số đó phải kể đến sản phẩm “Gạo lúa - tôm Ba Đình” của anh Nông Văn Thạch (Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Ba Đình, xã Vĩnh Lộc A); khô cá lóc và muối tôm càng xanh của anh Nguyễn Hoàng Mau (ấp Lộ Xe A, xã Vĩnh Lộc A); khô cá lóc, khô cá phi, chả cá phi của anh Đặng Văn Toàn (ấp Cai Giảng, xã Lộc Ninh)… Trong đó, mô hình của anh Nguyễn Hoàng Mau đã được Huyện đoàn Hồng Dân hỗ trợ tiếp cận vốn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Với các mô hình triển vọng khác, Ban Thường vụ Huyện đoàn, Hội LHTN huyện cũng thường xuyên đồng hành, hỗ trợ, tổ chức các chuyến tham quan để TN học hỏi những cách làm hay, từ đó góp phần lan tỏa, nhân rộng và khơi dậy quyết tâm phát triển các sản phẩm OCOP để khởi nghiệp trong TN địa phương.
Không chỉ đặc biệt lưu tâm những mô hình, sản phẩm triển vọng, tổ chức Đoàn, Hội các cấp trong tỉnh còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về Chương trình OCOP bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết trong việc phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp gắn với Chương trình OCOP TN các địa phương. Đồng thời, huy động lực lượng cán bộ Đoàn, đoàn viên, TN, chủ các mô hình TN làm kinh tế giỏi tham gia hội nghị tập huấn trực tuyến OCOP do Trung ương Đoàn tổ chức; hội nghị tập huấn OCOP các cấp… để nâng cao hiểu biết về đề án và hiệu quả tuyên truyền, hỗ trợ TN phát triển sản phẩm của mình.
Bên cạnh đó, một số đơn vị đã bắt đầu quan tâm việc đưa sản phẩm đạt chuẩn OCOP lên các sàn thương mại điện tử để sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Từ đó tạo thương hiệu đặc trưng riêng của địa phương, kích cầu tiêu dùng, chuỗi cung ứng, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động trẻ tại địa phương.
Việc đồng hành, hỗ trợ TN trong phát triển sản phẩm OCOP là một tín hiệu đáng mừng, báo hiệu sự vươn tầm mạnh mẽ trong tương lai từ các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã của TN trong phát triển kinh tế. Từ đó, giúp nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm và tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, giúp giữ chân TN ở lại lập nghiệp, làm giàu chính đáng tại quê nhà.
Kim Trúc
- Phát hiện, thu giữ gần 2.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu
- Tọa đàm “Giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng và hoạt động chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp”
- LĐLĐ tỉnh: Hỗ trợ hơn 3.300 đoàn viên khó khăn trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Hội LHPN tỉnh: Trao vốn cho hội viên và thăm mô hình kinh tế tại huyện Đông Hải
- Huyện Đông Hải: Thực hiện đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024