Thanh thiếu niên
Khi người trẻ thiếu kỹ năng quản lý tài chính
Chi tiêu phung phí, mua sắm mất kiểm soát, đầu tư ngoài khả năng tài chính hiện có, lập kế hoạch nhưng chưa có mục tiêu rõ ràng… là những rào cản lớn khiến người trẻ khó quản lý tài chính cá nhân. Đáng lo ngại hơn là, dù nhận ra bản thân đang mất kiểm soát trong chi tiêu, nhưng nhiều bạn trẻ vẫn “tiếp tục phóng lao phải theo lao” để rồi rơi vào cảnh vỡ nợ.
Một bạn trẻ nhận hàng online từ shipper. Ảnh: Đ.K.C
Hối không kịp vì “vung tay quá trán”
Cứ nghĩ mình còn trẻ, còn nhiều thời gian, cơ hội để kiếm tiền, tích lũy tài sản, nên dù lấy nhau hơn 1 năm, vợ chồng bạn Y.N (Phường 7, TP. Bạc Liêu) chưa bao giờ quan tâm đến chuyện phải chi tiêu dè sẻn, tiết kiệm cho tương lai. Mỗi tháng, sau khi lãnh lương, hai vợ chồng sẽ góp lại cùng nhau các khoản chi cho tiền thuê nhà, sinh hoạt phí…, còn dư thì cả hai tùy ý mua sắm, tụ tập bạn bè, làm những điều mình thích. Mọi thứ bắt đầu đảo lộn, khi năm vừa rồi chồng của Y.N bị công ty cho nghỉ việc để cắt giảm nhân sự vì ảnh hưởng suy thoái kinh tế sau dịch. Y.N trở thành trụ cột gia đình bất đắc dĩ. Để có thêm thu nhập, Y.N nhận thêm một số công việc ngoài giờ, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu so với hàng tá thứ phải chi tiêu, đôi lúc còn phải chạy vạy để mượn thêm gửi về quê khi gia đình lớn có hữu sự. Áp lực lớn khiến Y.N luôn trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi.
Y.N tâm sự: “Cứ nghĩ mình mới cưới, lại còn quá trẻ, không phải vội vàng ở chuyện lên kế hoạch chi tiêu, nên vợ chồng tôi cứ thoải mái sống, được đồng nào xào đồng nấy, chưa bao giờ nghĩ đến một ngày sẽ có nhiều sự cố phát sinh diễn ra. Cuộc sống này khiến dự định sinh con của vợ chồng tôi cũng đành gác lại, khi nào cân đối được tài chính, công việc ổn định thì chúng tôi mới nghĩ tới”.
Khác với vợ chồng Y.N, với mức lương gần 10 triệu đồng/tháng, K.N (TX. Giá Rai) dù còn độc thân nhưng lại chủ động xây dựng kế hoạch tài chính cho riêng mình. Có điều, thay vì chọn cách tiết kiệm “tích tiểu thành đại”, thì K.N lại chọn đầu tư hụi xoay vòng để kiếm lãi. Lãi suất từ những dây hụi đầu thuận lợi khiến K.N “nổi lòng tham”, huy động thêm vốn từ gia đình để đầu tư. Thế nhưng không may bị giật hụi không lâu sau đó, giờ đây K.N phải ôm một đống nợ gần 100 triệu đồng vì tham đầu tư ngoài khả năng tài chính vốn có.
Gần đây, khi các sàn thương mại điện tử phát triển nhanh như vũ bão, hàng hóa hòa vào xu thế cạnh tranh cũng giảm giá kịch sàn để kích cầu tiêu dùng, thêm vào đó là sự hỗ trợ đắc lực của các công ty tài chính với hằng hà sa số các dạng thức thanh toán thông qua thẻ tín dụng, giới trẻ càng có thêm cơ hội để “vung tiền quá trán”. Và cái kết là nhiều người phải bỏ xứ đi làm ăn xa, hoặc khổ sở trốn nợ, khóa thuê bao vì những cuộc gọi đòi nợ xấu, nợ quá hạn…
Cần có kế hoạch rõ ràng trong chi tiêu
Thực tế đã chứng minh, sự phung phí trong chi tiêu được hình thành một cách vô thức trong giới trẻ. Dù luôn tự dặn lòng phải chi tiêu tiết kiệm, chỉ mua những thứ thiết yếu… nhưng đến khi “máu” mua sắm nổi lên thì họ quên đi tất cả mọi thứ. Bởi vậy, việc quản lý tài chính với giới trẻ, nhất là các Gen Z công sở, văn phòng luôn rất khó khăn. Có người đã giật mình thảng thốt khi ngồi tính lại số tiền mình bỏ ra mua sắm online còn cao hơn cả tháng lương bản thân thu nhập.
Lại có một số bạn trẻ vì muốn giàu nhanh, có thu nhập chớp nhoáng nên cũng không “gạn đục khơi trong” mà vội vàng vung tiền đầu tư, đặt niềm tin không đúng chỗ để rồi phải ôm trái đắng vì thất bại. Cũng có bạn chịu khó lập kế hoạch hẳn hoi, nhưng mục tiêu đặt ra lại không rõ ràng nên khi áp dụng vào thực tế cũng không khả quan như mong đợi, dẫn đến chán nản và bỏ cuộc giữa chừng.
Theo nhận định của các chuyên gia, người trẻ Việt đang khá thiếu kỹ năng quản lý tài chính, vì vậy mới dẫn đến tình trạng mất kiểm soát chi tiêu, đầu tư sai mục đích cho việc mua sắm vô tội vạ, kiếm lợi nhuận bất chấp. Thế nên, khi đồng lương về, mỗi bạn trẻ nên trích ra từng khoản riêng cho đầu tư, gửi tiết kiệm ngân hàng lâu dài, phần còn lại dùng để chi tiêu, giao lưu bạn bè, du lịch, quan hệ xã hội, học tập… Khi bạn đã có được một khoản tích lũy nhỏ cho tương lai thì sẽ hình thành thói quen tiết kiệm, biết kiểm soát, làm chủ được chi tiêu.
Muốn tạo được nền móng vững chắc cho tương lai, thì việc đầu tiên chính là kiểm soát thành công chi tiêu tài chính của bản thân. Hãy chủ động ngay khi bạn còn có thể và kiên trì thực hiện nó trong những năm tháng tươi đẹp nhất của cuộc đời, bởi vì sức khỏe và thanh xuân không thể nào ở mãi bên bạn. Đừng để bản thân phải bỏ lỡ những giá trị sống khác chỉ vì bản thân đang phải bận loay hoay, chật vật vì tiền.
Mai Khôi
- Đài Truyền hình Việt Nam: Ghi hình chương trình Tết “12 con giáp” tại Bạc Liêu
- Công an Phường 2: Trả lại kiện hàng trị giá gần 37 triệu đồng cho người đánh rơi
- Hyundai Thành Công Bạc Liêu: Tận tâm phục vụ quý khách
- Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 10
- 10 năm thực hiện Luật Tiếp công dân: Những kết quả đáng ghi nhận