Thanh thiếu niên
Lao động trẻ và ngổn ngang nỗi lo tết
Thời gian đang hối hả trôi về những ngày cuối năm, thoắt cái chỉ còn 15 ngày nữa là đến tết Nguyên đán 2024. Thời điểm này, nhiều lao động trẻ cũng đang tất bật tăng ca, tranh thủ làm thêm nhiều công việc thời vụ để có thu nhập lo Tết cho gia đình. Trái ngược với không khí rộn ràng của phố phường chuẩn bị đón mùa xuân mới, thì đâu đó vẫn còn tiếng lòng ngổn ngang trăm mối lo của lao động trẻ khi Tết cận kề.
Lao động trẻ tăng ca tại một cửa hàng thời trang trên đường Trần Phú (TP. Bạc Liêu). Ảnh: Đ.K.C
Tranh thủ kiếm tiền lo Tết
Cuối năm là thời điểm các cơ sở chế biến khô ở thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải) nỗ lực tăng sản lượng để cung ứng cho thị trường Tết, rất cần nhân công làm việc thời vụ. Nắm bắt cơ hội này, hơn 1 tháng qua, vợ chồng bạn trẻ Chí Công (xã Long Điền) tranh thủ xin vào một cơ sở sản xuất khô ở ấp 1 để làm việc. Vợ xẻ khô, chồng phụ phơi, khuân vác, vận chuyển, trung bình mỗi ngày vợ chồng trẻ này cũng kiếm được hơn 400.000 đồng. Những hôm việc nhiều, tăng ca thêm chủ còn lo ăn uống, hỗ trợ tiền xăng và nâng giá ngày công lao động.
Bạn Chí Công chia sẻ: “Trước dịch COVID-19, vợ chồng tôi gửi con nhỏ ở quê cho ông bà nội chăm sóc, đi làm công nhân giày da ở tỉnh Bình Dương. Rồi dịch bùng phát, vợ chồng tôi mất việc, quay trở lại quê. Đến khi hết dịch, chúng tôi lại đến tỉnh Long An xin vào làm ở khu công nghiệp, chưa kịp ổn định thì làn sóng cắt giảm nhân sự ập đến, chúng tôi mất việc tiếp. Thế là hai vợ chồng buộc phải khăn gói về quê trong khi Tết đã cận kề với đủ thứ phải lo. May có người quen ở Gành Hào giới thiệu, giờ đây vợ chồng tôi đã có công việc thời vụ để làm. Tạm thời kiếm tiền lo Tết trước đã, rồi sau đó sẽ tính tiếp”.
Tết đến cũng là thời điểm các cửa hàng quần áo, ẩm thực, trung tâm mua sắm… tuyển thêm lao động trẻ thời vụ phụ bán Tết. Tranh thủ buổi tối không có lịch học, bạn trẻ Như Ngọc (Phường 1, TP. Bạc Liêu, hiện là sinh viên) xin làm việc theo ca tại một cửa hàng thời trang trên đường Trần Phú. Ngoại hình ưa nhìn, giao tiếp khéo, lại có gu thời trang nên Ngọc giúp cửa hàng bán được rất nhiều sản phẩm mỗi ngày. Như Ngọc thổ lộ: “Vì muốn có thêm thu nhập để phụ gia đình lo Tết, tích lũy thêm kinh nghiệm trong kinh doanh buôn bán, hỗ trợ nghề nghiệp mình đang theo học sau này nên tôi xin vào làm thêm tại cửa hàng thời trang. “Trộm vía” khi vào thử bán hai buổi tối tôi đã giúp cửa hàng tăng doanh số khi biết phối đồ, phụ kiện, tư vấn trang phục phù hợp theo từng độ tuổi, phom dáng khách hàng. Chủ cửa hàng rất hài lòng và đã hứa sẽ thưởng thêm khi cửa hàng nghỉ Tết. Tôi thấy rất vui vì năm nay đã có thể phụ mẹ lo cho gia đình một cái Tết đủ đầy hơn”.
Lại lỡ hẹn cùng Tết quê
Tay thoăn thoắt lật trở những chiếc bánh đồng xu “hot trend” thơm nức mũi để kịp bán cho khách, bạn trẻ Ngọc Lan (quê ở tỉnh Quảng Nam) vừa tâm tình nỗi nhớ quê khi ngày Tết đang đến rất gần. “Nhà tôi ở miền Trung, có đến 6 anh chị em. Cha mẹ cả đời lam lũ với ruộng đồng nhưng cuộc sống rất vất vả. Các anh chị lớn đều có gia đình riêng nhưng cũng bỏ quê, tha hương tứ xứ để mong cuộc sống khá hơn. Tôi cùng chị lớn cũng xin bố mẹ rời quê vào Nam lập nghiệp. Hai chị em buôn bán đủ thứ, hết mua phế liệu, rồi bán hạt dẻ rang, bắp xào, hột gà nướng, giờ là bánh đồng xu. Cắt củm mỗi tháng gửi về quê được ít tiền phụng dưỡng cha mẹ. Mấy năm trước kinh tế cũng tạm ổn, mỗi năm 2 chị em đều về quê ăn Tết cùng cha mẹ. Hai năm nay kinh tế tụt dốc vì dịch bệnh, chị em tôi đã lỡ hẹn với cha mẹ 2 lần rồi. Năm nay chắc lại tiếp tục. Hôm vừa rồi gửi về nhà quần áo ấm, tiền xài Tết, nghe cha mẹ dặn giữ gìn sức khỏe, năm nay không về được thì năm sau về cũng được mà chị em tôi cứ khóc mãi…”.
Cũng mấy năm rồi bạn trẻ Hoàng Khang (ấp 2, thị trấn Gành Hào) lỡ hẹn cùng Tết quê. Gia cảnh khó khăn, Khang phải lên TP. Hồ Chí Minh để lập nghiệp. Công việc tuy ổn định, nhưng với chi tiêu đắt đỏ, hằng tháng dư dả chút ít thì dành dụm gửi về quê cho mẹ nên “tháng nào xào hết tháng đó”. Tết đến dù rất nhớ quê, thèm ăn bữa cơm đoàn viên bên mẹ và em nhưng Khang đành nén lòng khi nghĩ đến những khoản “lễ tiết”, lì xì… phải chi cho Tết, trong khi chiếc túi thì rỗng không. Bởi vậy, Khang thường tranh thủ thời gian Tết để làm thêm cho các quán cà phê, cửa hàng ăn uống, kiếm thêm thu nhập để gửi về cho mẹ và em có cái Tết đủ đầy.
Ai cũng mong muốn nhà mình thật sung túc, đủ đầy mấy ngày tư ngày tết và rồi tự trói buộc bản thân vào những nỗi lo vô hình. Thế nhưng, ý nghĩa thật sự của Tết là để đoàn viên, sum vầy sau một năm bôn ba vất vả xuôi ngược. Bởi vậy, hãy nhìn thoáng mọi việc, tiết giảm hết những lễ tiết rườm rà, cởi trói người trẻ hết những ràng buộc của muộn phiền, lo toan để họ có được cái Tết ấm, trọn vẹn tình yêu thương. Hãy để nhà là nơi giúp họ rũ hết muộn phiền sau cánh cửa, “nạp đầy pin” tích cực, lạc quan để sẵn sàng đón chào năm mới.
Kim Trúc
- Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều chỉ đạo về việc chủ động ứng phó với bão số 10
- Tỉnh ủy Bạc Liêu: Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 của BCH Trung ương Đảng khóa XII
- Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Sắp xếp, tinh gọn bộ máy là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cấp bách
- Bộ Y tế triển khai nhiệm vụ năm 2025