Thanh thiếu niên

Ngăn ngừa tai nạn thương tích cho trẻ trong dịp hè

Thứ Hai, 17/06/2024 | 16:02

Tai nạn thương tích (TNTT) ở trẻ em có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi, khó lường trước được. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong, hoặc gây ra những tổn thương ở trẻ cả về sức khỏe lẫn tinh thần. Mặc dù được cảnh báo rất nhiều nhưng năm nào cũng vậy, cứ vào dịp hè là số ca TNTT, đuối nước ở trẻ em lại gia tăng. Vì vậy, việc bảo đảm an toàn, phòng, chống TNTT cho trẻ là vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong mùa hè.

Những TNTT thường gặp khi hè đến

Vốn tò mò, hiếu động, nghịch ngợm, lại thiếu kiến thức, kỹ năng phòng tránh nên trẻ em và thanh thiếu niên là lứa tuổi dễ gặp rủi ro TNTT nhất. Trên thực tế có nhiều kiểu TNTT xảy ra tùy từng độ tuổi, môi trường sống mà trẻ có nguy cơ gặp tai nạn khác nhau.

Đối với trẻ em dưới 3 tuổi, nhà ở là nơi xảy ra các TNTT cao từ những vật dụng trong gia đình. Những tai nạn thường gặp nhất chính là bỏng nước sôi, té ngã, ngạt thở do dị vật… Nhiều trường hợp còn bị TNTT do chính đồ chơi sắc nhọn, dễ vỡ hay người lớn vô tình để các vật dụng sinh hoạt gia đình sắc nhọn trong tầm tay trẻ… gây ra những tổn thương. Bên cạnh đó là tại nạn đuối nước luôn chực chờ, nhiều vụ tai nạn đuối nước đã xảy ra khi mùa hè đến, để lại nỗi đau dai dẳng, sự dằn vặt đến mức ám ảnh cho các bậc phụ huynh vì những phút chủ quan, lơ là của mình.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, năm 2023, toàn tỉnh có 427 trẻ em bị TNTT, trong đó có 11 trẻ bị đuối nước. Hè về, trẻ em thường hay tụ tập chơi những trò chơi trước sân nhà, hoặc những bãi đất trống, có khi là ven đường, ven ao, hồ, sông mà ít có sự trông coi, giám sát của người lớn. Nhiều trẻ còn bày ra những trò nghịch ngợm như rủ nhau tắm sông, vớt cá, bắt chuồn chuồn ven ao hồ… mà không mảy may quan tâm bản thân không biết bơi và hậu quả là nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra.

Không dừng lại ở đó, tai nạn điện, tai nạn do leo trèo, tai nạn giao thông cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể và còn đó rất nhiều kiểu TNTT tiềm ẩn có thể xảy ra cho trẻ do sự bất cẩn từ người lớn và chính bản thân các em.

Chị Trần Thị Ánh Hồng (Phường 3, TP. Bạc Liêu) chia sẻ: “Hè về, trong khi phụ huynh phải đi làm thì con trẻ ở thành phố thường được trông coi bằng các thiết bị quan sát thông minh. Bởi vậy, để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra, tôi luôn quan tâm đặc biệt đến các con mình. Các vật dụng trong nhà tôi luôn sắp xếp gọn gàng. Đồ điện, máy nước nóng lạnh, vật dụng dễ gây thương tích đều để xa tầm với các con. Gia đình tôi luôn kiểm soát chặt chẽ thời gian sinh hoạt của con; thường xuyên giáo dục, nhắc nhở con phòng tránh các rủi ro từ các vật sắc nhọn. Khoảng thời gian các con về quê chơi, tôi cũng cảnh giác con mình không chơi đùa, bơi lội xung quanh ao, hồ nếu không có người lớn trông coi…”.

Tăng cường các lớp phổ cập bơi cho trẻ em trong dịp hè để phòng, chống đuối nước. Ảnh: Đ.K.C

Trang bị kỹ năng, chủ động phòng ngừa

Nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng tránh TNTT cho trẻ, những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể liên quan bằng nhiều hình thức, mô hình, cách làm hay nhằm nâng cao trách nhiệm và đảm bảo sự an toàn cho trẻ. Theo đó, nhiều mô hình phòng, chống TNTT cho trẻ em được triển khai rộng khắp. Công tác giáo dục an toàn giao thông cho trẻ em, thanh thiếu niên, học sinh được ngành Giáo dục đặc biệt quan tâm, thường xuyên triển khai tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành nghiêm Luật Giao thông, nhất là vào kỳ nghỉ hè.

Song song đó, công tác xã hội hóa phòng, chống đuối nước cho trẻ em cũng nhận được sự quan tâm, tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội. Từ đầu hè đến nay đã có hàng chục lớp bơi miễn phí được tổ chức trên khắp địa bàn tỉnh để phổ cập bơi cho trẻ. Hàng ngàn chiếc áo phao cứu sinh đã được trao tay học sinh các địa bàn. Các địa phương cũng đã và đang đẩy mạnh việc trang bị kỹ năng sống, kỹ năng phòng tránh rủi ro, xây dựng nhiều mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Cộng đồng an toàn”, “Trường học an toàn” cho trẻ…

Để hạn chế thấp nhất tình trạng TNTT cho trẻ em, hằng năm Sở LĐ-TB&XH đều có kế hoạch phòng, chống TNTT với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa như: tổ chức các lớp tập huấn, hội thi về phòng, chống TNTT cho trẻ em; duy trì, nhân rộng các câu lạc bộ “Ông, bà cháu”, “Vì trẻ thơ”, “Quyền trẻ em”; phối hợp với các địa phương tiến hành đánh giá, nhận định những khu vực nguy hiểm, thường xuyên xảy ra tai nạn để triển khai những biện pháp phù hợp với tình hình thực tế; quan tâm bố trí nguồn lực về con người, cơ sở vật chất thực hiện công tác phòng, chống TNTT, đuối nước cho trẻ em. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 512 cộng tác viên ở khóm, ấp làm công tác bảo vệ, chăm sóc cho trẻ em. Bên cạnh đó, việc tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống TNTT, đuối nước cho trẻ em cũng diễn ra thường xuyên.

Cùng với đó, các cấp, các ngành hữu quan còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền trực quan qua tài liệu, băng-rôn, khẩu hiệu trên các trục đường chính, trường học, khu dân cư; phát huy tối đa lợi thế của hệ thống loa truyền thanh, các nền tảng mạng xã hội… để tập trung tuyên truyền về Luật Trẻ em, công tác phòng, chống TNTT, đuối nước. Qua đó, góp phần nâng cao trách nhiệm, nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về an toàn cho trẻ em.

Đồng thời, việc trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, tránh TNTT để các em có thể tự bảo vệ mình và có thể giúp đỡ bạn bè nếu không may xảy ra tai nạn cũng được các tổ chức, đoàn thể đặc biệt quan tâm, góp phần tạo ra môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.