Thanh thiếu niên

Nhịp sống trẻ

Người trẻ đi lễ chùa Rằm tháng Giêng

Thứ Sáu, 23/02/2024 | 15:00

Đi lễ chùa vào Rằm tháng Giêng để xin lộc, cầu bình an và những ước mong trong năm mới đã trở thành phong tục truyền thống tốt đẹp của người dân Việt. Nét đẹp ấy vẫn được người trẻ giữ gìn vẹn nguyên cho đến ngày nay.

Đông đảo người trẻ đến viếng Mẹ Quan âm Nam Hải tại khu Quán âm Phật đài vào Rằm tháng Giêng. Ảnh minh họa: H.L

Ngày Rằm tháng Giêng còn được gọi là tết Nguyên tiêu. Trong đó, “nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm. Nguyên tiêu tức là chỉ đêm Rằm đầu tiên trong năm. Vào ngày này, mỗi gia đình thường chuẩn bị mâm cỗ cúng thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, ông bà, cầu năm mới phát tài phát lộc, khỏe mạnh. Tùy theo từng vùng, từng điều kiện gia đình mà có cách chuẩn bị mâm cỗ khác nhau. Vào dịp lễ ngày 14 và 15 âm lịch, người dân cũng thường đi chùa, làm việc thiện... để cầu mong bình an, phúc lộc.

Gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, ngày nay vào tết Nguyên tiêu - Rằm tháng Giêng nhiều người trẻ vẫn xuất hành đi lễ, với tâm niệm năm mới đến chùa cầu may mắn, vạn sự lành. Bạn Cẩm Tú (TX. Giá Rai), cho biết: “Đến chùa vào Rằm tháng Giêng, mỗi người một tâm niệm, một ý nguyện, mong muốn bày tỏ, gửi tấm lòng thành của mình lên Phật, cầu xin sức khỏe, một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, ăn nên làm ra, gia đình bình an, sung túc. Năm nay, tôi cùng gia đình đi viếng Mẹ Quan âm Nam Hải tại khu Quán âm Phật đài và các chùa trên địa bàn TP. Bạc Liêu”.

Có thể thấy, ngày nay việc đi chùa không chỉ có người già mà còn có cả những người còn rất trẻ. Khác với thế hệ trước, người trẻ lên chùa với nhiều mong ước phong phú hơn: khỏe mạnh, học giỏi, công việc thuận lợi, tình duyên chớm nở… Đời sống văn hóa tâm linh của người Việt, bên cạnh những biểu hiện tiêu cực, thái quá thì nhìn chung là lành mạnh, tích cực với những thuần phong mỹ tục thật đáng trân trọng. Chính những mỹ tục ấy là căn cốt của đời sống tinh thần, là biểu hiện của nếp sống văn hóa, của sức sống dân tộc trong tiến trình lịch sử với những ước vọng, niềm tin vào thế giới tâm linh vừa gần gũi mà cũng thật xa vời.

Theo nhà văn Tô Hoài thì “đi chùa, lên chùa, lễ chùa” là một nét sinh hoạt văn hóa tâm linh của người Việt Nam có từ xa xưa. Theo thời gian, qua những thăng trầm của lịch sử thì nét đẹp văn hóa truyền thống ấy vẫn được người Việt gìn giữ và trao truyền cho đến tận hôm nay. 

HOÀNG NHẪN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.