Thanh thiếu niên

Người trẻ “dở ương” vì không áp lực chuyện cơm, áo

Thứ Sáu, 08/03/2024 | 16:23

Ngày nay có khá nhiều người trẻ đi làm để cho vui, chứ không đặt nặng chuyện tiền lương, bởi đằng sau họ là sự hậu thuẫn lớn về tài chính từ phía gia đình. Chính sự nuông chìu có phần thái quá của những thế hệ đã từng đi qua những năm tháng khó khăn khiến Gen Z được ưu tiên về mọi mặt, trở nên “dở ương”, thậm chí có người còn thay việc nhanh như thay áo…

Liên tục nhảy việc vì… môi trường không phù hợp

Ra trường mới 4 năm nhưng bạn trẻ Đ.T.H (xã Điền Hải, huyện Đông Hải) đã đổi gần 10 chỗ làm. Công việc bạn trẻ này làm có thâm niên lâu nhất là 1 năm ở vị trí tư vấn viên cho một công ty tài chính ở TP. Hồ Chí Minh. “Chê” làm việc ở cơ quan nhà nước bị bó buộc về thời gian, không phát huy tối đa tư duy sáng tạo nên tất cả công việc bạn chọn đều là ở các doanh nghiệp bên ngoài. Với nhiều lý do: công việc áp lực, mệt mỏi vì chạy chỉ tiêu, cấp trên ít thấu hiểu, đồng nghiệp chèn ép, muốn tích lũy kinh nghiệm ở nhiều vị trí việc làm…, H. thay việc nhanh như thay áo. Vấn đề ở chỗ, mỗi lần H. nhảy việc đều không vấp phải sự phàn nàn của gia đình, mà trái lại còn nhận được sự động viên, đồng thuận cao từ họ.

Dù ở nông thôn, nhưng cuộc sống gia đình H. khá dư dả vì “trúng đất”, công việc mua bán vật liệu xây dựng của gia đình cũng ăn nên làm ra. Từ nhỏ, H. sống trong sự nuông chìu của gia đình, lớn lên chưa phải bận tâm khi muốn mua một món đồ xa xỉ nào đó. Mỗi khi muốn quyết định chuyện gì H. sẽ làm ngay theo ý mình, chứ không hề đắn đo, vì bạn trẻ này ý thức được dù mình có quyết định quá quắt cỡ nào thì gia đình cũng sẽ luôn ủng hộ.

Người viết bài này cũng có mấy đứa em đồng hương là Gen Z lên TP. Cần Thơ học tập, rồi lập nghiệp ở đó. Mỗi khi hay tin tôi ghé Cần Thơ là tụi nhỏ lại hẹn hò và rỉ rả bên tai tôi đủ mọi bực dọc với môi trường làm việc. Những “chú ngựa non” tuy đẹp mã mà háu đá ấy luôn thích thể hiện cá tính, thường làm việc theo cảm xúc, mưa nắng thất thường, để “EQ quản lý IQ” nên công việc sẽ không đạt được kết quả cuối cùng nếu như không có người dìu dắt hoặc cầm cương. Có đứa còn quả quyết: “Nếu công việc cứ khó khăn, sếp cứ tạo áp lực kiểu này, chắc em về quê trồng rau nuôi cá, ăn cơm với mẹ. Cha mẹ em dư dả, của nả em xài cả đời không hết, hà cớ gì em phải luồn cúi vì miếng ăn chốn quê người”.

Lớn lên trong sự bảo bọc, không phải làm động móng tay, được mẹ cha cơm bưng nước rót tận răng, buồn giận một xíu là giở chiêu “tuyệt thực”, nên khi ra ngoài đi làm bị va vấp, hay gặp khổ một tí là không chịu nổi, muốn thoát khỏi môi trường làm việc, thậm chí giở thói “dở ương”, “nổi loạn” như lúc ở nhà… Đó là tình trạng chung, “căn bệnh” dễ phát tác của nhiều Gen Z khi đi làm hiện nay.

Phụ huynh nên “cắt đứt” sợi dây hậu thuẫn để con được tự lập. Trong ảnh: Bạn trẻ làm phục vụ tại một quán cà phê trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Ảnh minh họa: Đ.K.C

Thương con, hãy “cắt” sợi dây hậu thuẫn

Có thể nói, chính sự hậu thuẫn lớn từ phía gia đình, ông bà, cha mẹ khiến nhiều bạn trẻ mang tâm lý đi làm để giải khuây, để an lòng “ông bà già” chứ không phải lo gánh nặng chuyện cơm áo. Thử hỏi với mức lương vài triệu đồng/tháng thì lấy đâu ra tiền để họ chạy xe sang, xài hàng hiệu, xịt nước hoa xách tay và liên tục chạy theo các dòng iPhone đời mới… nếu không được gia đình “bao nuôi trọn đời”.

Chính cái lối nghĩ của các bậc phụ huynh đã đẩy con em mình trượt dài trên “con dốc ỷ lại”. Cứ nghĩ cuộc đời mình đã quá khổ để cày bừa, tích lũy, trải qua những năm tháng chật vật vì kinh tế, con cái cũng chỉ có một, hai đứa nên có gì cứ dồn hết cho con, cũng là để bù đắp cho chính mình của ngày xưa. Còn có trường hợp phụ huynh vì tất bật làm ăn, phát triển kinh tế, không có thời gian nhiều để chăm sóc con nên dùng cuộc sống đủ đầy nhung lụa để bù đắp cũng khiến con ngày càng ỷ lại.

Nếu quan sát, thời gian ở bên con cái của cha mẹ giai đoạn 1990 trở về sau ít hơn hẳn so với các thế hệ trước. Bên cạnh đó, nhiều luồng thông tin độc hại trên Internet cũng dễ khiến các bạn trẻ bị lạc lối giữa dòng thông tin thiếu kiểm chứng, lại không người định hướng dìu dắt nên dễ trở thành những con người độc lập, nhưng lại rất dễ bị lệch lạc và cực đoan về cuộc sống, công việc.

Có một câu nói rất hay: “Tri thức nằm ở ngoài đời, nằm trên giảng đường và trong trang sách”, nhưng hiện nay rất nhiều phụ huynh bị “Tây hóa” để con tự trải nghiệm cuộc sống và tự rút kinh nghiệm sau những vấp ngã. Để rồi, hiện tại đang có một thế hệ đang ảo tưởng rằng chỉ cần xem vài video TikTok, YouTube là đã có thể “thông thái” dù không hề kiểm chứng nguồn tin, độ chính xác đến đâu. Dù có bị cho là lỗi thời, lạc hậu nhưng người viết thấy những người dùng cách cũ để dạy con, thường xuyên tiếp xúc với chúng, hạn chế cho chúng dùng điện thoại thông minh; khuyến khích con trong tư duy, uốn nắn trong hành vi, giao tiếp; không khoe mẽ sự giàu sang của gia đình với con… luôn là những người có con cái thành công và đi rất xa.

Đã đến lúc phụ huynh nên “cắt đứt” sợi dây hậu thuẫn để con được tự lập, để chúng được làm việc, tự trang trải cuộc sống bằng thu nhập từ công sức lao động của chính mình. Có như vậy thì các bạn trẻ mới biết trân trọng công việc hiện tại, không thích phiêu lưu mạo hiểm và sống trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình, xã hội.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.