Thanh thiếu niên
Người trẻ giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Dẫu chưa có điều kiện thành lập cho riêng mình những câu lạc bộ “Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer” như một số địa phương trong cả nước, nhưng rất nhiều bạn trẻ người dân tộc ở Bạc Liêu đang là “hạt nhân” nòng cốt trong các đội, nhóm văn nghệ của các chùa Khmer, phum sóc. Họ không chỉ kế thừa, “giữ lửa”, mà còn góp phần phát huy, lan tỏa mạnh mẽ những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình qua bao thế hệ.
Các bạn trẻ Đội văn nghệ chùa Đìa Chuối trong một hoạt động giao lưu văn nghệ. Ảnh: Đ.K.C
Chung tay “giữ lửa”
Ban đầu vì có năng khiếu hát múa nên bạn trẻ Danh Thị Ngọc Mai (xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân) đã xin gia đình vào Đội văn nghệ của chùa Dì Quán. Sinh hoạt được một thời gian, Đội trưởng Đội văn nghệ chùa phát hiện Ngọc Mai cảm nhạc tốt và chơi rất hay nhạc ngũ âm nên đã thuyết phục bạn trẻ này vào đội nhạc. Vượt qua mọi rào cản (nhạc ngũ âm thường chỉ dành cho nam giới), với tình yêu lớn dành cho nhạc cụ dân tộc, Ngọc Mai dồn cả tâm huyết cho đam mê của mình. Giờ đây, bạn trẻ này đã có gần 5 năm gắn bó với đội nhạc, trở thành “hạt nhân” nòng cốt của đội trong các buổi biểu diễn tại các lễ hội, sự kiện lớn ở địa phương và ngoài tỉnh.
Ngọc Mai chia sẻ: “Cũng vì muốn chung tay giữ gìn, bảo tồn những nét độc đáo của bản sắc văn hóa dân tộc mình nên rất nhiều bạn trẻ ở địa phương tôi xin gia nhập vào các đội văn hóa - văn nghệ Khmer của các chùa. Chỉ tính riêng đội nhạc ngũ âm của tôi đã có 11 thành viên trẻ có tuổi đời từ 15 - 20. Ngoài việc tích cực tham gia tập luyện, biểu diễn, chúng tôi còn dìu dắt, chia sẻ cách chơi nhạc ngũ âm cho các em nhỏ đến sinh hoạt ở chùa Dì Quán. Mỗi lần được khoác lên mình trang phục Khmer xưa, tay thoăn thoắt lả lướt cùng nhạc cụ và thả hồn mình trôi theo những bản hòa tấu ngũ âm réo rắt, tôi cảm thấy bản thân, bạn bè mình như là những gạch nối của thời gian, tiếp tục thắp lửa gìn giữ bản sắc dân tộc Khmer trong tiến trình phát triển của xã hội hiện đại. Với tôi, đó là một niềm tự hào!”.
Cùng lan tỏa nét độc đáo văn hóa dân tộc mình
Trong dòng chảy của xã hội hiện đại, không ít bạn trẻ bị lợt phai bản sắc văn hóa, ít mặn mà với những phong tục, tập quán dân tộc mình. Nhưng may mắn là vẫn còn phần đông các bạn trẻ vẫn trân trọng giá trị truyền thống của cha ông được gìn giữ qua bao thế hệ. Họ vẫn chọn trang phục truyền thống tham gia các lễ hội của chùa, phum sóc mình vào các dịp lễ, tết truyền thống; vẫn biết chế biến, thực hiện những món ăn đặc trưng; vẫn uyển chuyển, nhịp nhàng trong từng điệu múa rôm-vông, xuất thần trong những bài trống sa-dăm… đó đã là vốn quý!
Hiện nay, dù chưa có điều kiện để thành lập riêng những câu lạc bộ “Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer” như một số địa phương, nhưng với mong muốn góp phần phát huy, lan tỏa ngày càng mạnh mẽ những nét văn hóa truyền thống dân tộc mình, nhiều bạn trẻ là học sinh - sinh viên tại chùa Khmer, địa phương, trường học đã tụ họp thành nhiều nhóm có chung sở thích. Dù chỉ là những nhóm nhỏ như múa rôm-vông, nhóm trống chhay-dăm, nhóm nhạc ngũ âm, nhóm hát… nhưng đó là cả tình yêu lớn và tâm huyết của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn văn hóa dân tộc mình.
Không chỉ vậy, trong những buổi sinh hoạt còn có thêm nhiều hoạt động phong phú như: giữ gìn tiếng nói, chữ viết, trang phục, điệu hát, múa truyền thống dân tộc… như một cách hay để cùng gìn giữ, lan tỏa bản sắc văn hóa. Ngoài những hoạt động giữ gìn bản sắc, các thành viên của các nhóm sẽ có thêm cơ hội để giao lưu, học hỏi lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm trong học tập, cuộc sống để thêm gắn kết cộng đồng.
Bạn trẻ Thạch Sóc Kha (thành viên Đội văn nghệ chùa Đìa Chuối, huyện Hòa Bình) cho biết: “Vào các dịp lễ hội truyền thống của người Khmer và những lễ hội khác tại địa phương, đội văn nghệ của chúng tôi lại hăng hái tham gia biểu diễn, mang đến cho bà con nhiều tiết mục đặc sắc, đậm chất văn hóa cổ truyền dân tộc. Chính những hoạt động ý nghĩa ấy đã giúp cho đội văn nghệ của chùa ngày càng nhận được sự tin yêu, hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các bạn trẻ, cũng như sự ủng hộ tích cực từ phía gia đình. Qua đó, những người trẻ chúng tôi đã cùng lan tỏa, gìn giữ và phát huy những gì tinh túy nhất của bản sắc văn hóa tốt đẹp dân tộc mình”.
Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là trách nhiệm không của riêng ai trước sự xâm lăng văn hóa. Với người trẻ, trách nhiệm ấy càng nặng nề và vẻ vang hơn khi các bạn là lớp thế hệ kế thừa gánh trên vai biết bao kỳ vọng của cả đất nước, dân tộc.
Kim Trúc
- Hội thao kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Nông nghiệp Việt Nam
- Khai mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng - an ninh học sinh THPT
- Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Công nghiệp công nghệ số
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh