Thanh thiếu niên
Những mô hình kinh tế hiệu quả giúp thanh niên cải thiện đời sống
Thời gian qua, nhờ sự đồng hành của Đoàn Thanh niên (TN) các cấp thông qua việc áp dụng những cách làm hay, nhân rộng những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả mà TN nghèo ở nông thôn được trợ lực kịp thời, có sinh kế, thu nhập ổn định, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, vươn lên khá giàu.
Mô hình nuôi dê thương phẩm của thanh niên xã Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân). Ảnh: Đ.K.C
Nhìn từ hiệu quả các mô hình
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, vượt qua nhiều khó khăn, biết cách đầu tư, tận dụng tốt nguồn thức ăn, áp dụng tốt kỹ thuật chăn nuôi mà đoàn viên Hứa Tân Phong (huyện Phước Long) đã khởi nghiệp thành công bằng mô hình nuôi dê thương phẩm. Khởi nghiệp từ đầu năm 2022, từ 5 con dê sinh sản ban đầu, anh Phong đã cho nhân giống thành công, với khoảng 50 - 60 con dê bố mẹ. Theo đó, trung bình mỗi năm anh xuất bán từ 1 - 2 lứa dê thịt, giá bán cao nhất là 148.000 đồng/kg, đem lại thu nhập ổn định khoảng 60 triệu đồng/năm. Đến nay, đàn dê của anh có tổng số khoảng 100 con dê giống và dê thịt. Thành công bước đầu giúp anh có thêm động lực để tiếp tục phát triển đàn dê với dự kiến trên 100 con trong tương lai.
Nhìn vườn ổi trĩu quả đang cho thu hoạch rộ của TN Lê Văn Chuẩn (ấp Nhà Lầu I, xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân), ít ai tin rằng trước đây chỉ là mảnh vườn tạp bỏ hoang. Theo gia đình anh Chuẩn, vài tháng trở lại đây ổi đã bắt đầu cho thu hoạch, trung bình khoảng 1 tuần có thể thu hoạch từ 10 - 15kg ổi. Vợ chồng Chuẩn hiện sống cùng cha mẹ, buổi sáng vợ chồng anh phụ mẹ bán thức ăn sáng trước nhà. Trưa cả nhà tranh thủ nấu rượu để bỏ mối. Nguồn thức ăn thừa từ việc bán đồ ăn sáng, cùng hèm nấu rượu được vợ chồng anh dùng để nuôi heo, nhưng vì thiếu vốn nên chỉ nuôi 1 - 2 con để tăng thu nhập.
Sau khi được Huyện đoàn - Hội LHTN huyện Hồng Dân hỗ trợ vốn để khởi nghiệp, anh Chuẩn bắt đầu mở rộng mô hình nuôi heo, đồng thời mua hơn 250 gốc ổi giống các loại về trồng nhằm cải tạo vườn tạp sau nhà và không để thời gian nhàn rỗi trôi qua vô ích. Vậy là chỉ sau 3 năm áp dụng, mô hình lại “làm chơi ăn thiệt”, vợ chồng anh đã có nguồn thu nhập ổn định để tích lũy. Hiện nay, trừ tất cả chi phí, chỉ riêng vườn ổi đã mang về lợi nhuận 20 triệu đồng/năm cho vợ chồng anh.
Đâu chỉ chăm lo cho TN nghèo ở địa phương, Đoàn TN các cấp còn có nhiều mô hình hay, thiết thực để chung tay đỡ đầu hộ nghèo, góp phần tích cực vào công tác an sinh xã hội của địa phương. Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 20 tổ hợp tác TN, gần 110 mô hình phát triển kinh tế, đỡ đầu TN, người lao động nghèo đang phát huy hiệu quả, cho sinh kế bền vững. Hầu hết mô hình này đều được tiếp cận các nguồn vốn vay, giải quyết việc làm cho TN.
Mô hình trồng ổi thương phẩm của thanh niên Lê Văn Chuẩn (ấp Nhà Lầu I, xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân).
Đồng hành để gỡ khó
Thực tiễn cho thấy, hầu hết ĐV-TN nghèo ở nông thôn đều có nghị lực vượt khó, có ước mơ thoát nghèo và mong muốn được áp dụng những mô hình cho sinh kế bền vững, nhưng lại gặp khó khăn, trở ngại về nguồn vốn đầu tư, hạn chế kỹ năng, thiếu kinh nghiệm sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm, nông sản… Bởi vậy, cần hơn nữa sự đồng hành của tổ chức Đoàn với TN trong khởi nghiệp, lập nghiệp, áp dụng hiệu quả những mô hình thoát nghèo, cho sinh kế ổn định. Đã đến lúc Đoàn TN các cấp tỉnh nhà nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật khởi nghiệp, hỗ trợ thủ tục vay vốn, xây dựng quỹ hỗ trợ TN khởi nghiệp…
Song song đó, cần thành lập, duy trì và nhân rộng các mô hình TN liên kết phát triển kinh tế; khuyến khích TN phát triển các mô hình kinh tế trong khu vực dịch vụ, du lịch, kinh tế biển dựa trên nền tảng ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ, hướng đến xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Chủ động phối hợp, tham gia triển khai hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), mô hình nuôi tôm công nghệ cao, tham gia khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh vùng ven biển của tỉnh để phát triển tổng hợp kinh tế biển, năng lượng tái tạo. Cùng với đó là tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong tổ chức các hoạt động quảng bá, kết nối ý tưởng kinh doanh, giới thiệu nông sản, hỗ trợ đầu ra sản phẩm của TN.
Việc khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn Quỹ Quốc gia về việc làm, vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Vì bạn nghèo của Tỉnh đoàn hỗ trợ, hoặc tạo điều kiện để TN tiếp cận nguồn vốn ưu tiên phát triển sản xuất - kinh doanh, các nguồn xã hội hóa khác để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên khá giàu… cũng cần được ưu tiên hàng đầu.
Có thể nói, việc đồng hành sát sao, trợ lực để gỡ khó, thẳng thắn đánh giá hiệu quả từ thực tế để áp dụng, duy trì các mô hình… chính là những cách làm hay, sáng tạo, kích thích tinh thần, ý chí vượt khó để khởi nghiệp của TN mà tổ chức Đoàn các cấp đang nỗ lực thực hiện.
Kim Trúc
- Bạc Liêu đoạt 20 huy chương tại Giải vô địch cử tạ thanh thiếu niên quốc gia năm 2025
- Sở Nông nghiệp và Môi trường Bạc Liêu: Trao đổi thông tin hợp tác với Trường đại học Cần Thơ về các lĩnh vực bảo vệ môi trường, sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản
- Bộ Công an bàn giao 42 tỷ đồng kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát cho tỉnh Bạc Liêu
- Tổ chức các hoạt động mừng Tết Chôl-chnăm-thmây năm 2025
- TP. Bạc Liêu: Hơn 140 giáo viên được công nhận giáo viên giỏi năm học 2024 - 2025