Thanh thiếu niên
Phong trào “Kế hoạch nhỏ”: Hành động nhỏ - ý nghĩa lớn
Ra đời từ năm 1958, phong trào “Kế hoạch nhỏ” là một phong trào lớn và luôn là niềm tự hào của thiếu nhi Việt Nam. Trong 66 năm qua, hàng ngàn công trình măng non trên cả nước nói chung, Bạc Liêu nói riêng đã được xây dựng từ đóng góp của những “công dân nhỏ tuổi” tham gia phong trào “Kế hoạch nhỏ”.
Nếu như trước đây, phong trào “Kế hoạch nhỏ” tập trung vào các nội dung thu nhặt phế liệu, phế phẩm, thu nhặt giấy vụn, mảnh chai, túi nylon… làm “Kế hoạch nhỏ” thì đến nay, nội dung của phong trào “Kế hoạch nhỏ” đã có nhiều thay đổi, phù hợp với sự tham gia của mọi đối tượng đội viên, thiếu nhi; đảm bảo tính hiệu quả, dễ thực hiện, hướng tới mục tiêu giáo dục, rèn luyện cho đội viên, thiếu niên và nhi đồng. Cụ thể là hướng dẫn các em thực hành tiết kiệm thông qua các hoạt động hằng ngày tại trường, lớp, gia đình; định hướng để các em hiểu và tự nguyện tham gia quyên góp các sản phẩm phế liệu hoặc lao động để tạo nguồn kinh phí xây dựng, thực hiện các công trình măng non, bổ sung trang thiết bị hoạt động Đội tại cơ sở hỗ trợ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn.
Để phong trào “Kế hoạch nhỏ” được triển khai thống nhất trong cả nước, đảm bảo đúng mục tiêu và nội dung đề ra, Hội đồng Đội Trung ương đã chỉ đạo các cơ sở Đội triển khai 3 phương thức sau: Thứ nhất, thông qua quyên góp của đội viên, thiếu nhi: Tổ chức để đội viên, thiếu nhi quyên góp giấy vụn, phế liệu, vỏ chai nước, vỏ lon nước ngọt… (sản phẩm quyên góp phải có giá trị tái sử dụng, thời gian lưu trữ sản phẩm không gây ảnh hưởng đến môi trường) hoặc quyên góp sách, truyện, đồ chơi, quần áo… còn sử dụng được. Sau khi thu gom, liên đội tổ chức phân loại, đối với sách truyện, đồ chơi, quần áo và các vật phẩm còn giá trị sử dụng, liên đội tổ chức trao tặng cho các đội viên, thiếu nhi gặp khó khăn hoặc các đơn vị kết nghĩa. Đối với giấy vụn, phế liệu, liên đội xử lý để tạo nguồn kinh phí thực hiện các nội dung của phong trào.
Thứ hai, thông qua lao động của đội viên, thiếu nhi: Tùy điều kiện thực tế tổ chức để cho đội viên, thiếu nhi lao động, như trồng rau, nuôi gia súc, gia cầm, làm các sản phẩm thủ công (ưu tiên các sản phẩm sử dụng vật dụng tái chế), làm vệ sinh trong khuôn viên nhà trường như các mô hình “Vườn ươm măng non”, “Đàn gà khăn quàng đỏ”…; tổ chức ngày hội, hội chợ để trưng bày và bán các sản phẩm thông qua lao động của thiếu nhi; hoặc báo cáo Ban Giám hiệu nhà trường trích một phần kinh phí trong công tác vệ sinh để tạo nguồn kinh phí thực hiện các nội dung của phong trào.
Thứ ba, thông qua các hoạt động tiết kiệm khác của thiếu nhi: Các liên đội có thể chủ động triển khai các mô hình hoạt động tiết kiệm khác của thiếu nhi phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị và đảm bảo mục đích, tôn chỉ của phong trào, có ý nghĩa giáo dục thiếu nhi. Quan tâm, phát triển và duy trì các mô hình kế hoạch nhỏ gắn với giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Các hoạt động tiết kiệm khác được quyên góp để hỗ trợ, giúp đỡ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức trao tặng trong dịp Trung thu, tết Nguyên đán, xây dựng nhà khăn quàng đỏ, xây dựng nhà vệ sinh, tặng không gian đọc sách và tương tác sinh hoạt Đội, thư viện xanh hướng về biển, đảo quê hương, khu vườn trí thức xanh, thẻ bảo hiểm y tế cho em…
HOÀNG NHẪN
- Đài Truyền hình Việt Nam: Ghi hình chương trình Tết “12 con giáp” tại Bạc Liêu
- Công an Phường 2: Trả lại kiện hàng trị giá gần 37 triệu đồng cho người đánh rơi
- Hyundai Thành Công Bạc Liêu: Tận tâm phục vụ quý khách
- Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 10
- 10 năm thực hiện Luật Tiếp công dân: Những kết quả đáng ghi nhận