Thanh thiếu niên
Rường cột nước nhà với cuộc chiến chống “xâm lăng văn hóa”
“Thế giới phẳng” mở rộng tối đa biên độ để các nền văn hóa (VH) giao thoa, tiếp biến. Bên cạnh việc mang đến cơ hội cho con người tiếp thu tinh hoa VH của nhân loại, làm phong phú đời sống VH, tinh thần thì các sản phẩm xuyên biên giới có nội dung độc hại cũng bắt đầu xâm nhập, len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, tác động trực tiếp đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, hành vi của giới trẻ. Làm sao để ngăn chặn, đẩy lùi, “tự miễn dịch” trước họa “xâm lăng VH” đang đặt ra thách thức lớn cho những “rường cột nước nhà” trong cuộc chiến không khoan nhượng để bảo vệ “biên cương VH tư tưởng” trong kỷ nguyên số.
Bài 1: Bức tranh buồn
Trên không gian mạng (KGM), ranh giới giữa tốt - xấu, đúng - sai ngày càng bị lu mờ và người trẻ dường như bị huyễn hoặc trong cái ma trận ảo ấy. Chính sự tôn sùng VH ngoại lai lệch chuẩn, thích thưởng thức những “rác phẩm” trên KGM… dần hình thành nên lối sống dị biệt, đi ngược với VH truyền thống dân tộc ở một số người trẻ hiện nay. Hậu quả khôn lường từ cuộc “xâm lăng VH” thời đại kỷ nguyên số không còn là nguy cơ, mà nó đã hiện hữu ở một bộ phận chủ nhân tương lai của đất nước.
Thờ ơ với VH bản địa
Cách đây không lâu, tại một diễn đàn tuổi trẻ với nhiệm vụ chấn hưng VH trong kỷ nguyên số (có chủ đề “Tuổi trẻ Bạc Liêu giữ gìn, phát huy bản sắc VH dân tộc địa phương”), khi diễn giả nhờ các bạn trẻ điểm qua các di tích lịch sử - VH nổi tiếng của tỉnh thì nhận lại là sự im lặng đến đáng sợ! Thấy không khí trầm lắng, diễn giả bắt đầu liệt kê hàng loạt các điểm VH nổi tiếng và bảo rằng bạn trẻ nào đã từng đến thì “phát tín hiệu” phản hồi. Nhưng thật đáng buồn, khi mỗi địa điểm được xướng tên thì chỉ lác đác vài cánh tay khẳng định mình đã đến, thậm chí có người còn chưa từng đặt chân đến bất kỳ di tích lịch sử - VH nào dù nó ở ngay địa phương mình!
Bạc Liêu được biết đến là vùng đất trù phú với sự góp công khai phá của 3 dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa. Ba dân tộc mang theo 3 nền VH lớn về đây hợp sức để tạo nên một nền VH cộng cư tiên tiến, đậm đà bản sắc Bạc Liêu. Điều này được minh chứng sống động qua hệ thống kiến trúc, VH ẩm thực, qua sự đặc sắc, phong phú của các hoạt động lễ tết, hội hè… Nét đẹp của VH cộng cư còn hòa quyện, tạo nên những con người anh hùng giàu lòng yêu nước, dám chống lại cường quyền để bảo vệ từng tấc đất quê mình. Đó là anh em Mười Chức - đại diện tiêu biểu người Kinh (sự kiện Đồng Nọc Nạng năm 1927); Chủ Chọt - đại diện tiêu biểu người Khmer (sự kiện Ninh Thạnh Lợi năm 1928); đại diện tiêu biểu người Hoa có nhân sĩ Cao Triều Phát, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trương Thanh… Còn nhiều anh hùng, liệt sĩ có tên và vô danh khác của 3 dân tộc anh em đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, vì một Bạc Liêu thanh bình, thịnh vượng.
Đó là nét đẹp truyền thống giàu giá trị nhân văn được kết tinh và khẳng định sau hơn 300 năm khẩn hoang mở đất. Tất cả đã tạo nên một tổng thể hoàn hảo thể hiện chiều sâu về VH của vùng đất với những con người hào hiệp, phóng khoáng, nghĩa tình. Ngoài ra, còn có thể kể đến những “điểm nhấn” VH trứ danh làm nên tên tuổi Bạc Liêu: Công tử Bạc Liêu, bác Sáu Lầu và “bài ca vua” của sân khấu cải lương - “Dạ cổ hoài lang”, Quán âm Phật đài, Nhà thờ Tắc Sậy…
Vậy nhưng bề dày VH hơn 300 năm được ông cha đánh đổi bằng mồ hôi, xương máu gầy dựng lại được kế thừa bởi một bộ phận người trẻ thờ ơ, mất gốc về VH bản địa. Họ ngập ngừng, “tim đập chân run” khi một ai đó hỏi về những nét VH đặc trưng quê hương mình; lắc đầu không biết khi có du khách hỏi đường đến những điểm du lịch VH địa phương. Họ quên đi ngôn ngữ mẹ đẻ (tiếng Khmer, Hoa) hoặc chỉ nói bập bẹ; làm mai một phong tục tập quán, nếp sinh hoạt VH dân tộc mình vì cho rằng lễ tiết rườm rà. Họ từ chối đây đẩy khi một ai đó đề nghị hát “Dạ cổ hoài lang”, ngân nga vài câu vọng cổ để minh chứng mình đến từ quê hương Dạ cổ…
Đông đảo bạn trẻ tham gia lễ hội hóa trang “Đêm kinh dị” tại một quán bar trên đường Trần Phú (TP. Bạc Liêu). Ảnh minh họa: Đ.K.C
Tô hồng “rác phẩm”, sùng bái “Idol” nhố nhăng
Thời gian qua, tiêu tốn không ít giấy mực của báo chí là thông tin bắt giữ và khởi tố các bị can về tội truyền bá VH phẩm đồi trụy. Điểm trùng hợp là hầu hết bị can đều ở độ tuổi thanh niên, trong số đó có đối tượng thuê máy chủ và tên miền của những nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài để xây dựng, lập website rồi phát tán và thu lợi từ các video “bẩn”. Nguyên nhân phạm tội vì tiền thì đã rõ. Nhưng đáng báo động hơn là tình trạng có không ít khán thính giả trẻ tuổi đam mê thưởng thức, thậm chí cổ xúy cho những “rác phẩm” VH đã trực tiếp “nối giáo cho giặc”, tạo nguồn cơn cho những hành vi bất chấp pháp luật, coi thường VH truyền thống, thuần phong mỹ tục dân tộc.
Hiện nay, các thể loại văn học, phim, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, hội họa, nhiếp ảnh, trò chơi trực tuyến… trên KGM đang tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, hành vi, nhân cách thanh thiếu niên. Đáng lo ngại là trong số đó, có rất nhiều “rác phẩm” ẩn mình: phim ngắn khai thác cảnh nóng, khiêu dâm, bạo lực, giang hồ xăm trổ; clip tục tĩu, phản cảm, hài nhảm; MV âm nhạc để “câu view”, “câu like”… lại thu hút hàng triệu lượt khán giả trẻ (trong đó có không ít người trẻ ở Bạc Liêu).
Đáng quan ngại hơn khi các hành vi phản cảm, ứng xử vô VH, hiện tượng ném đá hội đồng, anh hùng bàn phím… ngày càng phổ biến, thu hút lượng lớn người trẻ tham gia tương tác “bẩn”. Đó là còn chưa kể hiện tượng ngôn ngữ mạng (ngôn ngữ thời @, tuổi teen, tiếng lóng, tiếng ta “đá” tiếng Tây) đang làm ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt. Một bộ phận thanh niên đang bị Tây hóa, lai căng, mất gốc; chỉ thích sống gấp để hưởng thụ, thỏa mãn nhu cầu cá nhân, nhưng lười lao động dẫn đến những hành vi lệch chuẩn, thậm chí vi phạm pháp luật. Điều đáng buồn là sau khi “thẩm thấu” một mớ kiến thức, VH hỗn độn trên KGM họ lại quay sang chê bai mọi thứ của đất nước, coi thường các giá trị VH truyền thống của cha ông, của dân tộc và xem đó là trì trệ, lạc hậu.
“Ung nhọt” gây nhức nhối xã hội hiện nay còn ở hiện tượng “cuồng thần tượng” (Idol) trong giới trẻ. Từ việc hấp thu sản phẩm, lối sống của những Idol nhố nhăng đã khiến một bộ phận người trẻ không phân biệt được ranh giới đúng - sai, hay - dở, phi VH. Nhiều thần tượng mạng được giới trẻ Bạc Liêu phong làm “thánh ăn” vì những kiểu ăn quái đản, ngược đời. Có cả những Idol dẫn dắt lối sống với quan điểm không cần đi học, đi làm, chỉ cần lên mạng tìm người bao nuôi; hay những “giang hồ mạng” với lý lịch phức tạp lại trở thành “KOL” (người có sức ảnh hưởng) được nhiều bạn trẻ Bạc Liêu theo dõi… Những thần tượng nhố nhăng này đang làm bùng phát nguy cơ sống lệch chuẩn trong giới trẻ.
Thật đáng báo động khi những sự méo mó, lệch chuẩn lại được tô hồng qua lăng kính nghệ thuật, cuốn người trẻ vào vòng xoáy không lối thoát. Càng làm những hành động phản cảm càng gây chú ý, dễ kiếm tiền, thành công và được tung hô. Ranh giới mong manh giữa tốt - xấu, thiện - ác, đúng - sai bị lu mờ trên KGM khi một số bạn trẻ chưa đủ nhận thức, bản lĩnh để phân biệt hoặc cố tình phớt lờ. Để rồi không khéo lại đẩy bản thân trở thành “nô lệ” trước họa “xâm lăng VH”.
Mai Khôi
- Khánh thành cầu giao thông nông thôn và tặng quà Tết cho gia đình chính sách huyện Đông Hải
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Họp mặt kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
- Khánh thành trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
- Huyện Hòa Bình: Gần 200 học sinh tham gia Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” năm học 2024 - 2025
- Giải Vô địch Cử tạ thanh thiếu niên và Vô địch Cử tạ trẻ châu Á năm 2024: Vận động viên Thạch Hoàng Sang của Bạc Liêu đoạt 3 huy chương