Thanh thiếu niên
Rường cột nước nhà với cuộc chiến chống “xâm lăng văn hóa”
Bài cuối: Tạo “khiên chắn” bảo vệ dân tộc từ gốc rễ
>>> Bài 2: “Thế giới ảo” không hoàn toàn là thủ phạm!
Quá trình hội nhập quốc tế đang đặt cho những “rường cột nước nhà” bài toán nan giải: làm sao vừa tiếp thu được tinh hoa văn hóa (VH) nhân loại, vừa biết gạn đục khơi trong, hòa nhập nhưng không hòa tan, đổi mới nhưng không “đổi màu”, biết giữ gìn và phát huy bản sắc, giá trị VH truyền thống của dân tộc trong thời đại mới. Và đáp án của bài toán khó, “tấm khiên chắn” hữu hiệu nhất để bảo vệ dân tộc, bảo vệ thế hệ trẻ trước họa “xâm lăng VH” từ gốc rễ chính là ở ý thức của mỗi người.
Thiếu nữ Khmer trong trang phục truyền thống cung đình xưa nhân Tết cổ truyền dân tộc. Ảnh minh họa: Đ.K.C
Tựa vào VH truyền thống để giữ gìn, phát huy bản sắc
Tạm quên đi góc khuất của bức tranh buồn về VH, nhiều bạn trẻ ngày nay đang phát đi những tín hiệu đầy lạc quan, khẳng định đanh thép tình yêu cội nguồn bằng việc lấy VH truyền thống của dân tộc làm nền tảng để đổi mới, sáng tạo. Điển hình là nhiều người trẻ đã biết tựa vào VH truyền thống dân tộc làm nguồn cảm hứng để thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật. Như lĩnh vực âm nhạc, nhiều nghệ sĩ trẻ đã mạnh dạn khai thác, biến tấu những chất liệu dân gian, tạo ra những tác phẩm gây tiếng vang lớn: “Chiếc khăn piêu” mang âm hưởng Tây Bắc nhưng được phối khí theo phong cách nhạc jazz; hay hình tượng “Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương, cô Tấm, nàng Mị, Thúy Kiều đi vào âm nhạc đương đại; và gần nhất là việc đưa lý, vọng cổ vào nhạc trẻ… Đây là những minh chứng sống động cho bản sắc VH Việt đang thấm sâu vào giới trẻ.
Nhìn qua ngành Mỹ thuật, một số họa sĩ trẻ đang tiên phong làm mới dòng tranh dân gian bằng mỹ thuật ứng dụng đương đại. Nhiều họa sĩ trẻ ở Bạc Liêu còn thổi hồn VH bản địa, đặc sắc địa phương vào từng tác phẩm hội họa với nhiều chất liệu, chủ đề phong phú, chất lượng, có chiều sâu VH. Lĩnh vực thời trang cũng không thiếu những câu chuyện thú vị chứng minh cho tình yêu cội nguồn VH của lớp người trẻ tuổi. Nhiều nhóm bạn trẻ có chung đam mê tìm hiểu về trang phục truyền thống các dân tộc đã thành lập các trang thông tin, Fanpage được đầu tư cả về hình ảnh lẫn nội dung, thu hút đông đảo sự hưởng ứng, tương tác. Từ đây, rất nhiều dự án tìm hiểu về cổ phục Việt và phục dựng trang phục cổ truyền đã tạo ra tác động rất lớn tới cộng đồng.
Ẩm thực, du lịch - những lĩnh vực chứa đựng chiều sâu VH cũng trở thành phương tiện hữu hiệu để các bạn trẻ quảng bá, giới thiệu VH dân tộc đến bè bạn gần xa, quốc tế. Không chỉ dừng lại ở tình yêu và niềm đam mê, nhiều người trẻ còn biết khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng VH truyền thống. Nhiều kênh YouTube, trang web, tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội (MXH) được các bạn trẻ xây dựng cung cấp nội dung phong phú, hấp dẫn về các món ăn truyền thống, di tích, thắng cảnh, VH dân tộc các vùng miền... thu hút đông đảo lượt xem và chia sẻ.
Hiện nay tại Bạc Liêu, nhiều câu lạc bộ đờn ca tài tử, đội nhóm VH - văn nghệ trong học đường, các phum sóc đang làm rất tốt vai trò tập hợp, truyền dạy, lan tỏa các giá trị VH truyền thống đến bạn trẻ. Từ am hiểu, thẩm thấu tận tường, lớp người trẻ kế thừa càng thêm ý thức, quyết tâm giữ gìn cội rễ VH của cha ông, dân tộc.
Niềm tin từ sức mạnh cộng lực
Bên cạnh hệ thống giải pháp về cơ chế, chính sách, tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp dựa trên nền tảng VH, thì việc giáo dục cái hay, cái đẹp của VH Việt Nam nói chung, Bạc Liêu nói riêng cần được đẩy mạnh ngay từ các bậc học phổ thông, ở các tổ chức Đoàn, Hội, Đội cũng như trong toàn xã hội; giúp người trẻ có nền tảng tri thức về VH và lòng tự hào, tự tôn dân tộc, biết tiếp thu tinh hoa VH nhân loại để làm giàu thêm vốn VH truyền thống nước nhà, bản địa.
Không chỉ vậy, tổ chức Đoàn, Hội, Đội cần tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, gia đình, nhà trường trong giáo dục đạo đức, lối sống VH cho giới trẻ; thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận của cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi trên MXH để kịp thời định hướng, tuyên truyền. Đồng thời đẩy mạnh nêu gương người tốt, việc tốt và các giá trị đạo đức xã hội nhằm hướng tới phòng, chống nguy cơ lệch chuẩn VH và phản VH cho giới trẻ.
Công tác dọn dẹp lại môi trường VH tiêu cực, ươm mầm phát triển cho không gian VH tích cực với bản sắc riêng, phát huy nội lực bằng những tác phẩm có chất lượng, cùng với những hoạt động của các cơ quan an ninh trong đấu tranh ngăn chặn các thế lực thù địch, phản động lợi dụng tấn công trên các lĩnh vực VH cũng là việc làm bức thiết. Những giải pháp ngăn chặn việc phát tán sản phẩm VH nước ngoài độc hại cần được quyết liệt, ráo riết triển khai, không để những “rác phẩm” này tán phát trên không gian mạng và thẩm thấu vào tâm trí người trẻ. Cùng với đó, việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực VH, xây dựng môi trường VH lành mạnh, siết chặt quản lý dịch vụ nền tảng xuyên biên giới, hạn chế và tiến tới ngăn chặn triệt để các sản phẩm VH độc hại thẩm lậu vào Việt Nam cũng nên chú trọng.
Đặc biệt, cần tăng cường hơn nữa việc giáo dục truyền thống lịch sử, những giá trị VH truyền thống của dân tộc đến giới trẻ, giúp họ nhận chân cái hay, cái đẹp, giá trị nhân văn sâu sắc của VH truyền thống trên cơ sở khoa học. Khi niềm tự hào dân tộc được đặt trên cơ sở khoa học sẽ thuyết phục thế hệ trẻ, giúp họ có trách nhiệm, hành động thiết thực hơn trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị VH truyền thống. Song song đó, cần lên án, phê phán những hành vi xem nhẹ các giá trị VH truyền thống, hành vi vi phạm chuẩn mực VH của dân tộc thông qua nhiều kênh, nhiều phương tiện, nhất là tận dụng ưu thế của các phương tiện truyền thông mới hiện nay.
Và yếu tố cốt tử để giải quyết vấn nạn “xâm lăng VH”, bảo vệ VH truyền thống hiện nay chính là ở ý thức của mỗi người trẻ. Các bạn phải “dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, xây hoài bão lớn” khi tương tác trên MXH; phải nêu gương trong thực hành VH, nhất là VH trên MXH. “Với vai trò những “sứ giả VH” trong hành trình chấn hưng VH trong kỷ nguyên số, mỗi bạn trẻ hãy nỗ lực “lấy hoa thơm lấn dần cỏ dại”, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, để giữ gìn, phát huy bản sắc VH của địa phương, dân tộc. Để làm được điều ấy thì trước nhất mỗi người trẻ phải là hiện thân VH của chính mình!”, TS. Trương Thu Trang - Giảng viên Trường đại học Bạc Liêu gửi gắm kỳ vọng đến thế hệ trẻ tại diễn đàn “Thanh niên với nhiệm vụ chấn hưng VH trong kỷ nguyên số”.
VH là hồn cốt dân tộc, là “tấm hộ chiếu” để chứng thực diện mạo của một quốc gia trên đường hội nhập quốc tế. Công cuộc chấn hưng VH luôn phải bắt đầu từ yếu tố trung tâm là con người và thế hệ trẻ chính là lực lượng đông đảo nhất trong sáng tạo, hưởng thụ VH. Thế nên, bên cạnh việc cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội thì thời gian tới, các cấp bộ Đoàn nên tăng cường hơn nữa việc tổ chức các hoạt động VH mới, mang giá trị mới, hiện đại và phù hợp với thị hiếu của thanh niên. Từ đó, góp phần thu hút, tăng “sức đề kháng”, tạo “tấm khiên chắn” vững chắc để bảo vệ “rường cột nước nhà” trước họa “xâm lăng VH”, xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam nói chung, Bạc Liêu nói riêng thời kỳ mới “Bản lĩnh vững vàng - Tiên phong hành động - Sáng tạo không ngừng - Khát vọng vươn lên”.
Mai Khôi
- Khánh thành cầu giao thông nông thôn và tặng quà Tết cho gia đình chính sách huyện Đông Hải
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Họp mặt kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
- Khánh thành trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
- Huyện Hòa Bình: Gần 200 học sinh tham gia Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” năm học 2024 - 2025
- Giải Vô địch Cử tạ thanh thiếu niên và Vô địch Cử tạ trẻ châu Á năm 2024: Vận động viên Thạch Hoàng Sang của Bạc Liêu đoạt 3 huy chương