Thanh thiếu niên
Thanh niên và văn hóa ứng xử nơi công cộng
Hiện nay, văn hóa ứng xử nơi công cộng của thanh niên vẫn còn nhiều điều đáng bàn khi có khá nhiều bạn trẻ mang tâm lý a dua, hưởng ứng theo phong trào, hành động theo cảm tính như: tụ tập gây mất trật tự an toàn giao thông, hò hét thể hiện bức xúc giữa chốn đông người… Điều đó phần nào làm xấu đi hình ảnh của giới trẻ năng động, lịch thiệp.
Thanh niên tụ tập gây mất trật tự an toàn giao thông. Ảnh: internet
Nhìn chung, thanh niên ngày nay rất năng động, sáng tạo, có nhiều việc làm cụ thể góp phần xây dựng quê hương Bạc Liêu ngày càng văn minh, giàu đẹp. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số thanh niên có những hành vi thiếu văn hóa, khó chấp nhận ở nơi công cộng. Đơn cử, vào chiều 4/10/2015, tại cầu Võ Thị Sáu (TP. Bạc Liêu) xảy ra một vụ tai nạn khi tắm sông khiến một thanh niên tử vong. Vụ việc “thu hút” đông đảo thanh thiếu niên lưu thông trên đường dừng xe lại xem làm mất trật tự an toàn giao thông. Điều đáng nói là trong lúc gia đình của nạn nhân đang đau buồn tìm kiếm xác người thân thì nhiều thanh niên đứng cạnh bên lại nói cười vui vẻ. Có thể là những thanh niên này thật sự rất vô tư (đến nỗi hóa vô tâm), nhưng điều đó đã làm nhiều người chứng kiến cảm thấy khó chịu. Có mặt tại nơi xảy ra vụ việc, T.P (huyện Vĩnh Lợi) chạnh lòng: “Không biết những thanh niên ấy nghĩ gì trong khi gia đình người ta đau buồn cực độ thì các bạn lại cười đùa vui vẻ. Theo tôi, các bạn trẻ này nên xem lại cách ứng xử của mình”.
Là lực lượng trẻ nên hầu hết các buổi lễ lớn của tỉnh đều có sự góp mặt của đông đảo đoàn viên - thanh niên (ĐV-TN). Việc tham gia các ngày lễ kỷ niệm lịch sử để hiểu thêm về truyền thống đấu tranh anh hùng của cha ông đi trước, từ đó giữ gìn và phát huy giá trị tốt đẹp là điều đáng ghi nhận ở các ĐV-TN. Tuy nhiên, một thực trạng đáng buồn là sau khi buổi lễ kết thúc, “khách về rác ở lại”. Phải chăng đó là thói quen và lối suy nghĩ ích kỷ của một bộ phận thanh niên vì đã có đội thu gom rác.
Với nhiều học sinh, sinh viên thì các trận bóng đá trên truyền hình là “món ăn tinh thần” không thể bỏ qua trong dịp hè hay những ngày cuối tuần. Tuy vậy, không ít bạn đã có hành động không đẹp trong lúc xem thi đấu như: đập bàn, đập ghế, thậm chí chửi thề khi đội bóng mình yêu thích bị sút tung lưới, hay cởi áo, nhảy múa khi thần tượng ghi bàn… Nếu có dịp ngồi xem bóng đá ở các quán cà phê trên địa bàn TP. Bạc Liêu thì sẽ dễ dàng chứng kiến “muôn hình vạn trạng” kiểu cổ động bát nháo của học sinh, sinh viên khiến người xung quanh phải lắc đầu ngao ngán. Anh V.B (TP. Bạc Liêu) chia sẻ: “Tôi rất mê bóng đá nên thường xuyên có mặt ở các quán cà phê để theo dõi các đội bóng tranh tài. Lúc xem, tôi thấy nhiều bạn trẻ thể hiện cảm xúc rất đúng với tinh thần thể thao như vỗ tay khi đội bóng mình thích ghi bàn. Song cũng có không ít thanh niên buông lời tục tĩu, thậm chí gây sự với các cổ động viên của đội khác khi đội bóng mình thích chơi không tốt”.
Văn hóa ứng xử là cách đối nhân xử thế giữa người với người trong cuộc sống. Việc ứng xử có văn hóa không chỉ tạo nét đẹp cho bản thân, mà còn phản ánh bản sắc văn hóa của địa phương, của dân tộc. Vì thế, việc nâng cao ý thức ứng xử văn minh, lịch thiệp, nhất là ở chốn đông người là một trong những vấn đề quan trọng mà thanh niên cần phải đi đầu thực hiện. Bởi thanh niên là thế hệ làm chủ đất nước trong tương lai!
GIA NGUYỄN
- Tự hào, rạng rỡ chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc khải hoàn”
- Khánh thành Dự án trưng bày nội thất Bảo tàng tổng hợp tỉnh
- Kỳ họp 20, HĐND TP. Bạc Liêu khóa XII: Trên 95,7% cử tri tán thành chủ trương sắp xếp thành lập tỉnh Cà Mau trên cơ sở hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Mạng lưới Hỗ trợ học sinh - sinh viên Khởi nghiệp Khu vực ĐBSCL: Bàn “Giải pháp xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại trường đại học”
- Gần 100 đoàn viên - thanh niên về nguồn tri ân tại di tích Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh