Thanh thiếu niên

Thực trạng thiếu kỹ năng sống: “Căn bệnh nguy hiểm” đối với giới trẻ

Thứ Hai, 04/11/2013 | 18:12

Hàng loạt những “vụ án” liên quan đến thanh thiếu niên thời gian qua mà phần lớn nguyên nhân do thiếu trang bị kỹ năng sống (KNS) đã làm dấy lên nỗi nghi ngại trong xã hội. Chưa bao giờ vấn đề KNS lại được quan tâm như hiện nay. Thiếu KNS được ví như “căn bệnh nguy hiểm” làm ảnh hưởng trực tiếp đến hành động, suy nghĩ của các bạn trẻ.

Cho đến nay chưa có một định nghĩa KNS thống nhất trên các văn bản và trong giới khoa học. Theo UNESCO thì KNS là “năng lực tham gia với cuộc sống”. WHO lại định nghĩa là “hành vi thích ứng với cuộc sống”. Còn UNICEF thì cho đó là “khả năng ứng phó với cuộc sống”. Phát biểu tại hội thảo khoa học “Giải pháp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh THPT và THCN trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu trong giai đoạn hiện nay”, TS. Lê Văn Sơn - Viện EBM (giáo dục và QTKD) cho rằng: “Nói đơn giản, KNS là sự vận dụng hiểu biết (kiến thức) để làm người sống chung trong xã hội. Đó là những kỹ năng ăn ở đối xử, biết mình, biết người, làm chủ cảm xúc, ứng phó hợp lý trong cộng đồng. Đó là những kỹ năng thiên về xã hội, cảm xúc - không bao hàm các kỹ năng kỹ thuật, nghề nghiệp, chuyên môn.

“Chẩn đoán bệnh” qua suy nghĩ của giới trẻ…

Một giảng viên của một trường chuyên nghiệp trong tỉnh đã kể cho tôi nghe câu chuyện thế này: Trong giờ nghỉ trưa có số điện thoại lạ gọi đến cho bạn. Vừa bắt máy, bạn đã nghe đầu dây bên kia dồn dập: “Cô hả, chiều nay cho em xin nghỉ tiết của cô nghe”. Thật sự giảng viên cũng chưa biết sinh viên đó tên gì, học lớp nào và cũng chưa kịp trả lời thì đầu dây bên kia đã cúp máy. Chuyện này làm cho giảng viên cứ trăn trở: “Sinh viên đại học mà không hiểu được những kỹ năng giao tiếp đơn giản thì nói gì đến những vấn đề đòi hỏi những kỹ năng phức tạp và tinh tế”. Tôi cũng tự hỏi, không biết khi tốt nghiệp ra trường, bạn sinh viên ấy làm cách nào để thuyết phục nhà tuyển dụng? Đây chỉ là một trong rất nhiều tình huống cho thấy các bạn trẻ thiếu hụt cả những KNS đơn giản. Để rồi khi va chạm thực tế đã có không ít bạn trẻ tỏ ra lúng túng.

Vấn đề thiếu KNS còn khiến không ít người trẻ không trụ vững trước tác động bên ngoài. Từ đó có những quan điểm, suy nghĩ lệch chuẩn. Thay vì cố gắng hoàn thành con đường học vấn thì H. - nữ sinh của một trường trung cấp chuyên nghiệp lại chọn một hướng đi khác. Ôm giấc mộng có chồng đại gia, nên khi gặp “người trong mộng”, H. vội vàng “theo chồng bỏ cuộc chơi”. Không lâu sau đó hôn nhân tan vỡ, con đường học vấn cũng dở dang. Câu chuyện của H. không phải là hiếm trong xã hội ngày nay. Nhiều cô gái trẻ ôm giấc mộng đổi đời, nhưng không muốn phấn đấu bằng chính công sức của mình, họ đã chọn cách sống dựa dẫm, phụ thuộc vào người khác.

Cũng là một biểu hiện của căn bệnh thiếu KNS, nhưng ở cấp độ nguy hiểm ơn. Đó là tình trạng một số bạn trẻ thiếu sự định hướng, không phân biệt được giữa cái thiện - cái ác, giữa đúng - sai. Gần đây cư dân mạng xôn xao việc một cô gái có biệt danh bà Tưng. Vì muốn nhanh chóng được nổi tiếng, cô gái này đã không ngần ngại tung những đoạn clip khoe thân thể và kèm heo những câu phát ngôn gây sốc. Điều đáng nói, bên cạnh làn sóng phản đối vẫn có những người trẻ bênh vực và cổ xúy cho hành động lệch lạc này!

Một biểu hiện nữa của việc thiếu KNS chính là thái độ thờ ơ, vô cảm. Vô cảm với mọi người xung quanh và vô trách nhiệm với bản thân mình. Trước những vụ bạo lực học đường, thay vì can ngăn bạn bè thì một số bạn trẻ vây quanh để hò hét, cổ vũ. Tôi được biết có khá nhiều bạn trẻ đăng ký học trung cấp, cao đẳng, nhưng khi hỏi lý do của sự chọn lựa này thì các bạn lại không trả lời được. Còn một số trường hợp khác thì lại nêu lý do để khỏi phải thi hành… nghĩa vụ quân sự?! Rõ ràng, không ít người trẻ đã không nhận ra giá trị bản thân, giá trị cuộc sống. Họ sống không hoài bão ước mơ, bản thân họ cũng không biết mình đang cần gì?

… Đến những hành động đáng lên án

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra rất nhiều vụ án gây hoang mang cho tất cả mọi người, bởi sự ra tay tàn nhẫn của những thủ phạm trẻ tuổi. Dư luận đặt ra câu hỏi: Vì sao tội phạm ngày càng trẻ hóa và có chiều hướng gia tăng?

Sinh viên trường Đại học Bạc Liêu chia sẻ băn khoăn cùng các doanh nghiệp tại buổi tọa đàm “Trao đổi - chia sẻ kinh nghiệm tuyển dụng nhân sự”. Ảnh: H.T

Một học sinh lớp 8 ra tay sát hại cha nuôi bằng nhiều nhát dao. Một học sinh chuẩn bị bước chân vào giảng đường đại học nhẫn tâm tước đoạt mạng sống của bạn thân, sau đó mang xác đi đốt. Đáng lên án hơn nữa, sau khi gây án, đối tượng thản nhiên trở về nhà ngủ và xem như không có chuyện gì xảy ra. Lỡ mang thai ngoài ý muốn, một nữ sinh sau khi “lén” hạ sinh đã mang đứa con mình rứt ruột đẻ ra bỏ xuống kênh làm đứa trẻ thiệt mạng. Trong năm 2013 này, chỉ trong một ngày trên địa bàn tỉnh có đến 2 học sinh bị đâm trọng thương mà nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ nhặt. Gần đây nhất là vụ một nữ sinh viên bị lực lượng công an bắt quả tang khi đang thực hiện hành vi bán dâm cho khách.

Có một điểm chung trong các vụ án vừa điểm qua là các đối tượng đều có học thức hoặc còn ngồi trên ghế nhà trường. Những người được thừa hưởng điều kiện giáo dục tốt nhất lại trở thành tội phạm - một nghịch lý thật đau lòng.

Tại hội thảo Giáo dục KNS cho học sinh phổ thông do Bộ GD-ĐT tổ chức, chuyên gia Phan Thị Lạc đã nói rằng: “Hãy nhìn tội phạm trẻ vị thành niên đang gia tăng, hành vi ứng xử tiêu cực khi các em gặp phải sự cố bất thường nho nhỏ trong cuộc sống; học sinh 18 tuổi tốt nghiệp THPT không biết lựa chọn cho mình hướng đi nào… Để tồn tại và phát triển, con người cần đứng vững và bước vững chắc trên đôi chân của mình và cần có KNS”.

Quay trở lại những vụ án trên, với hành động bị xã hội kịch liệt lên án, chắc chắn những đối tượng kia sẽ phải trả giá trước sự nghiêm trị của pháp luật. Điều này cũng đồng nghĩa với việc họ tự khép đi tương lai của mình. Nhìn từ góc độ pháp luật là như vậy. Riêng ở góc độ giáo dục thì những cơ sở giáo dục, gia đình và các cơ quan đoàn thể nhìn nhận, rút ra được gì qua những vụ việc trên? Chắc chắn những sự vụ trên không thể hoàn toàn do lỗi ở các em. Vậy ai sẽ nhận trách nhiệm này?

Tuấn Anh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.