Thanh thiếu niên

Tìm hướng đi mới phát triển kinh tế tập thể thanh niên

Thứ Tư, 25/12/2024 | 15:28

Những năm qua, tổ chức Đoàn các cấp trong tỉnh đã tích cực kết nối, thành lập, vận động đoàn viên - thanh niên (ĐV-TN) tham gia các mô hình kinh tế tập thể (KTTT), tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) phù hợp với điều kiện thực tế, thế mạnh của địa phương; đồng thời có nhiều hoạt động thiết thực đồng hành, hỗ trợ duy trì các mô hình. Từ đó đã giúp ĐV-TN các địa phương giải quyết việc làm, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, để phù hợp với xu thế thời đại, đã đến lúc phải tìm thêm hướng đi mới giúp các bạn trẻ phát triển mạnh KTTT, vươn lên làm giàu.

Đồng hành cùng lợi ích thiết thân của thanh niên

Nhằm khuyến khích ĐV-TN tích cực tham gia sản xuất, ổn định kinh tế, đóng góp sức trẻ vào sự phát triển kinh tế bền vững của địa phương, thời gian qua Tỉnh đoàn, Đoàn Thanh niên các cấp đã chủ động nắm bắt tình hình và kịp thời hỗ trợ nhiều mô hình KTTT trên địa bàn. Điển hình như: mô hình trồng dưa lưới của HTX Yến Nhi (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu), THT nuôi lươn sạch của thanh niên ấp Ninh Chài (xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân), trồng rau má của THT Thanh niên (xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long), HTX Nông nghiệp tổng hợp Ba Đình (huyện Hồng Dân)… Thông qua nhiều hoạt động đồng hành thiết thực tổ chức Đoàn các cấp đã chia sẻ thêm những cơ hội, định hướng để các THT, HTX tiếp cận thêm các nguồn vốn vay ưu đãi, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, ứng dụng chuyển đổi số trong quá trình tiếp thị, quảng cáo sản phẩm…

Nhờ vậy, hiện nay hầu hết các mô hình KTTT trên địa bàn tỉnh do thanh niên làm chủ có hướng phát triển tốt, mở rộng quy mô cả về thành viên lẫn vốn, ngành nghề hoạt động. Các mô hình còn tổ chức ngày càng nhiều dịch vụ phục vụ nhu cầu chung của thành viên; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ đầu ra sản phẩm, sản xuất theo kế hoạch, theo thị trường… mang lại lợi ích thiết thực, nâng cao thu nhập, đời sống thành viên. Không chỉ vậy, tổ chức Đoàn các cấp, ĐV-TN các địa phương còn phát triển mới các mô hình HTX, THT sản xuất gắn với chuỗi giá trị nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương. Có nhiều mô hình HTX, THT tiếp tục được phát huy, hoạt động rất tốt, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế địa phương hiệu quả, bền vững…

Để duy trì, phát huy hiệu quả các mô hình KTTT trong thanh niên, Tỉnh đoàn Bạc Liêu tiếp tục tổ chức, chỉ đạo cho Đoàn các xã, thị trấn nắm bắt tình hình, nhu cầu, nguyện vọng của ĐV-TN trong vấn đề phát triển KTTT để có thể hỗ trợ, giúp đỡ ĐV-TN kịp thời. Từ lợi thế này, THT chăn nuôi 26/3 của thanh niên Ninh Quới (huyện Hồng Dân) đã ra đời hướng đến mục tiêu phát triển KTTT, sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn. Đây là tổ chức KTTT đồng sở hữu do các thành viên là ĐV-TN tự nguyện thành lập với vốn điều lệ ban đầu là 70 triệu đồng. THT hiện có 6 thành viên đang có mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm (heo, gà, vịt…) trên địa bàn xã. THT hoạt động theo hướng chăn nuôi - dịch vụ, hỗ trợ thành viên thông qua việc đại diện hợp tác liên kết, cung ứng con giống, thức ăn, vật tư chăn nuôi, liên kết tiêu thụ đầu ra. Từ đó, giúp thành viên phát triển chăn nuôi giảm chi phí đầu tư, hạn chế rủi ro…

Mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm kết hợp của thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi 26/3 (xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân).

Thay đổi để thích ứng

Có thể nói, dù đã có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế, nhưng vấn đề thiếu kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất, chưa có đầu ra ổn định cho sản phẩm, chưa mạnh dạn ứng dụng chuyển đổi số trong quảng bá sản phẩm… vẫn là băn khoăn, bận tâm lớn của các thành viên THT, HTX hiện nay. Để giải quyết vấn đề này, Tỉnh đoàn, Đoàn các cấp sẽ đồng hành, tích cực phối hợp với ngành chuyên môn đẩy mạnh công tác tập huấn kỹ thuật, học tập kinh nghiệm cho thành viên, Ban Chủ nhiệm HTX, THT; tích cực vận động các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ giới thiệu và quảng bá sản phẩm ra thị trường.

Tuy nhiên, giải pháp căn cơ nhất vẫn là các THT, HTX chủ động “tự bơi”, tự tìm hướng mới để phát triển mô hình KTTT của mình. Theo đó, hiện nay HTX Ba Đình (Thanh niên xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân) dù đang hoạt động rất hiệu quả với vốn điều lệ và lưu động hơn 1,5 tỷ đồng, nhưng vẫn không ngừng ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Cụ thể, đã đầu tư khu ương tôm 2 giai đoạn công nghệ cao 5.000m2; áp dụng phương pháp canh tác lúa gieo mạ thảm trên sân kết hợp với máy cấy, phương pháp sạ kéo hàng giúp giảm được chi phí sản xuất, hạn chế sâu bệnh và phân bón, giúp nâng cao giá trị hạt lúa, gạo sạch, năng suất lúa nâng lên từ 0,5 - 1 tấn lúa/ha/vụ; áp dụng công nghệ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay giúp giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả và bảo vệ sức khỏe cho người trực tiếp sản xuất lúa, góp phần nâng cao giá trị hạt gạo của địa phương. Trên nền tảng đó, HTX đang tiến đến xây dựng thương hiệu “Gạo lúa - tôm Ba Đình”, sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc facefarm trong sản xuất…

Bí thư Tỉnh đoàn - Phạm Tuấn Tài chia sẻ: “Với khát vọng “giữ chân” thanh niên ở lại quê nhà phát triển kinh tế, khởi nghiệp, lập thân, làm giàu chính đáng ở nơi “chôn nhau cắn rốn”, trong những năm qua, Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, kết nối, tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển mô hình KTTT với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Điều mà thanh niên tỉnh nhà học hỏi, nhận thấy rõ nhất chính là khát vọng muốn đóng góp sức trẻ vào sự phát triển chung của địa phương và sự táo bạo trong ứng dụng chuyển đổi số vào phát triển KTTT. Đây sẽ là nền tảng, kinh nghiệm hay để thành viên các mô hình THT, HTX của tuổi trẻ tỉnh nhà mạnh dạn ứng dụng chuyển đổi số, công nghiệp 4.0 vào sản xuất - kinh doanh, quảng bá sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, OCOP; hình thành nên chuỗi cửa hàng online liên kết bán sản phẩm OCOP, nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh… tạo hướng đi mới mang tính thích ứng cho các mô hình KTTT trong thanh niên”.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.