Thể thao

Olympic, một Paris lạ lắm!

Chủ Nhật, 28/07/2024 | 16:17

Mùa hè 2024 là một hành trình dài tưởng như vô tận. Euro rồi Olympic. Chỉ vài ngày nghỉ ngơi, chặng đường lại tiếp tục trước mắt, đưa tôi tới Paris, với vẻ diễm lệ của một thành phố mà bạn có đi cả chục lần cũng không thấy chán. Nhưng lần này, đúng ngày khai mạc Olympic, Paris khác lắm!

1. Những ngày ngồi tàu ken đặc hành khách, ngủ gật trên ghế, ngoài bậc cầu thang, dừng ở hàng trăm nhà ga, hơn chục thành phố... là những trải nghiệm đáng nhớ với tôi. Có vẻ như chuyến đi kéo dài hơn 6 tiếng đồng hồ từ Cologne (Đức) đến Paris (Pháp) sẽ là chuyến tàu dài cuối cùng của tôi trong mùa hè bận rộn này. Nhưng nó cũng là hành trình đầu tiên để bắt đầu cho những ngày Olympic.

Tôi đã ở Paris hơn một tháng trước. Ngày đó, Paris chật chội lắm, khi những ngả đường bị chặn để phục vụ công tác tổ chức Olympic. Lúc đó, tôi vẫn có thể cảm nhận được Paris mặn mà, vẫn có thể đạp xe đạp vòng quanh thành phố, vẫn hít thở được không khí lãng mạn, cổ kính. Nhưng lần này quay lại, mọi thứ ngổn ngang hơn, chồng chất hơn và Paris quen thuộc bỗng có gì lạ lẫm. 

Dưới chân tháp Eiffel sẽ diễn ra môn bóng chuyền bãi biển, nằm trong chương trình thi đấu Olympic Paris 2024.

Ngày diễn ra lễ khai mạc Thế vận hội, Paris khoanh vùng cấm không khác gì đợt dịch Covid-19. Vùng cấm chia làm 3 cấp. Ví như ở khu vực cấp 1, cư dân hoặc người làm việc ở đó, dù đi bộ hay đạp xe cũng đều phải có mã QR. Xe cảnh sát, lực lượng an ninh ở khắp mọi nơi, còi hú inh ỏi. Đương nhiên, cuộc sống của người dân Paris bỗng đảo lộn và đầy khiên cưỡng...

Các hàng quán bên sông Seine những tưởng sẽ bội thu mùa Olympic. Nhưng không, để bảo đảm an ninh, Ban tổ chức Thế vận hội Paris 2024 cho lập rào chắn kéo dài bên bờ sông. Thế là quán vắng khách. Chủ quán muốn vượt ra khỏi bức rào cũng khó vì có lệnh “nội bất xuất”.

2. Mỗi lần tôi đến Paris, nhịp sống hối hả, nhưng vẫn có những khoảng không gian tĩnh lặng, những góc phố với những quán cà phê lãng đãng níu thời gian dừng lại, như để kể những câu chuyện lịch sử về nó. Bất kỳ quán cà phê hay quán ăn nào ở Paris đều có những câu chuyện, những vĩ nhân từng tới đây ngồi đàm đạo, sáng tác. Càng sát đến giờ khai mạc Olympic Paris, tất cả đều cảm thấy chộn rộn, cho dù là chiếc trực thăng đang bay trên bầu trời thành phố. An ninh, cảnh sát, người dân, cổ động viên hòa lẫn vào nhau...

Mỗi năm, Paris đón khoảng 37-38 triệu khách du lịch, trong đó quá nửa đến vào mùa hè. Paris vốn đắt đỏ, cách đây một tháng, tôi đã phải chi tiêu dè sẻn, đến cái vé tàu điện ngầm nội đô giá cũng tăng gấp đôi, giờ trở lại Paris còn "chát" hơn nữa. Chỗ lưu trú gần như không thể tìm thấy, nếu có cũng 150-300 euro/đêm; khách sạn 3 sao trở lên thì... thôi không tính vì tôi không thể nào với tới, bởi không dưới 500 euro/đêm.

Mà thật ra thì khách sạn cũng đã kín chỗ khi các đoàn thể thao, vận động viên, du khách có điều kiện đã đặt từ trước. Còn đồ ăn cơ bản như bánh mì, bơ, sữa, hoa quả thì tăng nhẹ không đáng kể, nhưng với nhà hàng thì du khách hãy cân nhắc thật kỹ trước khi bước vào.

Tôi lại dừng chân tại quán ăn rất nổi tiếng của người Việt ở trung tâm Paris, quán Cốm. Trò chuyện với những người bạn ở đây, tôi hay biết, người Paris phần lớn đã đặt vé đi du lịch từ sớm. Thời điểm diễn ra Olympic, người Paris đã giảm đi quá nửa, họ biết tình trạng này sẽ diễn ra nên chọn đi du lịch dài ngày.

Các cơ quan, công ty cũng khuyến khích nhân viên làm việc ở nhà, không cần đến chỗ làm, trừ trường hợp thực sự cần thiết. Thậm chí một số nơi còn yêu cầu người lao động nghỉ phép vào thời gian diễn ra Olympic. Ngày hội thể thao thế giới thực sự làm Paris quay cuồng đến tội nghiệp.

Lý do lớn khiến Paris bận rộn là do lễ khai mạc và những ngày thi đấu sắp tới sẽ biến thành phố thành sân khấu khổng lồ, với chương trình diễu hành trên sông Seine, kéo dài 6km suốt khu vực trung tâm, đi qua tháp Eiffel đến cầu Pont Neuf, qua bảo tàng Louvre... Hơn 600.000 ghế ngồi được lắp đặt dọc hai bên bờ sông, thậm chí đã tạo ra những rắc rối xung quanh. Ví dụ như những dãy tạp hóa, cửa hàng nhỏ bán báo, ảnh... dọc sông Seine suýt bị đập đi, nếu không có sự phản đối của người dân, bởi đó là một trong những nét đặc trưng văn hóa, lịch sử lâu đời của Paris.

Lễ khai mạc diễn ra hoành tráng, dưới sông là hàng trăm chiếc thuyền chở diễn viên, các vận động viên, máy quay phim... còn hai bên bờ là khán giả, kết hợp gần 100 màn hình Led cỡ lớn, và rất nhiều công trình trang trí. Tất cả kết hợp tạo thành một sân khấu lớn chưa từng thấy. Báo chí Pháp khẳng định đây là lễ khai mạc Thế vận hội lớn nhất thế giới, với sân khấu đương nhiên cũng lớn nhất thế giới, và thời lượng phát sóng trực tiếp cũng đạt kỷ lục, kéo dài 4 giờ đồng hồ.

3. Paris vẫn đang hối hả, tập trung tối đa cho Olympic. Nhịp sống đảo lộn. Không gian mỹ miều vốn có cũng ảnh hưởng khá nhiều. Paris tạm thời cất đi vẻ đẹp của kinh đô ánh sáng để hân hoan chào đón cả thế giới.

Bất kể lễ hội nào cũng có sự phiền toái, tất bật, nhưng bù lại sẽ là những ngày tuyệt vời, đầy màu sắc và tình yêu lan tỏa. Tôi vẫn giữ nguyên trong mình cảm nhận về Paris xưa cũ lộng lẫy, quyến rũ và cũng sẽ chuẩn bị sẵn tinh thần để cảm nhận một Paris mới. Paris của những ngày hội Olympic... nơi đoàn thể thao Việt Nam bước vào tranh tài sòng phẳng với các đoàn bạn.

Q.C (theo QĐND)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.