Thị trường - Tiêu Dùng
Bát nháo thị trường hàng “xách tay”
Lợi dụng tâm lý “sính ngoại”, thích sử dụng hàng có thương hiệu nhưng giá rẻ của một bộ phận người tiêu dùng, những năm gần đây, các mặt hàng “xách tay” được rao bán tràn lan, đặc biệt là trên các diễn đàn chợ mạng. Tuy nhiên, những sản phẩm này luôn tiềm ẩm nhiều rủi ro về hàng lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Một cá nhân rao bán thực phẩm chức năng “xách tay” trên mạng xã hội Facebook. Ảnh: M.L
Thời gian qua, cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử, các tổ chức và cá nhân kinh doanh hàng “xách tay” đã thông qua những công cụ như: Website, Zalo, Facebook… chào bán các sản phẩm do nước ngoài sản xuất. Các mặt hàng được rao bán chủ yếu là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, nước hoa, đồng hồ, túi xách, điện thoại di dộng, rượu... được giới thiệu mang về từ Mỹ, Đức, Úc, hàng nội địa Nhật, Hàn…
Không chỉ trên chợ mạng, hiện nay hàng “xách tay” không có nhãn phụ hay hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt cũng được bán tràn lan ở các cửa hàng. Một số nơi bán với số lượng nhiều trong khi thực tế, hàng “xách tay” được đưa về nước khá hạn chế do các quy định về hải quan khi vận chuyển qua đường hàng không, hàng hải.
Nhằm bảo vệ người tiêu dùng và giảm thiểu tình trạng nhập lậu hàng hóa, Cục Quản lý thị trường tỉnh thường xuyên kiểm tra, kiểm soát hoạt động các cửa hàng chuyên kinh doanh hàng “xách tay” và các cửa hàng có bán kèm hàng “xách tay”. Qua kiểm tra, ngoài một số cơ sở có hóa đơn chứng từ đầy đủ thì vẫn có một số cửa hàng kinh doanh hàng “xách tay” không có hóa đơn chứng từ nhập khẩu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, một số cửa hàng còn cất giấu ở một nơi khác ngoài địa điểm kinh doanh, khi khách có nhu cầu mua họ mới đưa ra bán, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý. Đối với việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý người bán hàng “xách tay” trên chợ mạng thì còn khó khăn bội phần vì người bán không địa chỉ cụ thể, hàng hóa bán theo kiểu chuyền tay…
Trước tình hình buôn bán tràn lan của mặt hàng “xách tay”, Chính phủ đã ban hành Nghị định 98 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Điểm đáng chú ý của nghị định này là xử phạt nặng hơn so với các quy định trước đây, nhất là với hoạt động kinh doanh hàng “xách tay”. Cụ thể, cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt từ 0,5 - 50 triệu đồng, tùy giá trị hàng hóa nhập lậu; tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt từ 1 - 100 triệu đồng. Mức xử phạt sẽ tăng gấp đôi, tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức nếu trực tiếp nhập lậu hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, trang thiết bị y tế.
Dù các cơ quan chức năng đã quyết liệt kiểm tra, kiểm soát nhưng tình trạng kinh doanh hàng nhập lậu gắn mác hàng “xách tay” vẫn chưa thể xử lý triệt để. Do đó, để không gián tiếp tiếp tay cho các vi phạm, người tiêu dùng cần cân nhắc lựa chọn các sản phẩm cho bản thân và gia đình. Chỉ nên chọn mua hàng “xách tay” do cửa hàng hay người quen uy tín bán, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe và tranh thiệt thòi cho bản thân.
MINH LUÂN
- Thành phố Bạc Liêu tiếp công dân định kỳ tháng 4
- Phòng GD-ĐT TP. Bạc Liêu: Tổ chức hội thi “Bé khéo tay”
- Huyện Hồng Dân: Khánh thành cầu Đường Trâu và tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn
- Bạc Liêu thăm TP. Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Trường đại học Bạc Liêu: Hơn 500 vận động viên tham gia Hội thao sinh viên