Thị trường - Tiêu Dùng
Kinh doanh online, trực tuyến “ăn nên làm ra” giữa đại dịch COVID-19
Trước lo ngại về dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) lây lan, thay vì phải đến trực tiếp các cửa hàng, siêu thị, chợ mua hàng thì nhiều người tiêu dùng đã chuyển sang hình thức mua hàng trực tuyến, online. Nhờ đó, các hình thức kinh doanh này được dịp “ăn nên làm ra” nhờ lượng người mua khá đông.
Kinh doanh thực phẩm qua mạng xã hội đắt khách trong mùa dịch bệnh. Ảnh: T.Q
Thông tin về dịch COVID-19 đã khiến các siêu thị mini, cửa hàng tiện ích, các quán ăn uống, các chợ… rơi vào cảnh vắng vẻ vì người dân hạn chế tới nơi đông người. Để tiêu thụ hàng hóa, những ngày qua, nhiều siêu thị, cửa hàng kinh doanh ăn uống, cà phê… đã đẩy mạnh bán hàng online thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, các website, thậm chí điện thoại tư vấn cho khách hàng rồi cử nhân viên giao hàng đến tận nhà cho khách.
Anh Thanh Sang, chuyên kinh doanh thiết bị vi tính văn phòng và quần áo trẻ em (phường 7, TP. Bạc Liêu), cho biết: “Do người tiêu dùng hạn chế đi mua sắm, nên cửa hàng phải đẩy mạnh bán hàng qua các kênh gián tiếp như mạng xã hội, website… Nhờ kinh doanh qua các hình thức này nên doanh thu của cửa hàng không bị sụt giảm nhiều”.
Lo sợ dịch bệnh lây lan, người tiêu dùng hạn chế trực tiếp đi mua sắm, nhất là mua thực phẩm, do đó mua sắm qua hình thức trực tuyến, online là lựa chọn hàng đầu. Nắm bắt thời cơ này, nhiều người đổ xô kinh doanh thực phẩm online, góp phần tăng thu nhập trong thời kỳ kinh doanh ế ẩm do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Không chỉ kinh doanh online mới được mùa, mà các trang mua sắm trực tuyến, các sàn thương mại điện tử Shopee, Tiki, Lazada… cũng “ăn nên làm ra” không kém. Lượng người truy cập các trang mua sắm ngày càng nhiều, các sản phẩm đều được khuyến mại giảm giá nhằm kích thích nhu cầu mua sắm của khách hàng.
Mặc dù mua sắm qua hình thức trực tuyến, online có nhiều tiện lợi, thế nhưng hình thức này cũng có hạn chế là không thể trực tiếp thử, không thể kiểm tra nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, việc giao hàng cũng phải chờ đợi… Do đó, người tiêu dùng nên lựa chọn những trang bán hàng uy tín, người quen để mua sản phẩm chất lượng, tránh cảnh tiền mất tật mang. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát hình thức kinh doanh trực tuyến, online nhằm tránh xảy ra việc bán hàng nhái, hàng kém chất lượng, làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Minh Luân
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ