Thị trường - Tiêu Dùng
Kinh doanh tạp hóa “ăn nên làm ra” mùa COVID-19
Thời gian qua, trước sự nở rộ của các kênh bán hàng hiện đại như: siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện ích, kinh doanh online nên các cửa hàng tạp hóa rơi vào tình trạng ế ẩm. Thế nhưng từ khi dịch COVID-19 bùng phát, người tiêu dùng đổ xô tìm mua thực phẩm để dự trữ, từ đó các cửa hàng tạp hóa lại có cơ hội “ăn nên làm ra”.
Người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm tại một cửa hàng tạp hóa trên địa bàn phường 5 (TP. Bạc Liêu). Ảnh: T.Q
Hơn một tháng qua, các mặt hàng như: xà bông Lifebuoy diệt khuẩn, nước rửa tay sát khuẩn, giấy vệ sinh, mì tôm, khẩu trang vải… ở Cửa hàng tạp hóa 120 (phường 3, TP. Bạc Liêu) liên tục “cháy” hàng. Cửa hàng phải nhập hàng về liên tục mới đủ cung ứng cho khách. Ngoài bán trực tiếp, cửa hàng còn thường xuyên cập nhật sản phẩm bán online và giao tận nơi theo yêu cầu của khách.
Còn tại cửa hàng tạp hóa Minh Khánh (phường 2, TP. Bạc Liêu) thì liên tục yêu cầu nhà phân phối giao hàng với số lượng lớn, chủ yếu là dầu ăn, đường, mì gói, gạo… Bà Hồng Phấn (chủ cửa hàng) cho biết: “Trong các mặt hàng thiết yếu thì mì gói và gạo là bán chạy nhất, có ngày tôi bán lên đến cả 100 thùng mì, có người mua hơn chục thùng mì để dự trữ”.
Không chỉ ở thành thị, mà ngay cả các chợ nông thôn, các cửa hàng kinh doanh tạp hóa cũng được mùa “vàng” khi nhu cầu tích trữ thực phẩm của người tiêu dùng tăng cao. Chị Tuyết Nhung (tiểu thương chợ Phó Sinh - xã Phước Long, huyện Phước Long) chia sẻ: “Năm nào qua mùa Tết thì kinh doanh tạp hóa cũng ế ẩm, song từ khi có thông tin về dịch COVID-19, các cửa hàng tạp hóa bán khá chạy, chủ yếu là mì gói, bánh và các loại gia vị”.
Ngoài tích trữ thực phẩm thì việc giữ vệ sinh cơ thể, vệ sinh môi trường sống cũng được đông đảo người dân quan tâm. Nắm bắt nhu cầu đó, các cửa hàng tạp hóa tăng cường kinh doanh những mặt hàng như: tinh dầu xông phòng, nước lau sàn, nước lau kính… Nhu cầu sử dụng các sản phẩm trên cũng tăng lên đột biến trong khoảng thời gian này.
Tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và tâm lý tích trữ hàng hóa của người tiêu dùng vẫn còn cao, điều này góp phần giúp các cửa hàng tạp hóa có điều kiện vực dậy sau thời gian kinh doanh trầm lắng. Tuy nhiên, trước tình trạng dự trữ hàng hóa ồ ạt như hiện nay, đây là cơ hội để hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc tuồn vào thị trường. Cho nên để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, người tiêu dùng nên mua hàng hóa ở những cửa hàng uy tín, chỉ lựa chọn sản phẩm có nhãn hàng hóa, hạn sử dụng… để tránh “tiền mất tật mang”. Đặc biệt là không nên có tâm lý hoang mang, tích trữ quá nhiều hàng hóa gây ra tình trạng khan hàng, tăng giá các mặt hàng thiết yếu làm xáo trộn thị trường.
MINH LUÂN
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ