Thị trường - Tiêu Dùng
Quản lý niêm yết giá ở các chợ truyền thống: Làm cho có lệ (?!)
Theo quy định, người bán hàng phải niêm yết giá bán lẻ và bán theo giá niêm yết cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc niêm yết giá hàng hóa được thực hiện chủ yếu ở các siêu thị, cửa hàng có quy mô lớn, còn tại các chợ, tiệm tạp hóa… thì chỉ làm cho có lệ, thậm chí không niêm yết giá.
Nhiều mặt hàng ở chợ Trưởng Tòa (xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long) không niêm yết giá. Ảnh: M.L
Tại một số chợ trên địa bàn tỉnh như: chợ phường 1, phường 2, phường 3 (TP. Bạc Liêu); chợ Trưởng Tòa, Phó Sinh, Phước Long (huyện Phước Long); chợ Ngan Dừa (huyện Hồng Dân)… tình trạng không niêm yết giá bán hàng hóa (đồ gia dụng, quần áo, nón, giày dép, bánh kẹo các loại…) diễn ra khá phổ biến. Một số nơi chỉ niêm yết giá theo kiểu đối phó hoặc đặt bảng niêm yết chỗ khuất tầm nhìn, khó nhận biết; một số người thì niêm yết giá này nhưng bán giá khác, hoặc niêm yết theo kiểu chỉ có người bán nhìn vào mới hiểu.
Đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống, gia vị…, hầu hết các hộ kinh doanh chưa niêm yết giá rõ ràng, thậm chí không niêm yết giá. Theo một số tiểu thương, do giá các mặt hàng này thay đổi liên tục nên họ không có thời gian ngồi ghi hay sửa giá. Ngoài ra, người tiêu dùng nông thôn thường có thói quen trả giá và hay so sánh giá cả giữa các quầy khi mua hàng nên tiểu thương cũng ngại niêm yết mà bán theo kiểu “thuận mua vừa bán”. Điều này làm cho nhiều người bán hàng đẩy giá sản phẩm lên cao so với giá trị gốc của hàng hóa.
Chị Kim Hai, tiểu thương chợ Phước Long, chia sẻ: “Chúng tôi chỉ niêm yết giá một số mặt hàng thông dụng. Còn một số mặt hàng nhỏ, có giá trị thấp (như pin, lược…) chúng tôi không niêm yết vì vừa mất công lại mất thời gian”.
Nhằm siết chặt quản lý thị trường về giá, thời gian qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ thường xuyên phối hợp với cơ quan hữu quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về niêm yết giá tại các chợ. Qua đó phát hiện rất nhiều trường hợp vi phạm về niêm yết giá. Tuy nhiên, biện pháp xử lý chủ yếu chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh ký cam kết niêm yết giá hàng hóa, bán hàng đúng giá niêm yết; không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng hóa không đảm bảo chất lượng...
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ kinh doanh niêm yết giá bán trên từng sản phẩm; dùng bảng giá ghi rõ những loại hàng hóa không thể ghi trực tiếp… Đồng thời có biện pháp xử phạt, chế tài mạnh hơn đối với người vi phạm, qua đó dần hình thành văn minh thương mại, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Minh Luân
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ